23/01/2021 16:05  
Với tập thơ Nghe mưa của nhà thơ, nhà văn, dịch giả, kịch tác gia Hà Phạm Phú, thì điểm đầu tiên thu hút tôi ở giọng thơ này, đó là sự tự tin tự tại của một người đã sống nhiều, đi nhiều, trăn trở nhiều, và biết rõ mọi sự, để chuyển hóa thành thơ với mọi sự, mà không chút nào nghi ngờ chính mình. Ngay từ bài thơ đầu tiên, khổ thơ đầu tiên, đã thấy sự đĩnh đạc, tự tin, thấu suốt sự vận chuyển của cuộc đời, sự xoay vòng con tạo:
Thời gian em khóc chào đời
Thời gian bà nhắm mắt xuôi tay nằm
Và tiếp tục sự tự tin tự tại đó, Hà Phạm Phú phát triển ở khổ thơ thứ hai về muôn loài trong sự vận hành tự nhiên, trong quy luật bất biến, ông khéo léo tung hứng với chữ để thể hiện tinh tế nhất sự dịch chuyển biến ảo trong cái bất biến của muôn đời: “Thời gian mưa hạt trổ mầm/ Thời gian gió đổ sâm cầm bay đi/ Thời gian con cáo dậy thì/ Thời gian nguyệt thực bầy ri vỡ đàn/ Thời gian cỏ dại mọc tràn/ Thời gian lũ cuốn/ Thời gian chớp nguồn” (Thời gian)
Những suy tư độc đáo, lạ lùng quanh sự sống muôn thuở quanh ta cũng là một thế mạnh khiến tập thơ Nghe mưa có sức hút thần tốc ngay cả với những độc giả vội vàng lật giở thật nhanh tập sách. Đây có lẽ là một nghệ thuật để níu mắt độc giả trong thời đại đọc lướt, thời đại tốc độ đọc bị chi phối bởi thói quen phụ thuộc mạng xã hội của con người: “Trộn hình bóng em với muối/ Rải ra khắp núi đồi/ Hong phơi/ Trăm năm sau/ Nhắm rượu” (Tình yêu)
Sự độc, lạ phát triển lên thành dòng thác lũ khoái cảm với nghệ thuật khám phá chữ, tung hứng nghĩa, để cuốn độc giả vào một đam mê chung với tác giả, cùng tưởng tượng, cùng khám phá và cùng vỡ òa trong hạnh phúc tận hưởng miền chữ miên man mới mẻ, trong sự tự do vô cùng của sáng tạo với chữ: “Những ý nghĩ mọng dần/ Ta sợ một hàm răng thô bạo/ Cắn vỡ mà không ăn/ Ta sợ một cái đầu bã đậu/ Hư phong là thánh nhân” (Vỗ cánh)
Chỉ có điều, khi đọc lại tập thơ, một cách chậm rãi hơn, cho phép mình nhâm nhi hơn ở từng câu thơ Hà Phạm Phú, thì tôi phát hiện ra một sự phấp phỏng ẩn giấu sau ấn tượng ban đầu về sự tự tin, về vẻ mạnh mẽ nam tính của người thơ này. Có một tình yêu nồng mặn, nhưng khắc khoải, hoài vọng, vì sự trôi dạt của cuộc đời, vì sự biến chuyển của thế sự, vì sự mất mát của thời gian và sức sống chân thật đã khiến lớp vỏ chữ cứng cáp cuối cùng cũng bộc ra một nỗi buồn thẳm sâu, nỗi sợ dai dẳng trong thi nhân về tình yêu, về nhân tình thế thái, về sự sống của nhân loại. “Anh vào một chợ phiên cuối năm/ Hàng hóa xô bồ, ấm chén, bát mâm/ Mọi mẫu mã tân kỳ, sắc màu sặc sỡ/ Anh hoa mắt, quay cuồng gục ngã/ Nghe vẳng bên tai/ Loạn xạ trận cười/ Không biết đâu là thật, giả/ Anh lầm lụi độc hành dọc theo con phố/ Gặp toàn những hình nhân/ Gác thú đuổi chim/ Vắng lặng tiếng người rợn như hoang mạc", để "Anh thèm nghe u ơ trẻ khóc/ Để tin vào tương lai” (Đọc sách).
Nhưng sau rốt, thì người đọc vẫn có thể mỉm cười, về sự can trường, về tinh thần Người cao cả, trong thơ này, bắt gặp ở một không gian khác, va đập với một nền văn hóa khác. “Thành phố nhiều phen/ Đòi/ Thi sĩ dấn thân/ Thi sĩ lấy thơ/ Làm ngọn cờ/ Xung trận…/ Những câu thơ như câu hát ngày thường/ Kết nối bàn tay dăng vòng trái đất/ Như mẩu bánh mì, như ngụm nước mát/ Như bài kinh cầu nguyện tự do…” (Những nhà thơ Czech).
Qua hai năm làm việc cùng ông trong Hội đồng dịch (Hội Nhà văn Việt Nam), tôi cảm nhận về một dịch giả có tầm bao quát rộng, và mỗi khi cân nhắc một tác phẩm dịch, Hà Phạm Phú thường rất chú ý đến chữ. Dường như với ông, chữ không chỉ là phương tiện biểu đạt hồn cốt, mà chữ chính là hồn cốt, là sáng tạo định dạng tác phẩm, tác giả cũng như là thách thức đối với mỗi dịch giả.
Nghe mưa là tập thơ, mà qua những con chữ có đời sống lạ, có phong cách độc đáo, tác giả Hà Phạm Phú tạo ảnh hưởng mạnh mẽ cho người đọc về cảm nhận tự do trước mọi hành động sống, dù đó là một cái cựa mình nhẹ của cỏ cây, hay một chuyển động vĩ đại của loài người.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Việt Nam   sáng tạo   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...