09/10/2020 17:25  
Sáng 8/10, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội.
Sự kiện được tổ chức nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm hoạt động của Ban quản lý phố cổ Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn khẳng định, khu phố cổ Hà Nội là khu vực đặc trưng mang đậm dấu ấn của tiến trình phát triển hơn 10 thế kỷ qua của Thăng Long - Hà Nội. Giá trị của di sản được thể hiện trong tổng hòa cả kinh tế - văn hóa - xã hội và nhất là cấu trúc không gian đô thị và công trình kiến trúc có giá trị.
Thời gian qua, nhất là từ sau khi có Ban quản lý phố cổ Hà Nội, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ đã đạt được những kết quả đồng bộ xong cũng còn không ít những thách thức. Do đó, Hội thảo được tổ chức để tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội. Thực hiện tốt yêu cầu đã nêu trong Luật Thủ đô là “tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị”.
Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, tất cả các nghiên cứu từ trước đến nay đều khẳng định rằng các giá trị của khu phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội... 
Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội thông tin, khu phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể (121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am,… cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như: Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian như ca trù, hát xẩm…; những lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Kim hoàn,… đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Theo bà Trần Thị Thúy Lan, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc quản lý, hiện việc bảo tồn các di sản vật thể ở khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn lực và quy trình để thực hiện các dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện công tác giãn dân chậm, trong đó có nguyên nhân do chưa có quỹ nhà giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng - Long Biên, chưa cụ thể hóa được các chính sách đặc thù...
Khẳng định khu phố cổ thực sự là một sản phẩm du lịch có giá trị cao về kiến trúc vật thể và phi vật thể, là sản phẩm du lịch văn hóa có sức hút đối với du khách trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, những giá trị ấy đang có nguy cơ ngày một mất đi do rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động.
“Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có những giải pháp gì để có thể nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu phố cổ Hà Nội. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy được hết những giá trị quy hoạch kiến trúc nơi đây luôn là bài toán nan giải từ trước đến nay nhằm đảm bảo được sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Điều này chắc chắn phải có sự góp mặt và phối hợp đồng bộ của các ngành khác nhau như xây dựng, kiến trúc, văn hóa, du lịch…” - ông Nguyễn Trúc Anh nêu.
PGS.TS. Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, để bảo tồn được quỹ di sản tại khu phố cổ cần huy động nguồn lực cộng đồng, gắn với cộng đồng. Kinh nghiệm này đã được rất nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công. Ở Việt Nam cũng đã có phố cổ Hội An cũng đã có kinh nghiệm rất rõ về vấn đề này. Quận Hoàn Kiếm nên thành lập Ban đại diện cộng đồng. Đây sẽ là cánh tay phải hỗ trợ đắc lực cho Ban quản lý phố cổ trong công tác bảo tồn. Đồng thời, xây dựng Ban tư vấn khoa học hỗ trợ về mặt tri thức, đó là những nhà khoa học tâm huyết, yêu Hà Nội sẽ là lực lượng hỗ trợ hiệu quả cho UBND quận, Ban quản lý phố cổ trong công tác này.
Ngoài ra, theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Hà Nội đã gia nhập mạng lưới TP sáng tạo, không gian trong phố cổ có rất nhiều không gian công cộng nhỏ, cần biến những không gian này thành tiểu không gian sáng tạo để thúc đẩy sự sáng tạo cho giới trẻ, giới tri thức, thu hút khách du lịch. Có thể làm thí điểm một vài khu như tổ chức sinh hoạt văn hóa theo nếp Hà Nội xưa. Có làm được như vậy sẽ biến khu phố cổ thành bảo tàng sinh thái đô thị, sẽ nâng tầm giá trị bảo tồn khu phố cổ, biến di sản văn hóa thành động lực cho sự phát triển.
Đồng tình phải có cách tiếp cận nầng tầm đối với bảo tồn phát huy giá trị phố cổ Hà Nội, để được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới, là bảo tàng sống. Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho rằng, quận Hoàn Kiếm cần quan tâm hơn đến công tác quy hoạch khu vực này, bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như không gian công cộng, trường học, bãi đỗ xe, không gian ngầm, bảo vệ giữ gìn môi trường… nhằm tạo tiện nghi, tiện ích sống cho người dân…
Đồng thời, quan tâm giữ gìn lối sống, phong cách sống người Tràng An, lấy đó là điểm mạnh thu hút khách du lịch, nhân lên phong cách sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội, nhất là ứng xử nơi công cộng. Quận cần có đánh giá tổng thể đối với các di tích khu vực phố cổ, hiện nay còn một số còn tình trạng bị xâm lấn. Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển thêm các loại hình dịch vụ để tạo thêm giá trị ga tăng...
Kết luận buổi Hội thảo, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đồng thời cho rằng, để giải quyết được những tồn tại, thách thức trong việc bảo tồn Di sản phố cổ Hà Nội, để xứng đáng với danh hiệu là di tích Quốc gia trong giai đoạn tới cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội, của cộng đồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức quốc tế. Về phía quận, trong thời gian tới sẽ tập trung dành nguồn lực cho việc bảo tồn phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội nhằm xây dựng quận Hoàn Kiếm phát triển bền vững, toàn diện.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Trung thu   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   du lịch   dịch vụ   hạ tầng kỹ thuật   quy hoạch   sáng tạo   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...