07/02/2021 13:40  
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô đến Myanmar khi nước này bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ cách đây 1 thập kỷ, nhưng cuộc đảo chính quân sự tuần này có khả năng sẽ thúc đẩy xu hướng rút lui của phương Tây, trong khi chứng kiến sự mở rộng hơn nữa của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á.
“Giọt nước tràn ly”
Nhiều tiềm năng chưa được khai thác của nền kinh tế Myanmar đã được đánh giá cao vào năm 2011, khi các tướng lĩnh quân đội nắm quyền lãnh đạo trong suốt 49 năm trước đó lùi bước, mở đường cho các cải cách dân chủ và tự do hóa kinh tế ở đất nước hơn 50 triệu dân. Các nhà đầu tư sau đó đã bơm tiền, chủ yếu vào các dự án viễn thông, cơ sở hạ tầng, sản xuất và xây dựng.
Tuy nhiên đối với phương Tây, thương hiệu Myanmar trở nên kém hấp dẫn hơn kể từ năm 2017, sau một cuộc đàn áp quân sự đối với người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine, từng dẫn đến cáo buộc diệt chủng. Các nhà phân tích nhận định, việc quân đội điều hành đất nước một lần nữa có thể là “giọt nước tràn ly” đối với các doanh nghiệp phương Tây.
“Tôi nghĩ những gì chúng ta thấy là rất nhiều quốc gia phương Tây sẽ phản ứng kiểu ‘không thể nào’”, nhà phân tích David Mathieson tại Yangon - thủ đô tài chính của Myanmar, nói với AFP.

Lo ngại của giới đầu tư trước việc chế độ quân sự trở lại tại Myanmar thực sự đã bùng nổ, từ ngoại ô Yangon - nơi dự án bất động sản công nghiệp trị giá 1 tỷ USD do Thái Lan làm chủ đã bị đình chỉ; đến Australia - nơi một công ty tài nguyên có trụ sở tại Perth đang phát triển mỏ bạc, kẽm và chì ở bang Shan cũng đã tạm ngừng giao thương.
Tập đoàn Yoma Strategic Holdings tập trung vào Myanmar đã ngừng giao dịch tại Singapore - nơi công ty được niêm yết. Giám đốc điều hành Melvyn Pun của công ty giải thích, việc thiếu thông tin từ Myanmar khiến giao dịch tạm dừng là cần thiết. “Rất khó để biết chuyện gì đang xảy ra. Không có dịch vụ viễn thông nào hoạt động ở trong hoặc ngoài Yangon (hôm 1/2), ông Melvyn cho biết.

Nỗi lo của ngành may mặc

Ngay sau sự kiện hôm 1/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Myanmar mà Washington đã chính thức dỡ bỏ vào năm 2016. Đáng chú ý, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét một lệnh cấm vận tương tự - điều được cho có thể khiến ngành may mặc của Myanmar gặp rủi ro nghiêm trọng. Lĩnh vực may mặc của Myanmar đã bùng nổ trong những năm gần đây, được hỗ trợ bởi một loạt các thương hiệu quốc tế như H&M, Gap và Adidas… đồng loạt chuyển hoạt động sản xuất của họ sang các nhà máy ở ngoại ô Yangon. Theo Capital Economics có trụ sở tại Singapore, quần áo, giày dép và túi xách “Made in Myanmar” hiện chiếm 3% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.

Nhưng với việc quân đội nắm quyền trở lại, một doanh nhân tại Yangon lo lắng cho số phận của 700.000 công nhân trong ngành này. Nguồn tin giấu tên này nới với AFP rằng, các nhà bán lẻ quần áo hạng nặng trên toàn cầu có thể vin vào một bê bối truyền thông nào đó và rồi ngừng tìm nguồn cung ứng từ các nhà máy của Myanmar.
“Nhưng tác động không mong muốn kéo theo là vấn đề suy dinh dưỡng và buôn bán tình dục đối với hầu hết lao động nữ”, vị doanh nhân nhận định, “những người sẽ phải gánh chịu hậu quả là công nhân các nhà máy... Những hành động vô tình từ các nhà bán lẻ đa quốc gia sẽ ảnh hưởng nặng nề đến họ”.

Hiện, Myanmar đang phải quay cuồng với loạt khó khăn về kinh tế do đại dịch Covid-19, khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải gửi cho nước này một gói tiền mặt khẩn cấp trị giá 350 triệu USD vào tháng Giêng vừa qua. Trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, tác động của Covid-19 có thể làm tăng tính dễ bị tổn thương của các hộ gia đình và khả năng thất nghiệp tại Myanmar. “Myanmar có thể đánh mất toàn bộ thành quả giảm nghèo đạt được trong thập kỷ qua”, một báo cáo của WB năm 2020 cho biết.

Stephen Lamar - Chủ tịch Hiệp hội May mặc & Giày dép Hoa Kỳ cho biết, nhiều thành viên của nhóm thương mại này đã kinh doanh ở Myanmar và nhận thấy cuộc đảo chính có những ảnh hưởng sâu sắc. Ông nói: “Chúng tôi đang cầu nguyện cho người dân Myanmar về một giải pháp nhanh chóng, hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng này - một giải pháp không làm mất đi những tiến bộ kinh tế mà người Myanmar đã nỗ lực chăm chỉ để đạt được”.

Ngả về Trung Quốc?

Hướng Tây ảm đạm là vậy, nhưng các nhà phân tích dự đoán chính biến sẽ không tác động quá lớn đối với một số đối tác thương mại hàng đầu của Myanmar - chủ yếu là châu Á, bao gồm Singapore, HongKong, Nhật Bản và Trung Quốc đại lục. Theo số liệu của WB, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar vào năm ngoái, chiếm 34% tổng vốn đầu tư được phê duyệt. HongKong là nhà đầu tư lớn thứ 2 với 26%. Các cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar trị giá 5,5 tỷ USD trong năm tài chính 2020, kết thúc vào tháng 9. Bất động sản và sản xuất chiếm khoảng 20% trong số này. Những con số này đã được dự đoán sẽ thấp hơn đáng kể trong năm 2021, chủ yếu do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Nhật Bản - đối tác thương mại lớn thứ 3 của Myanmar - đã cho thấy ít nhiều dao động. Sau sự kiện hôm 1/2, “gã khổng lồ” xe hơi Nhật Bản Suzuki đã tạm thời ngừng hoạt động tại 2 nhà máy ở Myanmar, nơi sản xuất 13.300 xe vào năm 2019 - hầu hết đều được bán trong nước. Suzuki đã hoạt động tại Myanmar từ năm 1998, khi đất nước này còn nằm dưới chế độ quân chủ, hiện đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thứ 3. Nhận định trước tình hình này, chuyên gia David Mathieson nói rằng: “Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản luôn có chút chia rẽ, và điều này có thể gây khó khăn trong thời gian tới”.

Từ thực tế phản ứng của các bên về chính biến tại Myanmar trong những ngày vừa qua, nhiều chuyên gia đồng tình rằng, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất mà một chính quyền quân chủ ở Naypyidaw có thể hướng đến trong thời gian tới. Dòng tiền từ Trung Quốc đổ vào Myanmar đã trở nên rõ ràng và mạnh mẽ bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường - tầm nhìn mở rộng cho các dự án hàng hải, đường sắt và đường bộ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu của Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. “Cuộc đảo chính sẽ càng đẩy Myanmar ngả về Trung Quốc, và sự mất cân bằng giữa đầu tư của Trung Quốc và phương Tây vào nước này sẽ gia tăng”, Giám đốc châu Á của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Francoise Nicolas nhận định.

Bên cạnh đó, một số bên được cho có thể “ăn mừng” vì nguồn tài chính tiềm tàng từ cuộc đảo chính quân sự, với lợi ích kinh doanh khổng lồ từ các ngành khai thác ngọc bích, xây dựng, dược phẩm, sản xuất, bảo hiểm, du lịch và ngân hàng. Chuyên gia Mathieson dự báo, những “gã khổng lồ” khai thác mỏ quốc tế, các bên trước nay đã dựa vào quân đội để đảm bảo an ninh tại Myanmar, có thể sẽ không chịu ảnh hưởng đáng kể từ biến cố chính trị lúc này.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Bất động sản   Capital Economics   Covid   Covid-19   Hiệp hội   Joe Biden   Ngân hàng   Nhật Bản   Suzuki   Trung Quốc   Tập đoàn   Tổng thống   chuyên gia   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   hành vi   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...