12/01/2021 17:45  

Sản xuất kinh doanh dược liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các chủ thể kinh doanh trong ngành nghề này phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 33 của Luật Dược 2016. Những loại nào được xem là dược liệu và chịu sự quản lý của cơ chế này được xác định trong Danh mục dược liệu quy định tại Thông tư 48/2018/TT-BYT ban hành bao gồm: các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Trong đó, nhiều loại thực phẩm phổ biến được dùng trong đời sống hàng ngày được đưa vào danh mục dược liệu như: các loại rau thơm (bạc hà, húng chanh, húng quế, ngải cứu, kinh giới, lá lốt, diếp cá, đinh lăng...); các loại gia vị (riềng, gừng, nghệ, hồ tiêu, quế, sả, gấc, tỏi...), thực phẩm bổ dưỡng (táo tàu, táo mèo, ý dĩ, hạt sen...).

Điều này đồng nghĩa với việc những chủ thể kinh doanh các loại hàng hóa này sẽ phải chịu cơ chế quản lý của pháp luật về dược, phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh dược. Ví dụ, những người bán các loại thực phẩm này phải có địa điểm, kho bảo quản, phương tiện vận chuyển, hệ thống quản lý chất lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng thực hành tốt nguyên liệu làm thuốc. Điều này, theo VCCI là chưa hợp lý và không khả thi bởi những loại thực phẩm trên không chỉ là nguyên liệu làm thuốc mà còn là loại thực phẩm rất thông dụng trong cuộc sống hàng ngày và chỉ việc sử dụng không tác động  trực tiếp đến sức khỏe con người như các loại dược phẩm. Vì vậy áp dụng cơ chế quản lý như trên là chưa phù hợp.

Mặt khác, một số loại được xác định là dược liệu trong Thông tư 48/2018 cũng được xác định là thực phẩm có nguồn gốc thực vậy nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Thông tư 15/2018/TT-Bộ NN-PTNN (gừng, tỏi, hoa atiso..). Như vậy, cùng một loại hàng hóa sẽ chịu hai cơ chế quản lý của hai cơ quan quản lý khác nhau.

VCCI nhận định rằng các bất cập nêu trên đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu và gây lúng túng cho cơ quan hải quan. Bởi nếu được quản lý theo dược liệu thì những doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh về dược trong khi các doanh nghiệp này từ trước đến nay không có bất cứ hoạt động nào trong lĩnh vực dược và dĩ nhiên không thể đáp ứng được các điều kiện này, do đó không thể thông quan được hàng nhập khẩu. Cơ quan hải quan đã áp dụng linh động theo hướng: doanh nghiệp khai báo nhập khẩu hàng hóa dùng làm thực phẩm thì thực hiện theo quy định tại pháp luật về an toàn thực phẩm trong thời gian chờ ý kiến trả lời của các cơ quan quản lý có liên quan.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Việt Nam   bổ dưỡng   doanh nghiệp   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...