17/04/2021 19:12  
Do tình trạng mất khứu giác tăng lên, hai bệnh nhân ngộ độc tinh dầu đuổi muỗi phải chuyển viện từ Hòa Bình về Hà Nội.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, 2 bệnh nhân là cặp vợ chồng ở Hòa Bình bị ngộ độc tinh dầu đuổi muỗi vừa được chuyển xuống Trung tâm.

Theo đó, cả 2 chuyển đến trong tình trạng tỉnh táo nhưng chóng mặt, đặc biệt người chồng 36 tuổi đau nhức nhiều 2 mắt, giảm khứu giác, các cơ quan khác không phát hiện bất thường.

Trước đó vào ngày 6/4, sau 3 đêm cắm tinh dầu đuổi muỗi trong phòng ngủ, cả nhà gồm 4 người trong một gia đình xuất hiện tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn nhiều, mệt mỏi nên đã đến Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khám.

Sau 3 ngày điều trị, 2 con nhỏ gồm bé 3 tuổi và 8 tuổi được xuất viện, riêng 2 vợ chồng bị nặng nên tiếp tục nằm viện theo dõi. Tình trạng người chồng ngày càng mất khứu giác nặng, không ngửi thấy mùi, lo ngại những diễn biến phức tạp bệnh nhân đã được chuyển về Hà Nội.

Người vợ cho biết, chồng chị là người tiếp xúc với tinh dầu đuổi muỗi nhiều nhất do lọ tinh dầu này được cắm chủ yếu ở tầng 1 vốn là quầy tạp hóa của gia đình. Người chồng ở khu vực này bán hàng cả ngày.

Gia đình mới đưa lọ tinh dầu lên phòng ngủ mấy hôm thì xảy ra sự cố. Được biết, chị mua lọ tinh dầu này với giá 80 nghìn tại một tiệm tạp hóa, bên ngoài có chữ Hàn Quốc, không có nhãn tiếng Việt dịch kèm.

Để sử dụng, lọ tinh dầu này được cắm vào một ổ cắm điện, tinh dầu sẽ tỏa mùi hương, muỗi sẽ sợ mà bay đi.

TS Nguyên cho biết, khi mang kiểm nghiệm lọ tinh dầu gia đình mang đến tại Viện Pháp y quốc gia cho thấy, trong lọ tinh dầu có chứa thành phần cypermethrine. Đây là thành phần thuốc trừ sâu diệt côn trùng, diệt muỗi. Hiện đang xét nghiệm thêm để xem có các dung môi, hóa chất hay không.

Theo TS Nguyên, cypermethrine cũng là thành phần trong một số loại thuốc diệt muỗi, tuy nhiên thường dùng dưới dạng phun tại nhà. Tại Việt Nam, việc phun thuốc diệt muỗi phổ biến, sau phun muỗi cửa phải mở thông thoáng, hóa chất bám dính vào tường sẽ có tác dụng đuổi muỗi.

Còn với dạng tinh dầu lan tỏa ra không khí bằng nhiệt, khi hít phải cypermethrine, hóa chất sẽ tác động lên niêm mạc, mũi họng, vào các xoang, hệ thần kinh. Tuy nhiên với lượng nhỏ, cơ thể chuyển hóa rất tốt.

TS Nguyên cho rằng gia đình này bị nhiễm độc qua đường hô hấp do hít lâu dài. Nếu xét nghiệm phát hiện thêm các dung môi khác, đặc biệt là hợp chất hydrocarbon có thể gây nhiễm độc thần kinh, khi đó điều trị sẽ phức tạp hơn.

TS Nguyên khuyến cáo, các gia đình không nên sử dụng các sản phẩm tinh dầu đuổi muỗi trong nhà, đặc biệt các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn tiếng Việt để tránh ngộ độc. "Tinh dầu tự nhiên rất khó nên thường phải pha thêm hóa chất, hít nhiều đều gây độc với cơ thể. Ngay các loại nhang thơm cũng không nên hít nhiều, các loại tinh dầu thơm cũng nên sử dụng vừa phải, không quá lạm dụng", TS Nguyên cảnh báo.

Hồng Hải

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Bệnh viện Đa khoa   Hà Nội   Việt Nam   Đa khoa  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...