28/01/2021 8:40  
Các loại rác thải điện tử cũ, pin… nếu không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Vì vậy, cần có những biện pháp đồng bộ, đủ mạnh để giải quyết bài toán rác thải điện tử một cách bền vững.
Xử lý, thu gom thủ công
Mặc dù sự nguy hiểm từ những loại rác thải điện tử thường xuyên được các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh, cảnh báo, tuy nhiên, việc xử lý của người dân hiện nay rất đơn giản. Chị Hồ Mai Hương (khu chung cư Hồ Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Máy tính cũ, tivi hay các đồ điện tử gia đình không còn sử dụng, tôi thường bán cho người thu gom đồ đồng nát”.

Nhiều người còn cho rác thải điện tử vào thùng rác chờ công nhân môi trường đến thu gom vào cuối ngày. Có thể thấy, hiện nay, rác thải điện tử đa phần được thu gom thông qua các chợ đồ cũ hay hệ thống cửa hàng sửa chữa, sau đó được đưa về một số làng nghề ở Bắc Ninh, Hưng Yên... Các thiết bị điện tử sẽ được tháo gỡ lấy những linh kiện cần thiết, còn lại rác thải sẽ bị vứt ra đường hay các khu vực bờ sông mà không được xử lý theo đúng kỹ thuật, quy trình. Điều này, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước.
Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, việc tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam hiện mới dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại (tách nhựa, đồng, nhôm...) một cách thủ công. Việc tái chế không đúng quy cách là mối họa lớn khi các chất độc hại và kim loại nặng như chì, thủy ngân rò rỉ, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Còn nhiều bất cập

Trước thực trạng này, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang đẩy mạnh thực hiện mô hình thu gom pin, rác thải điện tử. Đồng thời vận động Nhân dân không vứt pin lẫn với rác thải thông thường. Bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015, dự án Việt Nam tái chế tiến hành thu hồi miễn phí các thiết bị điện đã qua sử dụng hoặc bị hỏng để tái chế và xử lý an toàn, thân thiện với môi trường. Số lượng rác thải điện - điện tử được thu gom hơn 30.000kg trong năm 2020, so với con số 850kg trong năm đầu tiên.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã thiết lập được 5 điểm thu gom các loại rác thải điện tử. Bà Lê Thanh Thủy - Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông - Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, Chi cục đã phối hợp với chương trình tiến hành thu gom rác thải điện tử tại nhà miễn phí cho người dân. Tính đến hết tháng 12/2020, dự án Việt Nam tái chế đã nhận được 128 yêu cầu thu gom rác thải và đã tiếp nhận 1.260 thiết bị điện tử thải bỏ.

Tuy nhiên cho đến nay, việc thu gom này vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhiều người dân vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về xử lý pin và rác thải điện tử đúng cách. Điểm thu gom của chương trình được đặt tại UBND phường Thành Công hay tại Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, số lượng đồ phế thải điện tử mà người dân trong khu vực mang tới rất ít.

Mặc dù Chính phủ đã có các nghị định và quyết định về viêc hướng dẫn quản lý, thu hồi, xử lý chất thải, phế liệu trong đó có pin, ắc quy đã qua sử dụng. Theo đó, nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ đã bán ra thị trường Việt Nam, thiết lập điểm hoặc hệ thống điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Tuy nhiên, nhiều DN chưa thực sự quan tâm đến việc thu hồi sản phẩm sau sử dụng.
Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, quá trình thu gom rác thải điện tử còn nhiều bất cập như các nhóm hỗ trợ thu gom vẫn chưa đủ mạnh, hệ thống pháp luật thiếu các chế tài mạnh, cụ thể. “Sau khi ban hành luật pháp phải có quy trình thanh tra, kiểm tra, xử phạt nếu sai phạm, để các DN nghiêm túc thực hiện theo quy định và xác định rõ trách nhiệm” - PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho hay.

Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng vào cuộc

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, để giải quyết bài toán rác thải điện tử một cách bền vững, có thể xem xét áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đối với rác thải điện tử. Trong đó, các DN sản xuất là một mắt xích. Người sản xuất cần nhìn nhận rõ trách nhiệm, để đảm bảo sự phát triển chung của xã hội là bền vững, từ việc lựa chọn đầu vào, công nghệ và đầu ra, trách nhiệm thu hồi sản phẩm của mình, hạn chế phát thải.

Nhiều ý kiến chuyên gia môi trường cho rằng, việc thu hồi, xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam chỉ có thể chuyển biến tốt hơn nếu có sự đồng bộ từ cơ quan quản lý, DN cho tới người tiêu dùng. Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định hiện hành, phân loại rõ ràng những loại rác thải điện tử nguy hại và không nguy hại; nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung thêm những quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của các DN sản xuất thiết bị điện tử.
Cùng với đó, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với DN đầu tư xử lý rác thải điện tử, ưu tiên công nghệ xử lý rác thải hiện đại, thân thiện với môi trường. Mở rộng hệ thống thu gom rác thải điện tử nhằm tạo sự tiện lợi cho người dân.

Bà Lê Thanh Thủy cho biết: “Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp thực hiện tốt dự án Việt Nam tái chế, triển khai, giám sát để đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn. Song song với đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu hơn về sự nguy hại cũng như cách xử lý các sản phẩm rác thải điện tử, để tham gia phân loại từ nguồn tránh xả ra môi trường gây ô nhiễm”.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Hà Nội   Máy tính   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...