30/12/2020 1:20  
Thưởng Tết có thể không phải bằng tiền; Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; "Khai tử" dịch vụ đòi nợ thuê… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 1/2021.

Thưởng Tết có thể không phải bằng tiền

Từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm Thưởng - không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác.

Cụ thể, Điều 104 của Bộ luật mới quy định về Thưởng thay vì Tiền thưởng như Bộ luật Lao động 2012.

Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động;

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, Bộ luật Lao động 2019 không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết, thưởng vào các ngày lễ khác… cho người lao động. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền, mà có thể bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của công ty; hoặc thưởng bằng các hình thức khác như phiếu mua hàng giảm giá, chuyến du lịch…

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định mới về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động.

Theo đó, tại Điều 169 Bộ luật này quy định: Năm 2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường với lao động nam là đủ 60 tuổi 03 tháng, lao động nữ là đủ 55 tuổi 04 tháng.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Để hướng dẫn tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2020 quy định cụ thể về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, thời điểm nghỉ hưu, thời điểm hưởng chế độ hưu trí, các trường hợp được nghỉ hưu sớm…

Người dân được phép bắn pháo hoa trong dịp lễ Tết, sinh nhật

Nội dung đáng chú ý này được đề cập trong Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Theo Điều 17 Nghị định này, từ 11/1/2021 khi Nghị định này có hiệu lực, người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (đủ 18 tuổi, không mắc bệnh tâm thần…) được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương… Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng cấp phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Đồng thời, Nghị định cũng giải thích rõ, pháo hoa khác với pháo hoa nổ. Loại pháo hoa người dân được sử dụng là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp… tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ (Điều 3 Nghị định 137/2020).

Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM

Tại Nghị quyết 97/2019, Quốc hội đã thông qua việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội.

Theo đó, từ 1/7/2021, chính quyền địa phương tại phường ở Hà Nội chỉ còn Ủy ban nhân dân phường, không còn Hội đồng nhân dân (HĐND) như ở huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Với TP. Hồ Chí Minh, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 131/2020. Theo đó, từ 1/7/2021, TP. HCM sẽ tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không còn HĐND cấp quận, phường.

Đồng thời, cũng trong Nghị quyết này đã cho phép thành lập chính quyền đô thị thành phố trong thành phố. Sau đó, Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức đồng ý thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM.

Cả 3 nghị quyết trên đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

"Khai tử" dịch vụ đòi nợ thuê

Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ chính thức “khai tử” dịch vụ đòi nợ.

Theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người (bổ sung việc cấm mua, bán xác, bào thai người); Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ…

Không phải lắp bình chữa cháy trên ô tô 4 chỗ ngồi

Nghị định 136/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy sẽ có hiệu lực từ ngày 10/1/2021.

Nghị định này đã bỏ quy định phải có bình chữa cháy trên ô tô từ 4 chỗ đến 9 chỗ ngồi.

Thay vào đó, Điều 8 Nghị định này quy định, ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên đến 9 chỗ ngồi chỉ cần đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy như sau: Đảm bảo điều kiện hoạt động đã được kiểm định; Vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Chính phủ   HCM   Hà Nội   Kinh doanh   Nghị định   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   hoàn thành công việc   hành vi   sản xuất   Đầu tư   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...