23/10/2020 15:15  
Html">

Hội thảo tổng kết Dự án “Khảo sát thu thập dữ liệu để phát triển hệ thống đo lường, báo cáo và kiểm chứng (MRV) trong ngành đường sắt đô thị tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội trong ngày 23-10 chỉ ra một thực tế ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM đang gây tổn hại sức khỏe của người dân, với số ca mắc bệnh về đường hô hấp ngày càng gia tăng. Đường sắt đô thị, theo đó, không chỉ được coi là một trong những phương án khả thi để giảm phát thải khí nhà kính mà còn là một giải pháp hữu hiệu giải quyết ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí.

Cũng theo kết quả phỏng vấn các hộ gia đình sống dọc theo các tuyến đường sắt đô thị đang trong quy hoạch tại Hà Nội và đang được xây dựng tại TPHCM, phần lớn người tham gia khảo sát (81% dọc theo Tuyến số 1 ở TPHCM và 66% dọc theo Tuyến số 1 ở Hà Nội) tỏ ý sẵn lòng sử dụng đường sắt đô thị trong tương lai.

Khảo sát của JICA đã được thực hiện thành công với sự hợp tác của Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) và Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 2-2019 đến tháng 9-2020, cho các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 ở Hà Nội và tuyến số 1 ở TPHCM, là các tuyến đang và sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Vận dụng phương pháp luận đơn giản, các chuyên gia Nhật Bản đã ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của ba tuyến đường sắt này. Đây cũng sẽ là cơ sở khoa học để khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông phát thải thấp như đường sắt đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Khảo sát đã cho thấy, Tuyến số 1 và Tuyến số 2 của Hà Nội có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính tương đương lần lượt là 54.541 tấn và 39.614 tấn CO2 mỗi năm, và tương tự, tuyến số 1 của TPHCM có khả năng  giảm 56.877 tấn CO2 mỗi năm.

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Ken Kumazawa, Trưởng đoàn khảo sát, cho biết, đường sắt đô thị đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân Nhật Bản. Tại Việt Nam, khi mà hiện nay hầu hết người dân sử dụng xe máy, thì việc chuyển đổi sang đường sắt đô thị cũng không đơn giản. Tuy nhiên trong tương lai, lượng hành khách của đường sắt đô thị chắc chắn sẽ tăng nếu chất lượng dịch vụ được đảm bảo và các tác động tích cực đến môi trường của đường sắt đô thị được chứng minh.

Theo ông Murooka Naomichi, Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam, đường sắt đô thị không chỉ là phương tiện giao thông hiệu quả mà còn giúp giảm lượng khí CO2 và các chất gây ô nhiễm không khí. Hệ thống đường sắt đô thị sắp được phát triển tại Hà Nội và TPHCM không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mà còn góp phần vào mục tiêu giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường, theo cam kết trong Thỏa thuận Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) mà Việt Nam vừa đệ trình lên Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC).

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HCM   Nhật Bản   TPHCM   Việt Nam   dịch vụ   quy hoạch   Đường sắt   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...