23/11/2020 16:25  
Cựu tiền vệ Thể Công và tuyển Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn chọn cách đứng ngoài vòng chiến đấu vì môi trường V-League khốc liệt không thể dung hoà cái tôi của anh.

- Lần đầu tiên trong lịch sử, Viettel vô địch V-League. Với cá nhân, một cựu cầu thủ Thể Công, anh đón nhận sự kiện này thế nào?

- Tôi hay những người yêu mến Thể Công nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đều mong mỏi, chờ đợi một điều gì mới mẻ. Những mùa giải trước, chúng ta vẫn thường thấy sự lên ngôi một cách lặp đi lặp lại của các CLB có tên tuổi, được đầu tư nhiều tiền của ở V-League, như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương. Vì vậy, chức vô địch của Viettel là một bước đột phá của tập thể này, và cũng là cả nền bóng đá.

Tôi nói "đột phá" với Viettel còn là bởi khi thăng hạng V-League 2019, mục tiêu của đội trong ba năm đầu chỉ là trụ hạng. Sau đó, đội sẽ đầu tư để hướng đến những thành công. Nhưng chỉ sau hai năm có mặt ở V-League, Viettel đã thực hiện những thương vụ chất lượng từ thủ môn, trung vệ, hậu vệ biên, tiền vệ cũng như các ngoại binh. Bên cạnh đó, nhiều cầu thủ trẻ của Viettel cũng trưởng thành lên nhiều, như Tiến Dũng, Đức Chiến, Hoàng Đức, Duy Thường, Tiến Anh.

- Trong thành công của Viettel, dấu ấn mà HLV Trương Việt Hoàng tạo ra rất rõ rệt. Anh đánh giá thế nào về vai trò của người bạn cũ?

- Năm nay, Việt Hoàng hội tụ đủ yếu tố: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà và May mắn. Cậu ấy đã thành công như mong đợi. Từng vô địch quốc gia năm 1998 cùng Thể Công, sự nghiệp của Việt Hoàng tròn trịa hơn nữa khi có thêm danh hiệu vô địch năm nay, trên cương vị HLV Viettel. Đó là một thành công trọn vẹn.

- Bao nhiêu năm sau khi giải nghệ, trông anh vẫn không khác nhiều so với ngày xưa. Vẫn phom người, kiểu cách và mái tóc xịt gôm chỉn chu như thế?

- Không biết các bạn còn nhớ không, chứ bạn bè, người thân từng gọi tôi là Sơn "công chúa". Nhà tôi tại phố Hàng Bông, từ ngày xưa đến bây giờ vẫn còn cửa hàng áo cưới. Hồi nhỏ, tôi cùng các bạn thỉnh thoảng lại lôi quần áo của cô dâu, chú rể trong tủ ra mặc. Mỗi người chia nhau thử cái này, cái kia. Lúc đó, tôi cũng thuộc diện mập mạp, khuôn mặt bầu bĩnh. Khi mặc váy cô dâu, tôi chẳng hiểu sao trông rất giống con gái. Vì thế mà các bạn hay trêu và gọi tôi là Sơn "công chúa". Cũng một phần vì tính cách của tôi luôn nhẹ nhàng, không bao giờ ồn áo, đao to búa lớn cả.

Sau này đi đá chuyên nghiệp, tính cách này cũng ảnh hưởng đến tác phong thi đấu. Trong khi các cầu thủ hay bỏ áo ra ngoài quần, tôi bao giờ cũng sơ vin chỉn chu. Nếu có điều kiện, tôi thường xịt gôm lên tóc cho gọn gàng hoặc xức chút nước hoa. Tôi vẫn giữ thói quen đó trong cách sinh hoạt bây giờ.

- Anh có cho rằng, sự chỉn chu đó là điển hình thường gặp của những người sinh ra, lớn lên ở phố cổ Hà Nội?

- Gốc của gia đình tôi là ở phố Đinh Tiên Hoàng, tại tầng hai của cửa hàng Phở Thìn, gần Hàm Cá mập bây giờ. Tới những năm 1960, bố tôi được suất mua lại nhà ở Hàng Bông, chính là căn nhà như hiện tại. Nên mọi người gọi tôi là trai phố cổ cũng được. Mấy đời gia đình tôi có nghề truyền thống chụp ảnh nghệ thuật, từng sở hữu chuỗi cửa hàng nhiếp ảnh Phương Đông. Bố tôi là nhân viên nhiếp ảnh trung tâm, có nguyện vọng nhìn một trong sáu người con nối nghiệp. Anh cả theo con đường nghệ thuật, nhưng lại chọn âm nhạc. Anh thứ hai theo bóng đá.

Tôi là con trai thứ tư và cậu em thứ năm cũng thử vào buồng tối tráng phim, cũng thử tay nọ tay kia xem thế nào. Nhưng tôi cảm thấy đó không phải là nghề sôi nổi, hào hứng, khác xa những trận bóng anh em chúng tôi chơi sau mỗi giờ tan học. Nói chung, nghề ảnh đòi hỏi sự tỉ mỉ, hy sinh chứ không chỉ là đam mê.

Giai đoạn xã hội ấy, thú vui của người trẻ chỉ có ba thứ là đá bóng, học võ và guitar. Ngày trẻ, tôi từng vác đàn tới nhà bác Hải Thoại - một trong những thầy dạy guitar nổi tiếng ngày xưa. Nhưng có học mới biết mình hợp chạy nhảy, chứ không thể bó buộc một chỗ. Thời bấy giờ, vỉa hè rộng lắm, đất rộng nguời thưa. Bất cứ chỗ nào cũng có thể đá bóng. Chỉ cần chúng tôi có một quả bóng nhựa hay cái gì đó tròn là có thể chơi.

- Trong trí nhớ của anh, Hà Nội của những năm 70, 80 thế kỷ trước còn đọng lại những ký ức nào?

- Tôi đã trải qua cuộc sống xếp hàng, dùng tem phiếu mua xăng, mua dầu, thực phẩm. Đó là giai đoạn cả xã hội vất vả, khó khăn. Nhà đông con nên việc ăn no đã khó, chứ đừng nói là ăn ngon.

Thời ấy nhà nào gần như cũng có một "chiếc tủ thế hệ". Đại khái là thế này. Ông cả có cái áo, mặc chật hết tuổi thì sang năm lại nhường cho ông hai. Cứ thế, chiếc áo được chuyển cho những người con sau đó, đặt trong chiếc tủ xếp từ ngăn cao nhất tới ngăn thấp nhất. Có những cái áo truyền tay nhau suốt 5 năm. Mỗi anh em cũng chỉ có một, cùng lắm là hai cái quần, mặc xong đâu dám giặt, phải treo móc cả tuần "dùng dần".

Trẻ con thời đại tôi, ai cũng thần tượng hình ảnh các chú huyền thoại Thể Công - Cao Cường, Thế Anh - mặc trang phục quân đội lái xe máy. Với chúng tôi khi ấy, đó là cả một trời ước ao. Có lẽ đó, đó chính là một phần động lực khiến tôi theo đuổi con đường đá bóng chuyên nghiệp.

- Vậy cơ duyên nào đưa anh tới bóng đá?

- Năm 1980, tôi nghe tin Thể Công tuyển sinh. Những người trong lứa 1969-1971 ùa nhau đi thi tuyển. Hồi ấy số lượng đăng ký thi rất đông, có khi phải xếp hàng cả tuần mới đến lượt. Các thầy tuyển trạch cứ gom năm bạn làm một đội, đá đối kháng trực tiếp. Qua từng vòng, các thầy xem thí sinh phối hợp thế nào, kỹ thuật cá nhân ra sao rồi loại dần. May mắn là tôi qua được vòng bốn, được thầy gọi ra để lấy địa chỉ, thông tin cá nhân.

Khoảng một tuần sau, tôi tiếp tục tham gia các bài kiểm tra chạy, nhảy, bật xa, bật cao, tâng bóng. Cứ như vậy, quá trình lọc lực lượng tiếp tục, rút gọn khoảng 100 bạn. 50 bạn tập ngày chẵn, 50 bạn tập ngày lẻ, nghỉ duy nhất Chủ nhật.

Trong quân đội ngày ấy, cầu thủ từ 10-20 tuổi tập trong lớp năng khiếu nghiệp dư và đội hai. Ví dụ, từ 10-15 tuổi, chúng tôi tập ba buổi mỗi tuần. Đến 15-17 tuổi, tăng dần số lượng tập lên. Tới 17-18 tuổi, chúng tôi chính thức ăn ở tập trung, trong đội hình hai của Thể Công. Giai đoạn từ 18-20 tuổi là khó khăn hơn cả bởi lúc ấy đã đến tuổi nhập ngũ, bản thân mỗi người lại bước vào độ tuổi mới lớn, còn tò mò với thế giới bên ngoài nên có nhiều thú vui. Trong quá trình tập năng khiếu nghiệp dư, cứ sáu tháng tới một năm lại có một cuộc sàng lọc. Ai không có chuyên môn, thể lực, tư cách đạo đức đều bị loại. Xuyên suốt những năm tháng ấy, có nhiều người đã bỏ cuộc, quay về đi học, và rẽ hướng sang ngành khác. Nhờ giai đoạn đó, tôi được tích luỹ kiến thức về kỷ luật, kỹ chiến thuật. Các đàn anh nhìn vào lớp kế cận khi ấy để xem ai nổi trội thì sẽ lựa chọn. Trong lứa của mình, tôi là một trong ba người được đưa lên đội một sớm nhất, sau này cũng được thi đấu chính thức sớm nhất.

- Sau này, đâu là những cột mốc đánh dấu bước phát triển cũng như những thăng trầm trong sự nghiệp của anh?

- Năm 1990, khi vừa sang tuổi 20, tôi đá trận đỉnh cao đầu tiên, gặp Công an Thanh Hoá ở sân Hàng Đẫy. Đó là lần đầu tiên tôi được đá trên sân Hàng Đẫy, trong vai trò cầu thủ chuyên nghiệp của Thể Công. Anh của một người bạn tặng cho tôi đôi giày trắng đã được anh sử dụng trước đó rồi. Nhưng chẳng sao cả, vì có một đôi giày để đá bóng là quý lắm rồi. Trận đó, tôi được đá bên cạnh những danh thủ Quản Trọng Hùng, Đoàn Ngọc Tuấn, Mạnh Cường, cảm xúc lại càng đặc biệt. Tôi nhớ như in từng thước hình trong chiến thắng 1-0 hôm đấy.

Sau này, khi Việt Nam thắng Thái Lan 3-0 ở Tiger Cup 1998, kỷ niệm đó cũng đi theo thế hệ cầu thủ chúng tôi suốt cuộc đời. Đó là dấu tích đầu tiên, đánh dấu bóng đá Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ trước "anh cả" trong khu vực là Thái Lan. Trước đó, chưa đá, chúng ta đã sợ, chỉ biết hoà và thua. Ngày ấy, Thái Lan có một thế hệ đồng đều hơn, kinh nghiệm hơn và bài bản hơn. Họ hơn chúng tôi về kinh nghiệm, bản lĩnh, nền tảng thể lực. Sự đồng đều từ thủ môn, hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo khiến cho lực lượng dự bị khi vào thay đội hình chính cũng quá tốt. Khoa học trong thể thao của Thái Lan cũng được đặc biệt chú trọng từ những năm 1990.

- Nhưng tới chung kết Tiger Cup 1998 đó, Việt Nam thua Singapore. Một số cầu thủ góp mặt trong trận đấu ấy sau này kể lại, họ đã nghĩ tới chuyện giải nghệ vì không vượt qua cú sốc tâm lý. Anh đối diện với thất bại ấy thế nào?

- Đối thủ mạnh nhất của giải đấu là Thái Lan, chúng ta đã vượt qua. Nhưng cũng vì thắng đội mạnh nhất, mà anh em trong đội bị căng thẳng và nôn nóng. Singapore phòng ngự nhiều lớp, chơi chặt chẽ, không có bất kỳ sơ hở nào. Trong khi đó, chúng ta lại cho thấy dấu hiệu tâm lý, cứ ào ào lên tấn công, nhưng không có sự gắn kết và mạch lạc. Tất nhiên, tôi ở trong cuộc nên cũng thất vọng, buồn bực vô cùng. Nhưng không thể vì một trận đấu mà mình lại giã từ sân cỏ. Năm ấy tôi mới 28-29 tuổi - độ tuổi đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Tôi tự nhủ phải đứng lên, vượt qua nỗi buồn. Vị trí của tôi ngày ấy là đầu tàu, là trụ cột của đội tuyển, không thể cảm tính tới mức nghĩ quẩn sau một trận bóng. Rốt cuộc cũng chỉ là một trận bóng thôi mà.

- Trong giai đoạn anh là tuyển thủ quốc gia, đội tuyển Việt Nam trải qua năm HLV ngoại. Cá nhân anh ấn tượng nhất với ai?

- Ngày còn khoác áo ĐTQG, tôi có dịp làm việc với năm HLV ngoại. Có một người Anh - là Colin Murphy, hai người Brazil là Edson Tavares và Dido, nhưng thầy Karl-Heinz Weigang (Đức) và thầy Alfred Riedl (Áo) để lại ấn tượng nhiều hơn cả. Họ có phong cách lịch lãm đúng kiểu châu Âu, và rất khoa học. Cả hai luôn có một cuốn sổ ghi chép bên người, ghi lại từng chi tiết nhỏ nhất như khẩu phần ăn của cầu thủ. Người châu Âu tinh tế từ những cái nhỏ nhất, chẳng hạn như ho ở chỗ đông người phải thế nào, tác phong ăn uống ra sao. Tôi không hề so sánh, nhưng nhiều HLV nội ngày xưa có thói quen đột ngột xộc thẳng vào phòng cầu thủ và yêu cầu cái nọ, cái kia. HLV nước ngoài khác hẳn, luôn tôn trọng sự riêng tư của các cầu thủ.

- Sau giải năm đó, anh bước vào những năm cuối sự nghiệp. Có một tình huống xảy ra trong năm cuối anh thi đấu: Dù chia tay sân cỏ năm 2003, nửa năm sau bất ngờ tái xuất. Đằng sau câu chuyện đó là gì?

- Năm 2003, tôi đã tính đến việc nghỉ ngơi. Bởi khi đấy tôi 33 tuổi, vừa lập gia đình và cũng bị ảnh hưởng từ chấn thương. Tôi đã trải qua bốn lần phẫu thuật ở hai đầu gối cũng như mũi. Bên cạnh đó, lứa kế cận của tôi là các cầu thủ như Trương Việt Hoàng, Đức Thắng, Như Thuần, Bảo Khanh, Quốc Trung... đã tiến bộ. Tôi nghĩ mình chơi đủ rồi, tới lúc nghỉ thôi.

Nhưng tới năm 2004, Thể Công có lúc thi đấu không tốt, đứng gần cuối và có nguy cơ rớt hạng. Lãnh đạo CLB đến nhà thuyết phục tôi quay trở lại sân cỏ, và tôi nhận lời. Trong nửa giai đoạn hai, đội lấy lại khí thế, vào top 5. Năm đó, tôi ghi năm bàn, kiến tạo sáu lần. Tiếc là đội thua Cảng Sài Gòn ở lượt cuối, nên không thể vào top 3 chung cuộc. Sau giải, lãnh đạo ngành họp kiểm điểm, anh em phải đi nghĩa vụ một tháng vì phong độ cũng như tinh thần trong cả mùa giải có vấn đề. Lần đó, tôi quyết giải nghệ, không thể thi đấu chuyên nghiệp thêm.

- Được xem là tượng đài của bóng đá Việt Nam, nhưng tại sao anh lại đứng ngoài cuộc chơi V-League - không như những người đồng đội cũ Lê Huỳnh Đức, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng...?

- Thực ra, sau một thời gian dài, tôi cũng xác định mình sẽ không dẫn dắt một đội bóng nào ở V-League. Tôi chỉ thích làm bóng đá trẻ. Kể cả khi nhận được lời mời ở các CLB chuyên nghiệp, tôi cũng không bao giờ làm. Tính cách tôi không phù hợp với nghiệp huấn luyện bôn ba. Sự khốc liệt của V-League, những bon chen ngoài xã hội, không tương đồng với con người tôi. Đó là lý do duy nhất tới giờ, tôi không dẫn dắt một đội bóng nào tại V-League.

Thực tế, tôi làm công tác huấn luyện cũng gần 20 năm. Năm 2002, tôi vừa đá cho Thể Công vừa nắm đội B. Ví dụ, đội chính đá vào Chủ Nhật, thì đội B sẽ chơi một ngày trước đó. Tôi cũng kinh qua các đội U11, U13, U17, U19 rồi U21. Sau này, tôi còn làm trợ lý cũng như cố vấn cho Viettel ở giải hạng Nhất cùng với các anh Đỗ Mạnh Dũng, Hải Biên.

Mấy năm trước, tôi nhận được lời mời từ Xuân Thành Hà Tĩnh, Ninh Bình rồi cả CLB Hà Nội của bầu Kiên. Bầu Kiên thậm chí từng mời tôi đến tận nhà để đề xuất hợp đồng. Nhưng khi ấy tôi cũng chưa đủ kinh nghiệm và cả kiến thức. Áp lực cầm quân tại V-League rất lớn. Bản thân tôi cũng mong mỏi làm sao mình có thể sống chết với Thể Công, muốn làm sao sau này có thể dẫn dắt Thể Công. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đi khỏi một đội bóng khác. Từ bé, tôi đã dành tình cảm với môi trường bóng đá quân đội. Với tôi, việc chia tay nơi này là cả một sự đắn đo, suy nghĩ và hy sinh.

An Ngọc

Nguồn tin: vnexpress.net


Công an   HLV   Hà Nội   Lãnh đạo   Trẻ con   U19   V-League   Việt Nam   căng thẳng   huyền thoại   thói quen   thực phẩm   âm nhạc   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...