26/11/2020 8:30  
Sau gần ba năm thực hiện, Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch đã hỗ trợ cải thiện khung pháp lý về tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, cùng nhiều kết quả ý nghĩa.

DEPP là gì?

Những năm qua trong các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, người ta thường thấy sự phối hợp giữa Việt Nam với Đan Mạch. Được biết Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (Chương trình DEPP) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ được Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ năm 2017.

Chương trình DEPP có tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 21,6 triệu krone Đan Mạch, tương đương 3,15 triệu USD. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ triển khai ứng dụng rộng rãi các cơ hội chuyển đổi carbon thấp, tối ưu về chi phí trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tổng hợp, DEPP được chia thành 3 Hợp phần. Nội dung Hợp phần 1 về nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng dài hạn; Hợp phần 2 về nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; Hợp phần 3 là phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp.

Tuy có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song các hoạt động năm 2020 của DEPP vẫn được thực hiện. Các cuộc họp trao đổi nội dung kỹ thuật hoạt động đã thực hiện hình thức trực tuyến giữa đại diện của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Cục Năng lượng Đan Mạch, tư vấn quốc tế và tư vấn trong nước.

Tới nay, các quy định xây dựng của Hợp phần 3 với một loạt quy trình quản lý giúp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý hiệu quả báo cáo của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, kiểm soát chất lượng báo cáo kiểm toán năng lượng, báo cáo định mức tiêu hao năng lượng.

Đây là những công cụ để giúp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực thi hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát hiệu quả tuân thủ quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Nhìn lại quá trình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch

Sau gần ba năm thực hiện chương trình, với sự hợp tác của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, dự án đã cải thiện khung pháp lý về tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, trong đó hỗ trợ cho 2 tỉnh được chọn là Bắc Giang và Đồng Nai nâng cao năng lực thực thi quy định về tiết kiệm năng lượng.

Dự án đã đạt được một số kết quả tiêu biểu, như thu thập số liệu và đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi Nghị định 21/2011/NĐ-CP theo hướng mở rộng các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trọng điểm; xây dựng công cụ hỗ trợ các Sở Công Thương, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm báo cáo, quản lý báo cáo.

Bên cạnh đó, DEPP đã đề xuất, khuyến nghị sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BCT ngày 20/4/2012, quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, thực hiện kiểm toán năng lượng. Báo cáo đề xuất sửa đổi đã được trình bày tại các hội thảo ở Hà Nội và TP.HCM vào tháng 11/2018.

Đến ngày 29/9/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư Số 25/2020/TT-BCT thay thế Thông tư 09 nêu trên, nhằm hỗ trợ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dễ dàng triển khai các quy định trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiêu quả.

Bên cạnh việc sửa đổi các nội dung liên quan đến chính sách, dự án cũng đề xuất cải tiến công cụ thu thập dữ liệu tiêu thụ năng lượng. Tháng 10/2020, dự án triển khai 3 hội thảo đào tạo cho 63 tỉnh thành về công cụ mới theo Thông tư Số 25/2020/TT-BCT, với khoảng 60 đại biểu tham dự mỗi hội thảo, gồm doanh nghiệp và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, chương trình này cũng đã hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng bộ mẫu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2020-2025, được ban hành theo Công văn số 5866/BCT-TKNL ngày 11/8/2020.

Bộ mẫu hướng dẫn cũng cung cấp các phương pháp luận, thông tin pháp lý và công cụ tính toán mục tiêu, nhằm hỗ trợ các tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

H.A.H

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Mục tiêu   Nghị định   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   hợp tác   quy hoạch   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...