02/10/2020 17:10  

Hà Nội muốn "bắt kịp xu thế phát triển của thời đại"

Đây cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời, cũng nhằm thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO”.
Phát biểu tại tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hơn 11 thế kỷ kể từ khi dời đô từ Hoa Lư về, Thăng Long - Hà Nội “vẫn luôn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài bốn phương".  
Hà Nội đã được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”.
Hà Nội ngày nay, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số, nhưng đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Hà Nội cũng đã và đang khẳng định vai trò là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu; nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 80% trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và 65% lực lượng khoa học trình độ cao của cả nước.
Ông Huệ cho rằng, “tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, “phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo được hun đúc từ hơn nghìn năm qua”, để “khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của Hà Nội”, và để “bắt kịp xu thế phát triển của thời đại - kỷ nguyên văn minh trí tuệ và toàn cầu hóa”... chính là nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để phát triển tầm vóc thủ đô trong thời gian tới.
Với tinh thần đó, Hà Nội đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực...
Điều mà Hà Nội muốn “lắng nghe, trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, các nhà đầu tư, doanh nghiệp…” tại tọa đàm này, theo ông Huệ, xoay quanh 3 trụ cột chính: tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng; mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học; hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá thương hiệu Thành phố sáng tạo, nhằm hỗ trợ Hà Nội hiện thực hóa tham vọng trở thành một thủ đô sáng tạo của mình.

Muốn chuyển động thì phải hành động

Trước sự kiện này, Thành ủy, UBND TP.Hà Nội cũng đã phối hợp cùng Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo về “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển thành phố sáng tạo của thủ đô Hà Nội”. Tại đây, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đại diện cho nhóm chấp bút viết dự án đã có chia sẻ tâm huyết. Theo bà Phương, để có được hồ sơ này và để nó được phê duyệt là một quá trình dài, với công sức của rất nhiều người yêu Hà Nội, là nỗ lực vượt bậc 200% của những người thực hiện.
“Chúng ta mong muốn, chúng ta tự nguyện, chúng ta làm hồ sơ vào, nhưng 4 năm sau, danh hiệu đó có thể mất đi, nếu như chúng ta không thực hiện được 3 sáng kiến địa phương và 3 sáng kiến kết nối quốc tế. Ngày hôm nay chúng ta bàn, tất nhiên là tầm nhìn cao hơn, xa hơn; nhưng những gì cam kết chúng ta cần làm được. Nhưng ở hội trường này, bao nhiêu người quan tâm đến 3 sáng kiến địa phương và 3 sáng kiến kết nối quốc tế?”, bà Phương đặt câu hỏi.
Trong các sáng kiến địa phương, có củng cố các không gian sáng tạo, để không gian sáng tạo lan tỏa. Theo bà Phương, ngày gửi hồ sơ đi, Hà Nội có 70 không gian sáng tạo, và con số bây giờ là 200, nhưng đó là nỗ lực của các cá nhân, tổ chức hình thành nên các không gian này. Bây giờ là lúc chính quyền phải tri ân họ, phải tạo ra cơ chế để không gian sáng tạo có thể sống, tạo ra sức hấp dẫn của thành phố.
Bà Phương cho rằng, Hà Nội có thừa nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu, vấn đề là bắt tay vào làm.
“Ngày chúng tôi đi PR cho thành phố, chúng tôi tin tưởng lắm, cam kết với thế giới là nếu ủng hộ chúng tôi, thì chúng tôi sẽ làm được việc này, sẽ hiện thực hóa các sáng kiến. Nhưng khi triển khai, thì các thành phố khác hỏi, tại sao không thấy Hà Nội nói gì, tại sao không thấy Hà Nội tham gia? Tôi nói rằng chúng tôi chỉ là người chấp bút, chúng tôi không có tư cách để trả lời các câu hỏi này.
Vì vậy, muốn chuyển động, tạo ra sự liên hệ giữa thành phố với mạng lưới khác, thì cần hành động. Xin chính quyền thành phố hãy nhìn vào 3 sáng kiến địa phương và khu vực, thực sự quan tâm và tạo ra sự chuyển đổi đó đi. Sau khi làm được chuyện này chúng ta sẽ tạo ra được một mô hình cho Đà Nẵng, Huế, Hội An học hỏi. Sau đó, chúng ta được ràng buộc, kết nối với thế giới”, bà Phương tha thiết.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam, có 3 trụ cột chính Hà Nội có thể cân nhắc thực hiện.
Thứ nhất là kiến tạo cơ sở hạ tầng, tái tạo cơ sở hạ tầng, chuyển tải tất cả quan điểm phát triển lấy văn hóa làm trung tâm vào quy hoạch để làm sao có nhiều không gian cho các hoạt động văn hóa hơn.
Trụ cột thứ 2 là kết nối hệ thống giáo dục và đào tạo, để sinh viên và cộng đồng giáo dục tham gia xây dựng các hoạt động văn hóa.
Thứ ba là tạo dựng chuỗi vận động và tương tác các sự kiện văn hóa, như tổ chức các sự kiện từ cấp cộng đồng đến các sự kiện quốc tế, như Thượng đỉnh các thành phố sáng tạo tại Hà Nội, Tuần lễ thiết kế Hà Nội… “Hà Nội có đủ, thậm chí thừa nguồn lực để làm, quan trọng là xúc tiến bằng các việc làm cụ thể”, theo bà Hương.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Hoa   Hà Nội   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   doanh nghiệp   giáo dục   hành vi   phát triển   quy hoạch   sáng tạo   tập trung   Đà Nẵng   đô thị   đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...