16/12/2020 5:20  
Để hoàn thành những bức tranh đón Noel nhanh nhất cho khách hàng, họa sĩ vẽ tranh kính đang phải làm việc cật lực mỗi ngày từ sáng sớm đến tối khuya, mỗi ngày thu về hàng triệu đồng.

Làm nghề vẽ tranh kính tại Đà Nẵng, anh Nguyễn Quang Trung – trú tại 85 Thanh Lương 5, phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho biết, thời điểm gần tới Noel và sau Tết dương lịch là đông khách nhất. Với chi phí vẽ từ 400-600.000 đồng/m2, để hoàn thành bức tranh kính 10 m2, anh Trung phải làm việc cật lực suốt 1 ngày.

“Dịp Noel tôi chỉ nhận khoảng 10-12 đơn đặt hàng vì sợ không vẽ kịp. Ngoài vẽ tranh kính, nhóm họa sĩ do tôi làm trưởng nhóm còn nhận vẽ chân dung, tranh vải, tranh sơn dầu và tranh tường cho quán caffe, nhà hàng, bar, pub, khách sạn nữa nên chúng tôi chỉ nhận vừa đủ để vẽ được đúng tiến độ nhất”, anh Trung nói.

Dù thu nhập cao nhưng anh Trung cho biết, nghề vẽ tranh kính cũng rất nguy hiểm vì nhiều khi phải vẽ ở trên cao, phải đứng trên dàn giáo để vẽ. Chưa kể vẽ tranh kính phải lót nền, xử lý bề mặt khó khăn hơn vẽ trên tường hoặc các bề mặt khác.

Hơn 11 giờ đêm nhưng anh Vũ Hoàng Hiệp (SN 1988), trú tại Nguyễn Công Trứ (TP. Hải Phòng) vẫn cặm cụi với bức tranh ông già tuyết cho kịp tiến độ. Để trang trí 1 bức tranh kính rộng từ 10-12m2, anh phải mất 6-7 giờ làm việc liên tục mới hoàn thành trong khi từ đầu tháng đến nay, đội của anh đã nhận được hơn 50 đơn đặt hàng.

“Dịp cuối năm là dịp khách nhờ vẽ tranh kính nhiều nhất trong năm. Trước Noel thì họ nhờ vẽ công chúa tuyết, tuần lộc, ông già Noel và cây thông, hộp quà. Sau Noel lại tiếp tục vẽ hoa đào, hoa mai và trang trí nhà cửa đón Tết. Tùy yêu cầu khó hay dễ, tranh mình sáng tác hay tranh chép mà nhanh hay chậm”, anh Hiệp cho hay.

Làm nghề vẽ tranh hơn 10 năm nhưng theo anh Hiệp, khoảng 5 năm nay nghề vẽ tranh kính tại Việt Nam mới phát triển rầm rộ. Nhóm họa sĩ của anh gồm 5 người nhưng có năm nhận tới 200 đơn đặt hàng vẽ tranh kính.

Với giá vẽ từ 250-350.000 đồng/m2 nhưng với ưu điểm tiết kiệm được không gian, thu hút sự chú ý của người qua đường và không mất chỗ đặt mô hình nên nhu cầu vẽ tranh kính ngày càng cao.

Tuy nhiên, anh Hiệp cho rằng, vì nhu cầu cao nên ngày càng xuất hiện nhiều thợ vẽ tranh kính không chuyên làm mất đi giá trị của những họa sĩ vẽ tranh chân chính khi hạ giá xuống thấp nhưng chất lượng lại không tốt.

“Để vẽ tranh đẹp nhất và không làm hỏng kính của khách thì họa sĩ phải dùng màu bột, sơn bột chứ không được dùng sơn cứng vì sơn cứng khó tẩy rửa. Chổi vẽ cũng phải dùng cọ có chất liệu là lông động vật chứ không được dùng chổi nhựa hay chổi cao su”, anh Hiệp phân tích.

Theo anh Hiệp, để hoàn thành 1 bức tranh kính cũng mất rất nhiều công đoạn, từ việc đo đạc, phác họa ý tưởng cho khách rồi thi công, lên hình, lên màu, lên sáng tối, lên phối… không hề đơn giản. Chưa kể hết dịp Noel hay lễ, tết, khách yêu cầu lau rửa, xóa hình, anh Hiệp lại có mặt để trả lại nguyên trạng mặt kính như ban đầu.

Thu nhập cao nhưng nghề vẽ tranh kính cũng là nghề không phải ai cũng làm được bởi ngoài yêu cầu chuyên môn cao, họa sĩ phải vẽ cả những địa điểm cao và làm việc ngoài trời. “Nhiều khi lạnh cóng tay rất khó vẽ nhưng vẫn phải cố”, anh Hiệp nói.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Cẩm Lệ   Việt Nam   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...