15/01/2021 19:40  
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, nhiều sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã “hiến kế” cho TP Hà Nội để tạo đột phá cho năm đầu tiên của nhiệm kỳ, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5%-8% và chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt đối với những vấn đề dân sinh bức xúc.
Ngày 15/01, Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP tổ chức hội nghị giao ban với lãnh đạo quận, huyện, thị xã, các sở, ngành Thành phố bằng hình thức trực tuyến để triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 01/01/2021 của Chính phủ “Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021” và rà soát công tác chuẩn bị phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Phục hồi kinh tế gắn với phòng chống dịch Covid-19
Trong phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, những nội dung tại hội nghị lần này rất quan trọng, nhằm triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND TP về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và chuẩn bị phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết. Chính vì thế, TP mong muốn các sở, ngành, quận, huyện, thị xã “hiến kế” cho Thành phố để tạo đột phá trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5%-8% và chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt đối với những vấn đề dân sinh bức xúc.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã trình bày dự thảo “Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của thành phố Hà Nội”. Dự thảo gồm 4 phần, xác định mục tiêu tổng quát, chủ đề năm 2021, 25 chỉ tiêu và 06 vấn đề trọng tâm chỉ đạo, điều hành, đó là: Kiểm soát dịch bệnh Covid-19; phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển Thủ đô; tập trung xử lý các vấn đề về quy hoạch; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; giải quyết căn bản các vấn đề dân sinh bức xúc.
Dự thảo Chương trình hành động cũng kèm theo 3 phụ lục, trong đó xác định 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021 theo từng quý, kịch bản 1 (kịch bản cơ sở) tăng 7,5%; kịch bản 2 tăng 8,0% và kịch bản 3 tăng 7,0% cùng hệ thống 236 chỉ tiêu, nhiệm vụ giao về 37 đầu mối sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã gắn với phân công cơ quan chủ trì, phối hợp và tiến độ hoàn thành cụ thể.
Thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, với vị trí là quận trung tâm của Thủ đô, trong thời gian tới Hoàn Kiếm tập trung phục hồi kinh tế gắn với phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, quận tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng, triển khai dự án mở rộng không gian đi bộ tại khu vực quảng trường phía trước Nhà hát Lớn gắn với trục phố Tràng Tiền - Hàng Khay, đồng thời tập trung củng cố lại không gian phố đi bộ trên địa bàn, tổ chức lễ hội gắn với di tích lịch sử.
Hoàn Kiếm cũng tăng cường công tác quản lý thuế; mở rộng, tạo điều kiện thực hiện kê khai thuế cho các cơ sở kinh doanh thương mại điện tử, áp dụng thu thuế điện tử đối với hộ kinh doanh cá thể. Quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện đề án xây dựng quận thành đô thị thông minh; đồng thời tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn, triển khai thực hiện dự án Km số 0…
Đổi mới tư duy, cách làm du lịch 
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết huyện xây dựng 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phấn đấu 6 chỉ tiêu cao hơn và 7 chỉ tiêu ngoài kế hoạch thành phố giao. Huyện phấn đấu tăng trưởng năm 2021 đạt hơn 8%, tập trung vào mũi nhọn là phát triển ngành kinh tế, dịch vụ du lịch. Trong công tác phát triển du lịch, huyện tập trung vào công tác quảng bá, các giải pháp kích cầu để tạo các tour, tuyến đưa khách du lịch đến Ba Vì, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách du lịch.
Huyện Ba Vì cũng kiến nghị UBND thành phố quan tâm báo cáo Chính phủ cho phép quy hoạch phân khu hồ Suối Hai vì đây là khu du lịch trọng điểm quốc gia để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn.
Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết: Theo kịch bản dự báo đến quý III/2021, thị trường du lịch quốc tế mới có thể "nhúc nhích" trở lại. Do đó, năm 2021, ngành Du lịch Thủ đô xác định thị trường du lịch nội địa sẽ là trọng tâm để tái cơ cấu lại ngành du lịch. Phấn đấu khách du lịch nội địa 13-15 triệu, tăng gấp 200% năm 2020, đóng góp 6% vào GRDP…
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở đang hoàn thiện trình Thường trực Thành ủy ban hành Nghị quyết về du lịch để có sự phát triển trong năm 2021 và năm tiếp theo. Sở cũng xác định đổi mới tư duy, cách làm du lịch để có đột phá. Trong đó tập trung vào công tác truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá các cảnh, điểm du lich tại địa phương, phối hợp Sở Công Thương làm sản phẩm du lịch và Sở NN&NT làm du lịch trải nghiệm…
Khai thác cơ chế mở để tạo nguồn lực phát triển
Đề cập việc cần tập trung khai thác quy định, cơ chế mở để tạo nguồn lực phát triển, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho hay: Triển khai nhiệm vụ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ, Quận ủy Ba Đình đã đề ra 10 mục tiêu và 31 chỉ tiêu, tăng hơn 15 chỉ tiêu so với kế hoạch thành phố giao. Quận sẽ xây dựng, xây dựng kịch bản cụ thể cho từng chỉ tiêu, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tại khoản 2, khoản 3, Điều 9 Luật Thủ đô quy định cho phép Hà Nội lập quy hoạch đối với các tuyến đường giao thông mới mở, có thể mở rộng sang hai bên và tổ chức thu hồi đất và có thể thực hiện đấu giá, đấu thầu tạo nguồn lực phát triển. Đây là quy định mở đối với thành phố, tuy nhiên trong thời gian qua các dự án giao thông mới mở chưa thực hiện được các quy định trên. Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng Chương trình hành động của UBND thành phố năm 2021 cần tập trung vào những nội dung này để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung cao độ cho công tác quy hoạch
Nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư để tạo nguồn thu cho TP, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, huyện Đan Phượng cũng tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp. Sau hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, huyện Đan Phượng thu hút đầu tư được 3 cụm công nghiệp, đến nay cơ bản hoàn tất các thủ tục, hiện đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, có dự án hiện đã giải phóng mặt bằng đạt 90%.
Bên cạnh đó, Đan Phượng cũng triển khai ngay các biện pháp bảo đảm thu ngân sách. Từ đầu năm 2021 đến nay huyện đã giải phóng mặt bằng xong 4 dự án đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm có thể đấu giá trong quý I/2021.
Lãnh đạo các quận, huyện cũng kiến nghị, trong năm 2021, thành phố tập trung cao độ trong công tác quy hoạch, trước hết là hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Hoàn thành phê duyệt các quy hoạch phân khu, nhất là phân khu sông Hồng, sông Đuống, cùng với đó là quy hoạch chung xây dựng các vùng huyện. Đặc biệt, thành phố đã phê duyệt Đề án phát triển 5 huyện thành quận, do vậy, cần thành lập Ban Chỉ đạo thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Chú trọng xây dựng hạ tầng sản xuất
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2021, các chỉ tiêu đặt ra với ngành Công thương là rất nặng nề. Để đảm bảo mức tăng trưởng đã đề ra, ngành đã xây dựng 3 kịch bản dựa theo các kịch bản của thành phố.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, trong các chỉ tiêu năm 2021, nặng nề nhất với ngành Công thương là khởi công 43 cụm công nghiệp và việc hoàn thiện hạ tầng các cụm này. “Đây là chỉ tiêu “căng như dây đàn”, sắp tới đây, Sở sẽ trình UBND TP kế hoạch với tiến độ chi tiết cho từng quận, huyện và thị xã, chủ đầu tư để cuối năm đảm bảo khởi công 43 cụm công nghiệp này”. Đồng thời, đề nghị các quận, huyện giao ban 2 tuần/lần, TP giao ban từng quý để đảm bảo tiến độ.
Với các chỉ tiêu thương mại, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương cho rằng, muốn đầu tư hạ tầng thương mại, các quận, huyện phải rà soát, ưu tiên quỹ đất thì mới có thể triển khai kêu gọi đầu tư và phải gắn với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Sơn, năm 2021, ngoài 19 chỉ tiêu chính được giao, Sở phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành đạt 4,2%, cao hơn chỉ tiêu thành phố giao là 3%; Số xã đạt chuẩn Nông thôn mới tăng thêm 14 xã; Số xã đạt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao là 20 xã và các xã đạt tiêu chí Nông thôn kiểu mẫu là 5 xã.
Xác định công tác chăn nuôi đóng góp vai trò quan trọng trong tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2021, Sở đặt mục tiêu phát triển đàn bò tăng 11%, sản lượng thịt tăng 18% so với năm 2020, chăn nuôi lợn tăng 1,8 triệu con, tăng 27,8% so với năm 2020, lợn hơi xuất chuồng đạt 340 - 360 nghìn tấn, tăng 38,2% so với năm 2020…
Đối với lĩnh vực thủy lợi, hiện Sở đã hoàn thiện các thủ tục trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2021. Sở cũng tập trung làm tốt công tác quản lý đê điều, xử lý nghiêm các vi phạm...
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho rằng, các nội dung tham luận đã thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Chương trình hành động của thành phố. Hơn 30 kiến nghị của các quận, huyện, thị xã với 1/3 ý kiến dành cho vấn đề quy hoạch đã cho thấy, nếu Hà Nội thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 thì sẽ tạo ra dư địa phát triển lớn cho Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các ban, sở, ngành ban hành kế hoạch triển khai trước ngày 20/1, đồng thời tăng cường phối hợp với UBND các cấp để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của thành phố.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Lãnh đạo   Nông nghiệp   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   kiến nghị   quy hoạch   sản xuất   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...