27/11/2020 10:45  

Năm 2019, Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tốt nhất toàn cầu, khi tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm), cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm).

Trong đó trụ cột ứng dụng công nghệ thông tin (ICT adoption) tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tăng 25,7 điểm và 54 bậc). Tất cả các chỉ số thành phần trong trụ cột này như thuê bao di động, thuê bao Internet cáp quang, số người sử dụng Internet... đều có sự cải thiện đáng kể.

Thị trường viễn thông truyền thống đã ở mức bão hòa

Hiện nay, thị trường thuê bao di động của Việt Nam đã ở mức bão hòa, khi tổng số lượng thuê bao chỉ dao động nhẹ quanh đường trung bình từ năm 2015 trở lại đây. Số thuê bao di động đang hoạt động tại thời điểm cuối tháng 10-2020 là 129 triệu thuê bao, trong khi dân số Việt Nam vào khoảng 97 triệu dân.

Khi miếng bánh thị phần thuê bao di động đã được định hình, cơ hội để những đơn vị mới tham gia vào sân chơi này là rất khó khăn.

Nhờ việc quyết liệt trong quản lý thuê bao di động, xử lý tình trạng sim rác, đồng thời với sự phổ biến của điện thoại di động thông minh (smartphone) và sự giảm giá cước dữ liệu (data), số lượng thuê bao di động chỉ thoại và nhắn tin đã giảm mạnh trong các năm qua. Xu hướng ngược lại là sự tăng trưởng của các thuê bao có sử dụng dữ liệu (hình 1).

Từ năm 2019, số thuê bao di động có sử dụng dữ liệu đã ngang bằng với số thuê bao di động chỉ thoại, nhắn tin và đã vượt lên trong năm 2020. Khi mà số thuê bao di động mới ngừng gia tăng thì việc tối đa hóa các giá trị gia tăng trên các thuê bao là mục tiêu để các nhà mạng có thể đạt được kết quả kinh doanh khả quan.

Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh là một trong những mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025. Hiện tại, số thuê bao có sử dụng dữ liệu vào khoảng 70 triệu thuê bao và tốc độ tăng trưởng ngày càng mạnh trong những năm gần đây.

Thị trường Internet qua hệ thống cáp quang vẫn còn tiềm năng phát triển

Tốc độ tăng trưởng thuê bao Internet cáp quang tăng 173,7 lần trong vòng năm năm từ 2015-2020, gần như thay thế hoàn toàn cho các hình thức thuê bao Internet khác. Vào đầu năm 2015, tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định (cáp quang) mới chỉ có 89.000 thuê bao thì đến thời điểm hiện tại (tháng 10-2020) tổng số thuê bao đã đạt tới gần 16 triệu thuê bao, tốc độ tối đa cũng tăng từ 17,3 Mbps năm 2015 lên hơn 54 Mbps.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt rất nhiều mục tiêu tham vọng và đồng bộ về phát triển chính phủ số, xã hội số và doanh nghiệp số. Trong đó, hạ tầng số đóng vai trò quyết định cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia và mục tiêu “Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang” toàn dân.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26,9 triệu hộ. Như vậy tỷ lệ số thuê bao Internet trên hộ gia đình là 61%. Con số thực còn thấp hơn vì số thuê bao Internet đã tính bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức. Từ những số liệu và xu hướng, có thể thấy rằng, việc phát triển Internet tốc độ cao tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng. Và gần đây, MobiFone đã trở thành nhà cung cấp mới gia nhập vào thị trường Internet cáp quang, góp phần đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số.

Người dân tiếp cận Internet ngày càng dễ

Tại hầu hết các quốc gia phát triển, tỷ lệ người sử dụng Internet trên tổng dân số ở mức cao trên 90%. Đây là chỉ số quan trọng đánh giá mức độ tiến bộ và khả năng mọi tầng lớp xã hội được tiếp cận với các cơ hội tăng trưởng kinh tế, cải thiện sức khỏe, nhận được các dịch vụ tốt hơn, học tập thông qua giáo dục từ xa và các tiến bộ xã hội và văn hóa. Chỉ số này ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, dù Internet mới chỉ được biết đến ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua, và là một chỉ số góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo báo cáo gần nhất, dân số Việt Nam xếp thứ 15 trên toàn thế giới và tỷ lệ người dùng Internet ở mức trên 70%, xếp thứ 14. Điều này đã thể hiện những nỗ lực của ngành viễn thông trong việc cải thiện hạ tầng và đưa Internet phủ sóng đến những khu vực xa xôi và khó khăn trên cả nước.

Người dân được nhắc đến với vai trò trung tâm trong chuyển đổi số, là đối tượng hưởng lợi lớn nhất của việc số hóa các thủ tục hành chính, các hoạt động y tế, giáo dục, tài chính...

Công cụ quan trọng để người dân tham gia vào thế giới số là điện thoại di động thông minh ngày càng trở nên phổ biến, sẵn có và giá cả phù hợp hơn bao giờ hết. Đồng thời chất lượng dịch vụ viễn thông ngày càng được nâng cao giúp người dân thể sử dụng Internet ở mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra các lo ngại về hành vi xấu trong sử dụng Internet, quyền riêng tư, gian lận trực tuyến..., đòi hỏi sự phối hợp của Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông và chính những người sử dụng Internet trong việc nâng cao nhận thức kỹ thuật số và hình thành văn hóa số, tạo lập niềm tin và an toàn trong không gian mạng.

Thách thức từ sự cạnh tranh ngày càng lớn

Với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải chạy đua trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cấp hệ thống với chi phí đầu tư rất tốn kém và liên tục. Gần nhất là việc triển khai công nghệ viễn thông 5G đang chuẩn bị được đưa vào thương mại hóa với mức đầu tư có thể lên tới 2,5 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2020-2025.

Nhưng ngược lại, việc cạnh tranh thị phần và nâng cao chất lượng dịch vụ khiến các doanh nghiệp liên tục giảm giá cước viễn thông, triển khai các gói ưu đãi, đồng thời với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này sẽ giúp nâng cao trải nghiệm sử dụng và đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người dùng di động nhưng thực sự là thách thức đối với các doanh nghiệp viễn thông.

Quan sát sự thay đổi giỏ hàng hóa trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Việt Nam theo thời gian so với thời điểm tháng 1-2009 (được giả định ở mức 0) (hình 2), có thể thấy rằng bưu chính - viễn thông là lĩnh vực duy nhất có sự giảm giá và xu hướng giảm vẫn tiếp tục cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống cũng ảnh hưởng lớn bởi sự phổ biến của các ứng dụng OTT nhắn tin, gọi điện miễn phí. Việc đảm bảo có mức lợi nhuận tăng trưởng từ thị trường viễn thông truyền thống sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

Cơ hội đồng hành cùng chuyển đổi số quốc gia

Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ngành viễn thông sẽ là đơn vị tiên phong tham gia vào các nền tảng công nghệ để thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử, giáo dục (học tập từ xa), y tế (khám bệnh từ xa), kinh tế (làm việc từ xa), an ninh mạng..., đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số.

Thời điểm hiện tại, trong khi hầu hết các nước phát triển trên thế giới đang vật lộn với đại dịch Covid-19 thì với việc kiểm soát rất tốt dịch bệnh, “đây là thời điểm tốt để Việt Nam bứt lên thông qua chuyển đổi số” như lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Với quyết tâm của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, vai trò của ngành viễn thông càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi dần từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp dịch vụ số, với động lực phát triển doanh thu là các sản phẩm và dịch vụ số mới.

(*) Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Kinh tế   Việt Nam   Xu hướng   an ninh mạng   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...