03/10/2020 7:20  
Nhiều quyền lợi cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có học nghề miễn phí, qua đó trang bị thêm hành trang nghề nghiệp. Nhưng trong thời điểm này, nhiều người lao động còn thờ ơ với học nghề.

 Giảm 66% so với cùng kỳ

Công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Hoàng Thanh Phương 34 tuổi trú tại Phúc xá (Ba Đình, Hà Nội) đã phải nghỉ việc từ 6 tháng qua. 

Đến nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), chị được tư vấn về những lớp học nghề miễn phí dành cho lao động. Cuối cùng chị đã lựa chọn kỹ thuật pha chế đồ uống để theo học.

Chia sẻ về lựa chọn của mình, chị Hoàng Thanh Phương nói: “Lúc tôi chọn nghề chỉ suy nghĩ là để phục vụ bản thân và gia đình. Vì trong thời gian này chưa xin được việc nên có thời gian đi học”.

Qua 2 tháng tìm hiểu nghề, chị Phương đã học được hơn 50 cách pha chế đồ uống khác nhau và được trang bị những kiến thức nền tảng để bắt đầu khởi nghiệp liên quan đến ẩm thực như kinh doanh quán cà phê hoặc bán đồ ăn online…

“Sau khi học gần hết khoá học tôi thấy đây cũng là một lựa chọn hay cho định hướng nghề nghiệp thời gian tới của bản thân” - chị Hoàng Thanh Phương cho biết thêm.

Thế nhưng, câu chuyện của chị Hoàng Thanh Phương chỉ là một trong số rất ít người theo học nghề mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Đơn cử như chị Trần Thuỳ Dung 45 tuổi trú tại Trung Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội). Sau khi được tư vấn về quyền lợi được học nghề, chị lại không lựa chọn.

Chị cho rằng, dịch bệnh đã làm kinh tế gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng nên cần có việc làm ngay để trang trải cho cuộc sống. Trước kia, chị Trần Thuỳ Dung làm kế toán trưởng cho một công ty làm đồ mỹ nghệ xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội.

“Tôi vẫn mong muốn làm nghề kế toán vì đã gắn bó 20 năm nay. Tôi cũng đã nhiều tuổi, giờ mà đi học nghề thì rất ngại phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát”.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, 748 lao động đã được đào tạo nghề. Các nghề đào tạo thuộc 5 nhóm là: Kỹ thuật nấu ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Tin học văn phòng, May công nghiệp và Sửa chữa xe máy.

Số lượng trên đã sụt giảm nhiều so với kết quả cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, cùng kỳ năm ngoái số lượng người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp đăng ký học nghề mới tại trung tâm là 2.267 người.

Có nhiều nguyên nhân

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số lượng người tham gia học nghề sau khi thất nghiệp chỉ chiếm từ 2% - 4% số lượng người đến đăng ký làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người thất nghiệp không tham gia các lớp đào tạo nghề” - bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc lao động thất nghiệp không muốn chuyển đổi nghề là do dịch bệnh Covid-19 đã khiến đa số người thất nghiệp muốn sớm trở lại thị trường lao động để có thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Ngoài ra, chế độ hỗ trợ người học cũng chưa thực sự phù hợp. Cụ thể nhiều nghề nếu học chỉ 3 tháng sơ cấp thì sẽ không thể làm nghề như may công nghiệp hay sửa chữa xe máy,...

Bên cạnh đó, một số nghề không cần đến 3 tháng để học tập nhưng chi phí đề đầu tư vào làm nghề, thực hành lại quá cao khiến cho học viên không mấy hứng thú. Nhất là trong khi đang trong thời gian mất việc khiến kinh tế vô cùng khó khăn.

Vì vậy, học viên tham gia học nghề tập trung chủ yếu vào các nghề như kỹ thuật nấu ăn hay kỹ thuật pha chế đồ uống.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho rằng, không ít học viên theo học vì có thời gian rảnh, thậm chí là có kinh tế, đi học để phục vụ gia đình và bản thân.

“Theo chúng tôi đánh giá, nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ tự khởi nghiệp rất thành công từ các nghề như Kỹ thuật nấu ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống,…” - Bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết thêm.

                                                                                 Phạm Công

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Hà Nội   cuộc sống   kế toán   thành công   tập trung   đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...