13/01/2021 20:20  
Lancang – một trong hàng ngàn hòn đảo ở Indonesia – với vài trăm nóc nhà giờ đã trở thành “căn cứ” cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn của hải quân nước này sau vụ máy bay rơi. Một số người dân trên đảo nói máy bay rơi gây ra “sóng thần” và đến giờ họ vẫn còn run sợ.

Hôm 9.1, Hendrik Mulyadi – một ngư dân trên đảo Lancang – đang thu bẫy cua biển thì bất ngờ chiếc Boeing 737-500 rơi xuống.

“Tôi phải cảm ơn thần linh vì máy bay không rơi trúng thuyền của tôi. Nó rơi xuống nhanh như chớp, rất nhanh. Máy bay phát nổ khi nó va chạm với mặt nước. Tôi thấy nhiều mảnh vỡ trôi nổi ngay sau đó”, Hendrik nói.

Hendrik là một trong 5 ngư dân đang bắt cua trên biển vào thời điểm máy bay của hãng Sriwijaya Air gặp nạn. Tàu của Hendrik chỉ cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 300 mét.

Lancang là một đảo nhỏ, yên bình và gần như không có du khách. Những người dân sống trên đảo giờ có thể thấy hàng chục tàu lớn ngoài khơi đang hoạt động mỗi ngày. Hôm 12.1, hải quân Indonesia đã trục vớt thành công một trong hai hộp đen của máy bay gặp nạn.

“Chúng tôi từng chứng kiến vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air. Sau đó, tôi bị ám ảnh và thường nhìn lên trời mỗi khi máy bay bay ngang qua. Nếu một chiếc máy bay rơi trúng đảo này thì sao? Chúng tôi sẽ chết hết mất”, Hendrik nói.

Người dân Lancang chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Không có ô tô trên đảo này, người dân chủ yếu đi xe đạp hoặc xe máy. Đi bộ vòng quanh đảo chỉ mất chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.

Mahtum – trưởng làng Lancang – nói rằng dân đảo này không sợ Covid-19 mà chỉ sợ bị máy bay rơi trúng và sóng thần.

“Nhiều cư dân trên đảo cảm thấy nhà họ bị rung chuyển và tiếng nổ đêm ngày 9.1 là báo hiệu của một trận đại hồng thủy sắp tới. Chúng tôi rất sợ sóng thần và nước biển dâng”, ông Mahtum nói.

Khi chiếc Boeing 737-500 đâm xuống biển, sức ép từ vụ nổ lớn đến nỗi nhiều ngôi nhà trên đảo Lancang bị vỡ tung cửa kính.

Sahapi – ngư dân sống trên đảo Lancang từ năm 1987 – cho biết, khi đang đánh cá thì ông thấy sóng biển cuộn tới, nâng thuyền của mình lên cao.

“Tôi thấy nhiều mảnh vỡ trong làn sóng. Khi nhìn thấy thuyền của Hendrik ở gần nơi phát ra tiếng nổ, tôi cho rằng ông ấy bị sét đánh trúng”, Sahapi kể lại.

Sahapi ngay lập tức về làng và hô hoán rằng ông Hendrik bị sét đánh tử vong. Cả làng Lancang cuống quýt tìm cách ra biển cứu người bị nạn cho đến khi Hendrik quay lại và kể những gì mình thấy.

Tuy nhiên, Hendrik cũng không mấy gan dạ. Anh đã từ chối chỉ cho cảnh sát địa điểm vụ tai nạn máy bay và nói rằng mình “vẫn sốc”.

“Tôi bị chấn thương tâm lý. Tôi về nhà trùm chăn và run cầm cập. Tôi không muốn ăn uống gì kể từ khi chứng kiến vụ việc. Tôi vẫn còn bị sốc”, Hendrik nói.

Kinh tế trên đảo Lancang cũng bị “rung chuyển” sau vụ tai nạn máy bay. Các nhà chức trách cấm ngư dân trên đảo ra khơi đánh bắt cho tới khi việc cứu nạn hoàn thành.

Hendrik nói mình còn 550 cái bẫy cua ở ngoài khơi chưa thu hoạch và khả năng cao là anh sẽ “mất cả chì lẫn chài”.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Covid   Covid-19   Kinh tế   Máy bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...