12/10/2020 8:41  
"Miền đất hứa" của sự sống ngoài hành tinh dang dần đi vào vị trí thẳng hàng với Trái Đất và Mặt Trời, trở nên to và sáng hơn bất kỳ ngôi sao nào khác.

Theo đo đạc của NASA, khi thẳng hàng hoàn toàn, Sao Hỏa chỉ còn cách trái đất hơn 62 triệu km và mãi đến năm 2035 mới áp sát như vậy lần nữa. Điểm thẳng hàng dự tính xảy ra vào 23 giờ 20 phút giờ GMT ngày 13-10 sắp tới, tức 16 giờ 20 phút theo giờ Việt Nam.

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng việc múi giờ không thuận lợi để chứng kiến khoảnh khắc Sao Hỏa gần Trái Đất nhất. Trả lời phỏng vấn tờ BBC, ông Damian Peach, một nhà thiên văn học nghiệp dư và nhiếp ảnh gia không gian nổi tiếng tại Anh, cho biết ngay bây giờ, những người yêu thích không gian đã có thể nhìn thấy hành tinh đỏ to và sáng hơn thường lệ rất nhiều. Tốt nhất nên quan sát lúc 21-22 giờ đêm, lúc đó nó sẽ chếch về phía Đông Nam và sáng rõ.

Sao Hỏa vốn là hành tinh có thể nhìn thấy từ Trái Đất bằng mắt thường. Với cú áp sát này, nó sẽ trở thành ngôi sao sáng nhất bầu trời. Nhận ra Sao Hỏa không khó bởi nó phát ra ánh sáng màu đỏ đặc trưng, trong khi đa số thiên thể khác phát ra ánh sáng vàng hoặc trắng. Để quan sát nó được đẹp nhất, hãy cho mắt mình làm quen với bóng tối khoảng 20 phút bằng cách tránh xa ánh đèn và các loại màn hình.

Cứ mỗi 26 tháng Mặt Trời, Trái Đất và Sao Hỏa sẽ thẳng hàng. Lần thẳng hàng mà khoảng cách 2 hành tinh gần nhất trong vòng 60.000 năm là năm 2003, chỉ cách nhau 56 triệu km.

Là hành tinh cùng thuộc "vùng sự sống" Goldilocks của Hệ Mặt Trời, Sao Hỏa được kỳ vọng là một hàng xóm sở hữu sự sống ngoài hành tinh, và rõ ràng NASA đã tìm thấy những "khối xây dựng sự sống" cổ đại trên đó. Sao Hỏa cổ đại được cho là sở hữu đại dương và bầu khí quyển tương tự Trái Đất.

Sao Hỏa là mục tiêu cho rất nhiều sứ mệnh không gian cũng như được kỳ vọng là nơi căn cứ hành tinh khác đầu tiên của loài người được xây dựng. Chỉ riêng tháng 7 vừa qua, Mỹ, Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đều đã gửi tàu vũ trụ lên Sao Hỏa.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Trung Quốc   Việt Nam   tàu vũ trụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...