30/10/2020 22:10  
Lần đầu tiên có điện lưới quốc gia, bản làng xã Châu Phong (Nghệ An) như thức tỉnh. Dưới ánh điện học sinh có thể học bài, bà con tranh thủ hoàn thành nốt công việc còn dang dở, ai nấy đều vui mừng.

Ký ức những năm tháng cơ cực

Những ngày qua người dân xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An vui mừng khi lần đầu tiên điện lưới quốc gia đã về tới bản làng. Những bản làng nơi vùng núi heo hút như thức tỉnh dưới ánh điện chiếu sáng.

Công việc diễn ra rộn ràng trong những ngôi nhà sàn, tiếng học sinh học bài buổi tối khiến ai nấy đều phấn khởi.

Đã biết bao thế hệ người dân bản Đôm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An vẫn không thể quên được những ngày cơ cực vì sự thiếu thốn trong hạ tầng cơ bản.

Một thập kỷ trước con đường độc đạo từ trung tâm huyện Qùy Châu vào bản được làm bằng đất. Đặc biệt với con dốc Pù Xen “huyền thoại” là “chốt chặn” nếu muốn vượt qua chỉ có các duy nhất là cuốc bộ.

Con dốc không chỉ là nỗi khiếp sợ của bà con nhân dân mỗi lần muốn ra trung tâm huyện mà nó còn ám ảnh những cán bộ, giáo viên công tác tại xã này. Nắng thì bụi bặm, hễ có mưa là đường lầy lội, cộng với dốc núi cao, trơn trượt.  

Ông Vi Văn Dự - Người dân ở bản Đôm 2, là cán bộ hưu trí từng công tác tại Kho bạc Nhà nước huyện Quỳ Châu, nhớ lại: “Hồi đó khổ lắm, về công tác tại Kho bạc Nhà nước chi nhánh Quỳ Châu gần 40 năm trời thì có đến khoảng 30 năm phải đi bộ từ thị trấn Tân Lạc về trong Châu Phong. Khi đó, cứ mỗi cuối tuần tôi lại phải “cuốc bộ” vượt đường rừng để về thăm ông bà, vợ con. Cơ cực lắm, giờ chỉ nhớ lại thôi tôi vẫn…phát khiếp”.

Năm 2007 - 2008, con đường “độc đạo” vượt dốc Pù Xen cũng được đầu tư xây dựng, trải nhựa để hàng vạn người dân không chỉ xã Châu Phong mà các xã Châu Hoàn, Diên Lãm khi đi ra trung tâm huyện nhà không còn phải khổ sợ trèo đèo, lội suối mất hàng ngày trời.

Huyết mạch giao thông đã được khơi thông, sau đó “ánh sáng văn minh” là điện lưới quốc gia cũng được kéo về các bản làng.  Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư nên 3 bản gồm: Bản Đôm 1, Đôm 2, bản Luồng thuộc xã Châu Phong với gần 500 hộ dân vẫn phải “dài cổ” chờ ánh điện thắp sáng từ đó đến nay.

Không có điện nên ánh đèn dầu, bếp củi là thứ ánh sáng duy nhất gắn bó với họ từ bao đời nay. Không điện, tư liệu sản xuất hạn chế và diện tích đất đai ít ỏi, chủ yếu là rừng núi nên cuộc sống của hàng trăm, hàng nghìn hộ dân nơi đây gần như chỉ biết bấu víu vào rừng núi.

Cuộc sống vẫn quanh năm cơ cực, nghèo đói. Cái nghèo cứ đeo đẳng bản làng, thêm vào đó, việc không có điện lưới nên thế hệ trẻ nơi đây có rất nhiều người cũng bỏ dở việc học hành, đèn sách. Và, cứ thế, sự cơ cực cứ bám lấy bản làng như chẳng thể có lối thoát…

Ánh điện thức tỉnh bản làng

Thấu hiểu khó khăn của người dân, từ năm 2019 UBND huyện Qùy Châu đã rất cố gắng để làm sao đem ánh điện về các bản đang phải chịu “thiệt thòi” của xã Châu Phong. Hệ thống điện lưới từ bản Ban đi qua bản Chiềng vào bản Đôm 1 được đầu tư xây dựng và chính thức được đóng điện vào cuối tháng 10 năm 2020.

Nhìn bóng điện sáng trưng mới được cán bộ điện lực đóng điện, ông Lang Thái Loan (trú tại bản Đôm 2, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Châu Phong) xúc động chia sẻ: “Đã trải qua hơn bảy mươi cái nồi bánh chưng, mòn mỏi chờ đợi. Nay, ánh điện lưới quốc gia cuối cùng cũng đã đến với bản làng. Từ nay có điện rồi dân làng làm việc gì cũng thuận lợi, dễ dàng, không sợ tối nữa. Có điện, các cháu học bài sẽ thuận lợi, chăm chỉ hơn”.

Dưới ánh điện, học sinh chăm chỉ học bài, phụ nữ dệt vải, thêu thùa, đàn ông cũng tranh thủ hoàn thành nốt công việc còn dang dở trong ngày. Bản làng như thức tỉnh, cuộc sống nhộn nhịp.

Theo ông Hà Văn Diễn - Bí thư chi bộ bản Đôm 2, trước đây, khi chưa có điện, người dân trong bản phải thắp đèn dầu, thắp nến hoặc đốt củi lửa trong nhà để có nguồn sáng. Gia đình nào có điều kiện hơn thì mua tua bin phát điện đặt dưới khe suối tận dụng dòng chảy của nước suối để có điện sử dụng.

"Nhưng nguồn điện chạy bằng sức nước yếu lắm, lại hay chập chờn, nhiều khi chẳng đủ nguồn sáng. Vào mùa khô nóng, nguồn nước suối cạn dòng thì không chạy được nữa. Từ nay, có điện lưới quốc gia để sử dụng, người dân vui mừng, phấn khởi vô cùng” - ông Hà Văn Diễn nói.

Bản Đôm 2 có gần 160 hộ dân, đều là cộng đồng dân tộc Thái, cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn. Trước đây chưa có điện, người dân hạn chế về thông tin do không có điện để sử dụng các thiết bị nghe, nhìn.

Nay có điện rồi thì người dân yên tâm mua sắm các thiết bị như tivi, tủ lạnh, quạt điện, rồi máy móc phục vụ sản xuất... để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống hơn, người dân các bản làng có điều kiện để phát triển kinh tế hơn.

Anh Sầm Văn Chung (trú tại bản Đôm 2, xã Châu Phong) chia sẻ: “Người dân chúng tôi rất vui mừng, suốt bao nhiêu năm chờ đợi, bây giờ giấc mơ của bà con đã thành hiện thực rồi. Các cháu có điện sáng để học bài, điện cũng chiếu sáng giúp bà con làm việc về ban đêm. Người dân trong bản vui lắm nhà báo ơi”.

Theo lãnh đạo điện lực huyện Quỳ Châu, thời gian tới, ngành điện lực sẽ có các hoạt động tuyên truyền đến nhân dân các bản làng để bà con tích cực phối hợp tốt cùng ngành điện trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: "Hiện nay, hệ thống điện của Quỳ Châu đã phát triển vươn đến các điểm bản xa xôi, khó khăn. Công trình cấp điện cho các điểm bản ở các xã vùng trong đóng điện, đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của nhân dân và các thành phần kinh tế".

Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong lao động, sản xuất của người dân trên địa bàn. Đồng thời, hệ thống điện lưới góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện Quỳ Châu.

Công tác thi công các trạm và hệ thống cột đi những khu vực còn lại của bản Đôm 2 và các bản Đôm 1 và bản Luồng đang được nhà thầu khẩn trương thực hiện. Huyện phấn đấu đến ngày 30/12/2020 sẽ đóng điện cho toàn bộ 3 bản nói trên để dân bản có điện thắp sáng. Bà con dân làng sẽ có nguồn sáng để đón Tết Tân Sửu trong niềm vui, niềm hân hoan cùng một mùa xuân ấm áp.

Nguyễn Phê

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cuộc sống   chính sách   huyền thoại   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...