02/04/2021 6:06  

Kẹt cầu, đi phà

Sau khi sắp xếp công việc, nhóm chúng tôi quyết định về quê bằng xe gắn máy vào 14 giờ  ngày 6.2. Đến khoảng 17 giờ, mọi người đã đến được cầu Rạch Miễu để về các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long…Nhưng không may là xảy ra kẹt xe kéo dài hàng trăm mét, khiến mọi người phải bị “chôn chân” hàng tiếng đồng hồ không thể lên cầu Rạch Miễu được.

Thế là,  chúng tôi quyết định rẽ phải qua con đường Nguyễn Thị Thập - Lê Thị Hồng Gấm, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang. Với  sự chỉ dẫn của người dân,  chúng tôi chỉ mất khoảng 10 phút để đến phà Rạch Miễu. Tại đây, nhiều thành viên trong nhóm đã được trở lại một miền ký ức của hơn 10 năm về trước với Phà Rạch Miễu.

Một phần ý ức của người Bến Tre

Lên được phà , chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, 30 tuổi, làm việc tại số 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM,  ngân nga câu hát “Bậu sang phà Rạch Miễu, qua lẽo đẽo theo sau..Đôi bóng trăng trên đầu tưởng như áo cô dâu”….

Chị Cẩm Tú  quê ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho hay Phà Rạch Miễu có thể nói là một phần ký ức khó quên của người dân Bến Tre và thế hệ 8x, 9x đời đầu cũng không ngoại lệ. Nhớ mỗi lần chị Tú lên TP. HCM hoặc đi núi Bà Đen, Tây Ninh đều phải qua chuyến phà này.

Với chị Cẩm Tú,  phà Rạch Miễu đã gắn với bao thế hệ người Bến Tre. Bao kiếp người đã quen thuộc hình ảnh con phà lênh đênh, tiếng máy phà, tiếng chen chút ồn ào của khách sang sông.

Chị Tú bồi hồi nói: “Hồi đó mình hay bị say xe lắm nên chuyến Phà Rạch Miễu cũng như một trạm dừng chân, giải lao giữa đoạn đường dài. Mỗi lần đi qua phà mặc dù phải mất khá nhiều thời gian, bất tiện nhưng không hề thấy bực bội hay khó chịu. Vì khi lên trên đây cảm giác rất bình yên. Có thể nói, Phà Rạch Miễu như một nét rất riêng của vùng đất Bến Tre”.

Tiếp lời chị Cẩm Tú, anh Lê Quốc Huy, 25 tuổi, quê Đồng Tháp, hiện đang làm việc tại số 628C Xa Lộ Hà Nội, Q.2,TP.HCM  cũng bồi hồi, kể: “Hồi nhỏ đi chơi xa, khi đến gần đến Phà Rạch Miễu là bác tài xế thông báo cho mọi người biết để xuống xe đi bộ lên phà. Mình ấn tượng nhất là “ẩm thực” ở đây rất phong phú. Nhớ nhất cảnh mấy cô, chú chạy lại giới thiệu hàng loạt món như nước suối, trà đá, bánh mì rồi đến các món đặc sản của Bến Tre như kẹo dừa, kẹo chuối, bánh phồng sữa… Còn hai bên đường thì quá trời các món như hủ tiếu, bánh canh, cơm gà…”

Mong trở thành một điểm du lịch

Không chỉ chúng tôi mà còn có nhiều người trẻ đến từ TP.HCM chọn Phà Rạch Miễu về quê đón Tết Tân Sửu 2021 để tránh tình trạng kẹt xe kéo dài.

Đứng trước lan can phà hóng gió, anh Nguyễn Chí Hùng, 33 tuổi, sống trên đường Phạm Ngũ Lão, Khóm 4, P.1, TP.Trà Vinh, tâm tư: “Lâu rồi không có lại cảm giác đứng trên phà nhìn đám lục bình trôi theo dòng nước, từng cơn gió lộng thổi qua người, thật là sảng khoái. Nếu may mắn đi buổi sáng sớm, ngắm được bình minh thì quá tuyệt”.

Rồi anh Hùng còn nói vui: “Tính ra “nhờ” kẹt xe mà mình mới có lại những ký ức về chuyến phà Rạch Miễu”.

Còn  chị Nguyễn Thị Ngọc Thy, 36 tuổi, sống tại xã Bình Hòa, Huyện Giồng Trôm, Bến Tre, cho hay mặc dù quãng thời gian đi phà Rạch Miễu khá lâu, mất đến gần 30 phút nhưng cũng giải quyết được tình trạng kẹt xe từ quốc lộ 60 đi cầu Rạch Miễu để qua Bến Tre hiện nay. Đặc biệt, với chị Thy ,đi phà giúp bản thân xua tan mệt mỏi sau một hành trình dài từ Đồng Nai về Bến Tre.

“Mỗi lần đi phà là mình hay ra đằng trước đứng để đón gió, lúc đó có một cảm giác thật đặc biệt. Nó làm cho mình quên hết những mệt mỏi khi ngồi trên xe, và thật lạ là khi đó mình cảm thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhàng, bình thản. Mình mong phà Rạch Miễu sẽ được giữ lại sau này và trở thành một điểm du lịch sông nước, dù khi có cầu Rạch Miễu 2", chị Ngọc Thy tâm sự. 

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bến Tre   HCM   Hà Nội   Vĩnh Long   du lịch   hành vi   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...