16/04/2021 12:11  
"Sự thay đổi nào cũng phải từ từ, hơn hai trăm nhân sự trong đó có người làm việc 30 năm xin nghỉ là sự bất thường; bệnh viện đầu tư kinh doanh tăng viện phí thì những người nghèo ra sao?"

Thông tin 221 cán bộ nhân viên BV Bạch Mai đồng loạt nghỉ việc và bị cho thôi việc thời gian qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trả lời PV Dân trí, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV này khẳng định, việc bác sĩ chuyển dịch nơi làm việc mới là hết sức tự nhiên, nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều bệnh viện tư nhân ra đời sẽ thu hút một nguồn nhân lực nhất định từ bệnh viện nhà nước.

TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Bạch Mai cho rằng vì áp lực, công việc thu nhập thấp, nhiều nhân viên được đơn vị khác mời chào với mức thu nhập cao, thậm chí hàng trăm triệu đồng nên một số bác sĩ có xin chuyển công tác.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều bác sĩ, việc xin nghỉ tại Bệnh viện Bạch Mai không phải do thu nhập, mà do thấy sự bất cập trong quản lý bệnh viện công theo mô hình doanh nghiệp.

Mới đây, một khảo sát tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có đến 37% nhân viên Bệnh viện Bạch Mai không muốn gắn bó lâu dài; mức độ hài lòng với lãnh đạo bệnh viện chỉ đạt 51% và chỉ số hài lòng toàn diện ở mức rất thấp, đạt 15%...

"Mọi sự thay đổi đều phải chấp nhận có sự không bằng lòng của những người bị đào thải"

Đó là một trong số nhiều quan điểm của bạn đọc khi gửi ý kiến bình luận (comment) về Dân trí.

"Rất mong bệnh viện Bạch Mai thay đổi để đáp ứng nhu cầu của xã hội và xứng đáng là bệnh viện đầu ngành của Việt Nam về khám chữa bệnh. Những năm qua bệnh viện còn nhiều hạn chế như: tiếp cận công nghệ 4.0 còn yếu hơn so với nhiều bệnh viện tuyến dưới, thủ tục hành chính rườm rà, chậm đổi mới, bác sĩ làm việc chưa chuyên tâm với nghề, mà chỉ quan tâm đến cái mác của bệnh viện để được các cơ sở tư nhân mời chào với mức lương cao... rất có cảm tình với bệnh viện, nhưng sự xuống cấp của bệnh viện làm đau lòng nhiều người dân yêu quý viện. Mong bệnh viện phát triển!" bạn đọc Tuấn Nguyễn.

Nên xem chuyện đi và đến là hết sức bình thường, bạn đọc Lê Đức: "Tự chủ tài chính bắt buộc phải thay đổi nhiều thứ, kể cả nhân sự. Mọi sự thay đổi đều phải chấp nhận có sự không bằng lòng của những người bị đào thải".

Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc Hồng Nhung: "Các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác đã cổ phần hóa từ 20 năm nay thì ngành y tế, giáo dục cũng cần phải thay đổi về phương thức quản lý và cung cách làm việc trước khi quá muộn và nên coi sự đi - đến của nhân sự là điều bình thường"; 

"Việc ra đi hay ở lại là lẽ bình thường của thị trường lao động. Một tổ chức mà không có sự đào thải đặc biệt là chuyển từ bao cấp phụ thuộc sang tự hạch toán thu chi thì rất khó tồn tại… chúng tôi ủng hộ sự chuyển mình đổi mới của các tổ chức công lập để người dân được hưởng dịch vụ tốt.

Thay đổi để phát triển, để có lợi cho người dân, người bệnh nghèo, chúng tôi không quan tâm nhân viên nghỉ việc, mà chúng tôi mong chi phí hợp lý, và phục vụ người bệnh chuẩn mực", bạn đọc Hải Trang.

Bạn đọc Trần Trung Điệp: "Việc người xin đi, người xin về, sắp xếp lại tổ chức cho hợp lý cũng là điều phải làm trong khi thay đổi cơ chế sang tự chủ hoàn toàn, giám đốc sẽ là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng hoạt động của bệnh viện. Mong rằng bệnh viện sẽ có nhiều đổi mới, bứt phá trong y học sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới. Muốn vậy phải xây dựng được một đội ngũ thầy thuốc giỏi chuyên môn, tốt về y đức, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, bệnh viện phải được đầu tư bài bản, hiện đại, có một Bộ máy lãnh đạo tâm huyết, chí công, vô tư".

Ủng hộ sự thay đổi, nhưng cũng có phần lo lắng, bạn đọc Nguyen Dang: "Việc cải cách, thay đổi có tốt lên hay không phải có đủ thời gian mới đánh giá hết được. Với tổng nhân sự của BV là 4500 người, khoảng 200 người nghỉ việc, trong đó cả trăm người do BV chủ động cho nghỉ để sắp xếp lại, con số nghỉ việc này cũng là bình thường thôi. Nếu chất lượng, cung cách phục vụ tốt lên chúng ta nên ủng hộ sự thay đổi";

"Là bệnh viện đặc biệt tuyến cuối nên theo tôi y đức phải được đặt lên hàng đầu, đa số bệnh nhân chuyển tới đều là ca khó và kinh tế của họ cũng kiệt quệ rồi, nếu y thuật cao gắn với thu nhập nhiều thì rất nhiều bệnh nhân không có cơ hội để tiếp tục sống. Tôi rất cảm phục đội ngũ nhân viên y tế hiện đang ở lại để tiếp tục cống hiến tất cả vì sức khỏe của bệnh nhân...", bạn đọc Minh Quang.

Cần thay đổi để có sự đổi thay ở cung cách ứng xử với người bệnh là quan điểm của nhiều bạn đọc: "Nếu để tốt hơn như thế thì quá tốt, có những người giỏi chuyên môn nhưng mang tư tưởng ban bố, không coi người bệnh là khách hàng, ứng xử với người bệnh và thân nhân vô cảm, xấc xược... qua tư nhân họ cũng buộc phải thay đổi thôi", bạn đọc Nguyễn Văn Dưỡng

"Đừng coi chuyện nghỉ việc ồ ạt là bình thường"

Với một góc nhìn khác, nhiều bạn đọc lại cho rằng, không thể bình thường hóa mọi chuyện. Có cái là bình thường, chẳng hạn thu nhập cao hơn thì họ chọn; nhưng bất thường là có những người gắn bó vài chục năm mà giờ phải dứt áo ra đi với tâm tư nặng trĩu (có những người công tác tại viện gần 30 năm).

Nếu như không vì lý do gì đó, thì họ sẽ sẵn lòng thông cảm cho bệnh viện (do covid, do chuyển đổi cơ chế…) để tiếp tục làm việc bởi một khi đã gắn bó sâu sắc như trước, người ta sẽ dễ cảm thông, đồng lòng cùng vượt qua…

Bạn đọc Tuấn Anh: "Không biết BV Bạch Mai đang thừa hay thiếu nhân lực lao động. Tuy nhiên, để có được 1 bác sĩ điều trị là tốn kém thời gian, tiền của; để có 1 điều dưỡng làm được việc cũng mất nhiều thời gian và tiền bạc. Vậy một số lượng bác sĩ, điều dưỡng nghỉ là thất thoát chất xám cho Bệnh viện rồi. Điều này chưa tính đến Bạch Mai có cơ sở 2 ở Hà Nam cần nhiều bác sĩ, điều dưỡng.

Lãnh đạo Bạch Mai nên xem lại các chính sách quản lý và cách thức điều hành nhân sự. Nên lắng nghe ý kiến cán bộ nhân viên xem họ cần gì, mong muốn gì chứ không nên nghĩ do ảnh hưởng dịch Covid 19 và giảm số lượng bệnh nhân".

"Lý do nghỉ việc của 221 người là chuyển việc đến nơi có thu nhập cao hơn, tái cơ cấu bệnh viện, dịch Covid 19 là không phải tất cả. Thiết nghĩ, lãnh đạo Bạch Mai nên xem xét lại cơ chế điều hành, quản lý của Bệnh Viện với các Khoa, phòng; mối liên hệ giữa môi trường làm việc, khối lượng công việc và thu nhập đã phù hợp chưa. Số lượng người lao động là bác sĩ, điều dưỡng nghỉ hoặc chuyển công việc nhiều là đáng lo ngại trong cách thức quản lý của bệnh viện đấy", bạn đọc Nam Hằng.

"Thu nhập là yếu tố quan trọng nhưng môi trường làm việc, không khí dân chủ, đoàn kết của một tập thể cũng là yếu tố rất đáng quan tâm. Bản thân tôi sẵn sàng làm việc ở cơ quan thu nhập ít hơn 1 chút nhưng cảm thấy hạnh phúc. Không thể nói thu nhập ở Bạch Mai thấp đâu các vị ạ, ngoài thu nhập ở bệnh viện thì danh tiếng cũng dư sức kiếm thêm ngoài giờ", quan điểm của bạn đọc Nguyễn Thành Văn.

Cho rằng cơ chế tự chủ của bệnh viện sẽ là con dao 2 lưỡi, bạn đọc Trần Xuân Ngộ: "Bệnh viện mà tự chủ thì bệnh nhân sẽ khổ, vì chạy theo thu nhập chắc chắn sẽ giảm y đức, không thể có thứ hàng hóa nào mà giá rẻ nhất mà chất lượng tốt nhất được, nên cuối cùng nếu giao tự chủ chắc chắn người nghèo khó có cơ hội được chữa bệnh tốt nhất . Cơ chế tự chủ của bệnh viện là con dao 2 lưỡi, tất cả các ngành đều có thể tự chủ, trừ y tế và giáo dục!".

"Sự thay đổi nào cũng phải từ từ, hơn hai trăm nhân sự trong đó có người làm việc 30 năm là sự bất thường. Bác sĩ mất hàng chục năm kinh nghiệm đào tạo chứ đâu phải các công ty kinh doanh. Bệnh viện nhà nước như Bạch Mai mà tư nhân hóa thì không ổn, một số bệnh viện lớn thì cần phải bao cấp để nhân dân được chữa bệnh. Rồi bệnh viện đầu tư kinh doanh tăng viện phí thì những người nghèo ra sao, đã là cấp đặc biệt như Bạch Mai, Chợ Rẫy... thì cần phải hài hòa để người dân được hưởng lợi", bạn đọc Minh Tiến đồng quan điểm.

Khả Vân (tổng hợp)

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Covid   Covid 19   Lãnh đạo   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...