21/11/2020 17:40  
Hiệp hội Doanh nghiệp miền Đông Đức vừa gửi thư kêu gọi đến Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và một số thành viên có ảnh hưởng của đảng Dân chủ.
Tờ Handelsblatt của Đức hôm 20/11 cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp miền Đông Đức (OAOEV) đã gửi thư kêu gọi chính quyền Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2).
Tờ báo này đã trích dẫn bức thư được OAOEV gửi tới Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và một số thành viên có ảnh hưởng của đảng Dân chủ. “Chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden được kỳ vọng tạo cơ hội lớn cho nền kinh tế Đức nhờ khả năng khôi phục mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, doanh nghiệp Đức lo ngại rằng "sau chiến thắng của ông Biden, đảng Dân chủ có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nord Stream 2" - đại diện OAOEV cho hay.
Đại diện doanh nghiệp Đức cũng hối thúc Chính phủ Mỹ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với các công ty tham gia xây dựng tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang Đức, tờ Handelsblatt cho biết.
OAOEV - tổ chức đại diện cho doanh nghiệp của 29 quốc gia ở Trung Âu, Đông và Đông Nam Âu, Nam Caucasus và Trung Á, được thành lập vào tháng 5/2018. Hiện OAOEV có khoảng 350 công ty thành viên.
Hôm 21/10, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trình một báo cáo lên Quốc hội nước này về những biện pháp trừng phạt các tàu liên quan hoạt động lắp đặt đường ống cho Dòng chảy phương Bắc 2. Theo đó, chính quyền Washington có kế hoạch áp biện pháp  trừng phạt các công ty “cung cấp dịch vụ hoặc cơ sở nâng cấp, lắp đặt thiết bị cho các tàu lắp đặt đường ống của Dòng chảy Phương Bắc 2.
Ngày 11/11, các trợ lý Quốc hội Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt được cho là có thể cản trở dự án Nord Stream 2 - một trong những dự án quan trọng nhất của Nga tại châu Âu - đã được đưa vào dự luật chính sách quốc phòng thương niên của Mỹ.
Dự án này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019, nhưng hiện đang bị đình trệ do Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt các công ty tham gia hoặc hỗ trợ xây dựng dự án, khiến công ty Allseas - một liên danh của Hà Lan và Thụy Sĩ - phải bỏ dở việc xây dựng khoảng 120km cuối cùng ở vùng biển của Đan Mạch.
Nord Stream 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD đã hoàn thiện trên 90% khối lượng công việc. Theo kế hoạch, sau khi đi vào hoạt động từ đầu năm 2021, công trình này sẽ giúp tăng gấp đôi công suất của hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 hiện nay đưa khí đốt từ Nga đến Đức.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Joe Biden   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...