14/04/2021 17:46  

Đáng chú ý là đại diện các thương hiệu quốc tế trong ngành, như Kingfisher, IKEA, Ashley, Carrefour Vietnam, Rowico, Target, Test Rite, Modus… đã tham gia sự kiện, gặp gỡ các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, tìm hiểu hàng hóa trưng bày và tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM (HAWA) – Furniture Sourcing Day được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 19-4, diễn ra vào đúng thời gian “vàng” trong mùa cao điểm đặt hàng quốc tế vào hai tháng 3 và 4 hằng năm. Sự kiện này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ điểm thắt nút trong giao thương của thị trường nội thất thế giới, vốn đang bị cản trở bởi Covid-19 trong suốt thời gian qua.

Tận dụng lợi thế kiểm soát dịch bệnh để duy trì kết nối giao thương

Ông Phương cho biết, từ lâu các nhà mua hàng quốc tế đã tìm đến Việt Nam như một nguồn cung ứng hàng gỗ nội thất nổi bật ở khu vực châu Á. Đáng tiếc là, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hội chợ giao thương quốc tế thường niên đã không thể diễn ra, cả ở Việt Nam lẫn thế giới.

Trong xu hướng tiêu dùng nội thất toàn cầu đang tăng cao như hiện nay, nếu thiếu công tác quảng bá, kết nối với thị trường, doanh nghiệp có thể lỡ mất cơ hội trong việc phát triển doanh số, cải thiện vị thế. Bởi, lợi thế kiểm soát được đại dịch, giúp doanh nghiệp duy trì được kinh doanh, sản xuất… như Việt Nam không phải quốc gia nào cũng có được.

Vì điều này mà HAWA đã nỗ lực để có thể tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành gia tăng kết nối với các thị trường, thúc đẩy giao thương quốc tế cũng như xây dựng được các hợp tác lâu dài với đội ngũ các nhà mua hàng quốc tế…

Ông Nguyễn Quốc Khanh, nhà sáng lập Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA và là Chủ tịch HAWA, cho biết ngành gỗ Việt Nam đã vượt qua Đức, Ba Lan, Ý để vươn lên trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc.

"Tin vui tháng 3 này là một dấu mốc đáng nhớ, khẳng định được vị thế của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới. Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận các cơ hội từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành điểm đến tiên phong trên bản đồ cung ứng đồ gỗ thế giới", ông Khanh khẳng định.

Trên thực tế, dù hiện nay diễn biến dịch bệnh do Covid-19 trên thế giới còn phức tạp nhưng các doanh nghiệp ngành này đang lấy lại đà tăng trưởng khi đơn hàng tăng cao trở lại, thậm chí còn tăng vượt cả thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.

Đã có đơn hàng đến cuối năm

Lãnh đạo của Viet Products hay Tân Thành Furniture cho biết hiện họ đã có đơn hàng cho sản xuất đến gần cuối năm hoặc cả năm 2021, tăng hơn thời điểm này của 2019, năm chưa xảy ra của dịch bệnh. Theo tìm hiểu của các doanh nghiệp này, sự gia tăng đơn hàng này là được thay đổi nguồn cung từ Trung Quốc qua.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cũng cho biết nhiều doanh nghiệp hội viên chia sẻ đã nhận đơn hàng thực hiện từ 6 tháng đến một năm. Thậm chí các doanh nghiệp có đơn hàng trở lại nhiều hơn trước khi xảy ra dịch. “Một số doanh nghiệp chia sẻ đơn hàng về làm không xuể”, ông Điền nói.

Trong thành quả này, theo ông Khanh, đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc năng động thích ứng với thời cuộc. Những thay đổi có thể nhận thấy rõ nét của các nhà sản xuất nội thất Việt Nam đó là: nhanh chóng áp dụng hệ thống mới trong quản lý sản xuất; tận dụng công nghệ và kỹ thuật số; sẵn sàng đầu tư vào thiết kế mẫu mã, cũng như nghiên cứu và phát triển nguyên liệu mới; chú trọng đến các yêu cầu và xu hướng tiêu dùng bền vững.

"Tất cả những điều này sẽ giúp cho các nhà mua hàng có nhiều cơ hội hợp tác với các đơn vị cung ứng chất lượng từ Việt Nam", Chủ tịch HAWA nói.

Có thể thấy, năm 2020 là một năm nhiều biến động với nền kinh tế toàn cầu, nhưng ngành gỗ Việt Nam đã có rất những bứt phá và gặt hái nhiều kết quả rất đáng khích lệ bằng chính những sự năng động và nội lực của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ông Chủ tịch HAWA cho biết chỉ mới ngày hôm qua ông còn nhận được tin vui, một sản phẩm của Việt Nam lần đầu tiên dành được giải thưởng danh giá IF Design Award của châu Âu. The Swing Desk được lấy ý tưởng từ xu hướng làm việc tại nhà trong giai đoạn giãn cách Covid-19. Dự án là sự hợp tác giữa Thương hiệu nội thất Nhà Xinh và Studio thiết kế trẻ LAITA, là những doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Khanh hy vọng đây sẽ là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt Nam tự tin đầu tư vào ODM. Và tin rằng trong những sự kiện xúc tiến thương mai sắp tới, doanh nghiệp Việt Nam có thể mang đến nhiều sản phẩm ODM sẵn sàng phục vụ thị trường xuất khẩu.

Duy trì kết nối sau tuần lễ sự kiện

Tại sự kiện Furniture Sourcing Day, ngoài việc gặp gỡ kết nối trực tiếp với các nhà mua hàng quốc tế, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt còn có cơ hội giới thiệu năng lực sản xuất thông qua nền tảng công nghệ mà Ban tổ chức hỗ trợ, các doanh nghiệp cũng mang đến sự kiện các sản phẩm nội thất đặc trưng của mình để đội ngũ mua hàng có thể hình dung được thế mạnh riêng của từng doanh nghiệp.

Cụ thể trên nền tảng HOPE https://hopefairs.com, khách hàng toàn cầu được "tham quan" một “festival” nội thất trực tuyến về các thiết kế mới nhất, không gian trưng bày, không gian nhà xưởng… của hơn 100 doanh nghiệp trong ngành, thể hiện các thế mạnh mà công nghiệp nội thất Việt Nam đang sở hữu.

Đây là nền tảng triển lãm trực tuyến được HAWA xây dựng nhằm kết nối doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các nhà mua hàng trên toàn cầu.

“Chúng tôi hy vọng, khi các giải pháp, hoạt động kết nối kinh doanh phát huy hiệu quả, tăng trưởng doanh số xuất khẩu của ngành nội thất Việt Nam trong năm 2021 này sẽ không chỉ giữ vững ở mức hai con số mà còn có thể tạo nên những thành quả lớn hơn, như việc trụ vững ở ngôi Á quân toàn cầu hiện nay chẳng hạn”, ông Phương chia sẻ.

Cũng theo ông Phương, khi Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ kết thúc, Ban tổ chức cũng sẽ tiếp tục mở ra những hoạt động nối dài. Như việc tổ chức kết nối để đưa đội ngũ sourcing có thể tham quan trực tiếp các nhà máy đã tham gia triển lãm trực tuyến (online) lẫn trực tiếp (offline).

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Lãnh đạo   TPHCM   Trung Quốc   Việt Nam   doanh nghiệp   hợp tác   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...