24/10/2020 11:50  
Ngày 24/10, GS Nguyễn Ngọc Châu lý giải nguyên nhân ông gửi thư kiến nghị kèm kết quả thẩm định về 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư có biểu hiện "khai gian".

- Ngày 21/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn kiến nghị, kết quả thẩm định của ông về 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Y và ngành Dược bị tố "khai gian" bài báo khoa học. Vì sao ông lại chủ động phản ánh việc này?

- Trước hết, phải nhấn mạnh tôi không phải là người tố cáo 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Y và Dược. Tôi đang làm việc tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tham gia một diễn đàn qua email với các nhà khoa học khác để trao đổi thường xuyên về các vấn đề khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo. GS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, là admin của diễn đàn này.

Tôi và GS Chính từng viết rất nhiều bài liên quan đến xét, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ở nước ta những năm gần đây, cũng là cộng tác viên chuyên viết bài phản biện cho tạp chí hay bản tin của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi vẫn hay nhận được đơn thư tố cáo.

Trước đây, khi nhận được, tôi sẽ chuyển tiếp cho Hội đồng Giáo sư Nhà nước, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng lần này, chúng tôi nhận tới 11 đơn gửi qua email tố cáo 16 ứng viên ngành Y và Dược. Số ứng viên liên quan nhiều, tôi cũng muốn xem thử mọi người khiếu kiện có đúng không nên đã cùng GS Chính thỏa thuận sẽ thẩm định lại rồi kiến nghị gửi Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Hai ngành Y, Dược gần với lĩnh vực tôi đang làm. Tôi cũng đã có 8 năm, từ 2009 đến 2017, là thành viên Hội đồng Khoa học sự sống (gồm Sinh học, Y học, Dược học), Hội đồng Sinh học - Nông nghiệp, nên chúng tôi thỏa thuận tôi sẽ trực tiếp thẩm định lại các bài báo ghi trong hồ sơ ứng viên.

Việc tôi thẩm định lại các công bố quốc tế của những ứng viên này là để giúp Hội đồng Giáo sư Nhà nước có thêm tư liệu tham khảo trong quá trình đánh giá, xét duyệt công nhận đạt chuẩn chức danh. Bởi Hội đồng Giáo sư Nhà nước vốn không có chức năng và không có bộ máy thẩm định. Các hồ sơ đã được thẩm định và thông qua bởi Hội đồng Giáo sư cơ sở và Hội đồng ngành sẽ được đăng tải công khai và có 45 ngày để xã hội giám sát. Nếu không có tố cáo, khiếu kiện gì, các hồ sơ sẽ được báo cáo để Hội đồng Giáo sư Nhà nước bỏ phiếu thông qua.

Hơn nữa, trong khoa học, tính liêm sỉ của nhà khoa học được đề cao. Nhà khoa học phải công khai, minh bạch những gì mình làm được, dám nói những điều không hay và không được phép đồng loã với những cái gian dối bởi như vậy là có tội với xã hội. Tôi thẩm định lại những trường hợp bị tố cáo là việc làm hoàn toàn tự nguyện. Tôi chỉ làm theo đúng lương tâm của một nhà khoa học.

- Quá trình thẩm định của ông diễn ra như thế nào?

- Tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm thẩm định hồ sơ nên chỉ mất 3-4 ngày tập trung làm. Việc thẩm định phải đảm bảo chính xác, tránh mang tiếng hay bị kiện lại. Lương tâm nhà khoa học là không làm thì thôi, một khi đã làm là phải chuẩn xác.

Trong hồ sơ, các ứng viên phải khai tên các bài báo và tên tạp chí đã đăng tải, tạp chí đó thuộc danh mục gì. Hiện, chỉ các bài đăng trên tạp chí được xếp hạng là ISI và Scopus được công nhận. Trong đó, ISI danh giá hơn, chỉ có hơn 3.000 tạp chí thuộc danh mục này nên có bài đăng trên tạp chí thuộc ISI là chắc chắn uy tín.

Với Scopus, có tới hơn 7.000 tạp chí, được xếp hạng chất lượng theo bốn mức từ Q1 đến Q4. Những bài đăng trên tạp chí Q1, Q2 là tốt, còn Q4 là phải để ý bởi chất lượng của tạp chí thuộc nhóm này thường không ổn định, có thể nằm trong danh mục từ năm 2015 đến năm 2017, nhưng đến năm 2018 thì đã bị loại ra. Khi thẩm định, tôi cũng phải chú ý đến điều này vì bài đăng trong thời gian tạp chí không nằm trong danh sách nào cả thì không thể tính được.

Chẳng hạn, kết quả thẩm định của tôi cho thấy ứng viên có 3 bài đăng năm 2019 trên tạp chí từng có tên trong danh mục Scopus, tuy nhiên tạp chí này bị loại khỏi Scopus từ năm 2016. Như vậy, 3 bài đăng này không tính.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm định, tôi cũng chú ý đến những bất thường, chẳng hạn việc có 5 bài trên cùng một số của một tạp chí là điều không tưởng. Nhà khoa học không thể có nhiều sản phẩm trí tuệ trong thời gian ngắn như vậy được. Trường hợp này có thể là do ứng viên bỏ tiền ra để được đăng bài trên các tạp chí Open Access kém chất lượng.

- Bài đăng trên tạp chí Open Access (OA) có giá trị thế nào?

- Thế giới có hàng chục nghìn tạp chí loại Open Access (OA) của các nhà xuất bản. Họ kinh doanh là chính, ít chú ý đến chất lượng. Người muốn đăng bài chỉ cần trả tiền, chi phí khoảng 2.000-3.000 USD. Với loại này, có cho đăng miễn phí, các nhà khoa học chân chính cũng không muốn bởi có thể ảnh hưởng đến danh dự. Chỉ một số người năng lực nghiên cứu yếu, không có số liệu để công bố, lợi dụng vào đó để đăng bài lấy số lượng, hy vọng được thông qua các hội đồng cơ sở, ngành rồi được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Việc trả tiền là có thể được đăng bài dẫn đến tình trạng có tác giả có tới 5 bài báo trên cùng một số, thậm chí cả chục. Trong khi với những tạp chí bình thường, việc một số có hai bài là rất hiếm, thậm chí bài thứ hai phải là đồng tác giả với người khác thì may ra.

Tuy nhiên, vẫn có khoảng vài phần trăm tạp chí OA có tên trong danh mục Scopus nhưng thường không ổn định và bị loại ra. Khi thẩm định, những bài ở các tạp chí OA có tên trong danh mục hiện tại tôi vẫn kết luận là "có thể chấp nhận".

- Từ việc này, ông nghĩ sao về việc đặt vấn đề quy định danh sách các tạp chí để được xét công nhận giáo sư, phó giáo sư?

- Sẽ không bao giờ có quy định về tên các tạp chí cụ thể và cũng khó đưa ra được bởi mỗi ngành lại có những tạp chí khác nhau hay như tôi nói là không phải tạp chí nào cũng đứng mãi mãi trong danh mục ISI, Scopus. Vì vậy, quy định như bây giờ, tức là yêu cầu tạp chí phải thuộc danh mục ISI, Scopus là được rồi.

- Từ khi gửi thư kiến nghị cùng kết quả thẩm định hồ sơ 16 ứng viên ngành Y và Dược lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, ông chịu áp lực như thế nào?

- Tôi không chịu áp lực gì và cũng không lo lắng gì vì tôi đã làm đúng lương tâm nhà khoa học. Thậm chí, tôi vui khi thư của tôi được phản hồi với sự cảm ơn và ghi nhận. Tôi thấy Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã phản ứng rất nhanh khi gửi công văn ngay cho hai Hội đồng Giáo sư ngành Y và Dược.

- Sắp tới đây, ông sẽ làm gì nếu cơ quan chức năng yêu cầu phối hợp?

- Trong thư kiến nghị và báo cáo kết quả thẩm định gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước và Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi nêu rõ sẽ chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và sẵn sàng hợp tác với Hội đồng Giáo sư Nhà nước, cơ quan chức năng làm sáng tỏ các nghi vấn nếu còn.

Không chỉ với những ứng viên bị tố cáo, tôi còn muốn các hội đồng, thanh tra rà soát tất cả hồ sơ ứng viên của hai ngành Y và Dược bởi tôi thấy các Hội đồng Giáo sư ngành Y và Dược vì lý do nào đó (trình độ, cố tình bao che) rõ ràng chưa thực hiện tốt việc thẩm định, bỏ qua nhiều ứng viên không đủ chuẩn công bố, giảng dạy. Tôi chỉ ngồi xem một chút đã thấy hàng loạt vấn đề mà không hiểu sao cả hội đồng thẩm định lại bỏ sót được.

Ngày 21/10, GS Nguyễn Ngọc Châu đã gửi thư kiến nghị và kết quả thẩm định hồ sơ 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Y và Dược lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước và Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi nhận được 11 thư tố cáo qua email.

Kết quả thẩm định của ông Châu cho thấy 3 ứng viên phó giáo sư có đủ số bài báo yêu cầu, 12 người không đủ. Hầu hết bài báo công bố của họ được đăng trên tạp chí Open Access (OA), loại tạp chí mở, mất phí để đăng nên chất lượng thấp.

Tiếp nhận thư kiến nghị, ngày 22/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã yêu cầu Hội đồng Giáo sư ngành Y, Dược xác minh.

Dương Tâm

Nguồn tin: vnexpress.net


Công nghệ   Giáo dục   Nông nghiệp   Việt Nam   diễn đàn   hành vi   hợp tác   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...