24/10/2020 9:20  
Nhiều năm trở lại đây, lao động nông thôn ở Hà Nam đã chuyển hướng học nghề kỹ thuật chế biến món ăn đông hơn. Đây là nghề đang “hút” lao động nông thôn.

Theo thống kê, ở giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình nghề đào tạo cho lao động nông thôn bao gồm 9 nghề nông nghiệp và 12 nghề phi nông nghiệp.

Trong giai đoạn này, gần 11.000 người đã được đào tạo các nghề phi nông nghiệp, 90% có việc làm ngay sau đào tạo. Trong số những nghề phi nông nghiệp được người dân chú ý, đăng ký tham gia học nhiều là kỹ thuật chế biến món ăn.

Tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên ở các huyện như Kim Bảng, Duy Tiên, Lý Nhân, việc đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn được tổ chức theo nhu cầu thực tế của địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa “Nhà nước - Doanh nghiệp - Người lao động học nghề” nhằm bảo đảm tính bền vững.

Từ năm 2019-2020, nghề học này đã bám sát định hướng phát triển của Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu du lịch quốc gia Tam Chúc và KCN Đồng Văn IV giai đoạn 2019-2021".

Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Bảng, sau khi triển khai Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu du lịch quốc gia Tam Chúc và KCN Đồng Văn IV giai đoạn 2019-2021", huyện Kim Bảng đã có gần 1.000 lao động đăng ký học nghề kỹ thuật chế biến món ăn.

Theo như kế hoạch đề ra, năm 2020, huyện có khoảng trên 200 lao động học nghề này với mục tiêu phục vụ các dịch vụ kinh doanh hàng ăn uống trên địa bàn Khu du lịch Tam Chúc hoặc phục vụ trong các nhà bếp của doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Nghề phù hợp với nhiều lứa tuổi nên rất được người lao động nông thôn yêu thích.

Theo chia sẻ của nhiều người học nghề kỹ thuật chế biến món ăn, nghề nấu ăn hiện nay rất hữu dụng, chủ yếu thu hút nhiều phụ nữ, nếu gia đình có chút vốn, cộng với việc có địa điểm thì sau khi học sẽ về mở quán ăn, nhà hàng. Còn không thì có thể vào các doanh nghiệp để làm, hoặc đơn giản, nhiều phụ nữ đi học để phục vụ gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hằng, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, cho biết, sau 3 tháng học và thực hành tại chỗ, chị đã thành thạo nghề, có kỹ năng cơ bản trong chế biến, trình bày món ăn nên đã bàn bạc với chồng bỏ kinh doanh karaoke gia đình sang bán hàng ăn.

Cùng với đó, những năm qua, rất nhiều người học nghề nấu ăn đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp.

Ở Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Lý Nhân, số lao động nông thôn đăng ký học nghề kỹ thuật chế biến món ăn ngày càng đông. Cùng với nghề chăm sóc sắc đẹp, làm mẫu tóc, nghề chế biến món ăn thực sự hấp dẫn người học vì đầu ra thuận lợi hơn các nghề khác.

Để đáp ứng yêu cầu người học, phía Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lý Nhân đã liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng du lịch, kỹ thuật ở Hà Nội, Thái Nguyên giảng dạy. Nhà trường tổ chức  lớp học với đầy đủ thiết bị, vật dụng phục vụ  thực hành tại chỗ cho người học. Vì thế, chất lượng đào tạo sau mỗi khóa được nâng cao.

Bà Vũ Thị Hải, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, cho biết: “Qua lớp học nghề nấu ăn tôi cũng thấy là phù hợp với mọi lứa tuổi ở nông thôn. Nếu các bà, các chị, không đi làm được ở công ty được thì vẫn có thể đi làm được ở một số quán ăn, hoặc phụ giúp một số nhà hàng nhỏ lẻ.

Đức Văn

Nguồn tin: dantri.com.vn


Giáo dục   Hà Nội   Xã hội   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...