04/03/2021 20:40  
Đây là thông tin được đại diện Sở Công Thương Hà Nội đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2/2021 của UBND TP Hà Nội vào chiều 4/3.
Cụ thể, tại buổi họp báo, trước câu hỏi của báo chí về giải pháp của Hà Nội trước việc khu vực ngoại thành Hà Nội đang có tình trạng cung vượt cầu đối với nông sản khiến mặt hàng bày rớt giá thê thảm, đại diện Sở Công Thương cho biết, Hà Nội đã và sẽ thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này.
Được biết, năm nay thời tiết thuận lợi giúp nông sản Hà Nội được mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức mua giảm, tới hơn 10% so với tháng 1/2021. Bên cạnh đó, tháng 2/2021, dịch bùng phát nên việc mua sắm cũng hạn chế. Nhà hàng, khách sạn, trường học đóng cửa cũng khiến nông sản càng khó tiêu thụ hơn. Để đối phó với tình trạng này, Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Hà Nội và cho các tỉnh thành khác như Hải Dương, Hải Phòng...
Mặt khác, Sở Công Thương cũng phối hợp với các địa phương thực hiện việc rà soát, dự đoán tình hình tiêu thụ nông sản trong thời gian tới để có kế hoạch tìm phương hướng tiêu thụ nếu xảy ra vấn đề mất giá.
Sở cũng đã có kế hoạch phối hợp với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp sản xuất nhằm trợ giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nếu có tình trạng cung vượt cầu, đại diện Sở Công Thương nói.
Về giải pháp phòng chống dịch Covid-19 khi các trường đã cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, mọi công tác phòng chống dịch Covid-19 đều được chuẩn bị với sự tập trung cao nhất.
Trước khi học sinh, sinh viên đi học trở lại, các trường đã được tăng cường khử khuẩn, trang bị khẩu trang, nước diệt khuẩn, tuyên truyền tới phụ huynh học sinh công tác phòng dịch Covid-19.
Đối với cấp tiểu học, mầm non phụ huynh được hướng dẫn tự kiểm tra thân nhiệt cho con trước khi đến trường. Thực hiện biện pháp 5K từ nhà tới trường và từ trường về nhà. Khi học sinh đến trường, nhà trường cũng chủ động kiểm tra thân nhiệt, bắt buộc học sinh đeo khẩu trang, rửa tay khi vào lớp. Đồng thời, hạn chế người lạ ra vào trường nhằm tránh tối đa khả năng lây nhiễm.
Hà Nội đã hết sức chủ động về nguồn vaccine ngừa Covid-19
Trả lời câu hỏi về vaccine ngừa Covid-19 của TP Hà Nội, đại diện CDC Hà Nội cho biết, về kinh phí, theo quy định tại Nghị quyết của Chính phủ, có thể đến từ 3 nguồn gồm ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của cá nhân, doanh nghiệp; người sử dụng vaccine tự chi trả.
“TP Hà Nội đã hết sức chủ động về nguồn vaccine ngừa Covid-19. Ngày 19/2, TP đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tạo điều kiện cho TP tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 để tiêm cho người dân, đảm bảo đủ cho người dân Thủ đô Hà Nội trên 18 tuổi, người dân vãng lai cư trú trên địa bàn TP”, đại diện CDC Hà Nội nói.
Về thời gian tiêm vaccine, phía CDC Hà Nội cho biết, ngày 24/2, lô vaccine đầu tiên đã về đến Việt Nam. Ngày 6/3 tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức công tác tập huấn tiêm chủng cho toàn bộ hệ thống y tế dự phòng của 63 tỉnh, thành.
“Theo thứ tự ưu tiên của Bộ Y tế, sẽ cấp phát vaccine cho 13 tỉnh, thành hiện đang có dịch, trong đó có Hà Nội. Nhưng sẽ ưu tiên số 1 cho Hải Dương, nên lượng vaccine cho Hà Nội cũng không phải nhiều. Ngày tiêm vaccine ở Hà Nội cũng phải phụ thuộc vào việc phân bổ của Bộ Y tế. Chúng tôi cũng đã lên danh sách cụ thể cho các đối tượng được ưu tiên tiêm thời gian đầu là những người trực tiếp tham gia trên tuyến đầu chống dịch. TP sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, và theo số lượng vaccine được phân bổ”, đại diện CDC Hà Nội chia sẻ.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Việt Nam   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...