19/10/2020 8:10  
Năm 2007 khi nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ Thông tin và Truyền thông Nhật Bản, nơi tôi chọn đến thăm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên là Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ mình đã bị cuốn hút bởi lịch sử lâu đời, nền văn hóa đặc sắc và những con người năng động.
Trong 13 năm kể từ đó, quan hệ Nhật - Việt đã phát triển vượt bậc trên nhiều phương diện như chính trị, kinh tế, ngoại giao và giao lưu nhân dân. Lần này, tôi quyết định Việt Nam là quốc gia đầu tiên tôi đến thăm sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vì tôi cảm nhận rất rõ khả năng vô tận của mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng như tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, sự qua lại giữa nhân dân hai nước ngày càng sôi động. Lưu lượng qua lại giữa hai nước trong năm 2019 đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện tại có khoảng 410.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, học tập và làm việc dưới nhiều hình thức khác nhau như thực tập sinh kỹ năng, nhân lực có kỹ năng đặc định, du học sinh, điều dưỡng theo chương trình EPA được ký kết giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trong số đó có hai em thực tập sinh kỹ năng của Việt Nam đã bị vây trong cơn bão đổ bộ vào tỉnh Miyazaki vào tháng 9 vừa qua và em Nguyễn Huy Tuấn đã thiệt mạng. Thay mặt nhân dân Nhật Bản, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất.
Hiện nay cả thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà loài người chưa từng trải qua mang tên dịch Covid-19. Mặc dù lưu lượng qua lại giữa người dân hai nước Nhật Bản và Việt Nam tạm thời bị giảm xuống nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để khôi phục việc đi lại song song với việc kiểm soát được sự lây nhiễm.
Việt Nam đang thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thông qua các biện pháp triệt để của chính phủ và sự đoàn kết của người dân. Bài hát rửa tay độc đáo và gần gũi Ghen Cô Vy ra đời đã thể hiện được sức mạnh và niềm tin của người dân Việt Nam sẽ “chiến thắng Covid-19”. Bài hát này đã vượt qua biên giới quốc gia lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới.
Nhật Bản cũng đang hỗ trợ kỹ thuật, vật tư và thiết bị y tế để giúp tăng cường hệ thống y tế và khám chữa bệnh cho Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã và đang đóng góp vào việc ngăn chặn sự lây lan các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ cho Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương của Việt Nam. Tôi mong muốn Nhật Bản và Việt Nam cùng hợp tác để vượt qua Covid-19.
Vào mùa hè năm 2021, chúng tôi quyết tâm tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo như một bằng chứng cho thấy loài người đã chiến thắng dịch bệnh. Tại Thế vận hội Rio de Janeiro năm 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã lập kỳ tích khi giành tấm huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử thi đấu của đội tuyển Việt Nam. Chúng tôi rất mong được chào đón nhiều vận động viên Việt Nam đến Nhật Bản tại Thế vận hội Tokyo sắp tới.
Hướng tới Thế vận hội Tokyo, chúng tôi đang thúc đẩy cơ chế “Thành phố chủ nhà (host town)” để tăng cường giao lưu lẫn nhau giữa các quốc gia tham dự và người dân địa phương về thể thao và văn hóa.
Cách đây mấy hôm, vận động viên cử tạ người khuyết tật Lê Văn Công đã gửi lời nhắn rất tình cảm đến thành phố Kushiro (tỉnh Hokkaido), thành phố chủ nhà tiếp đón vận động viên Việt Nam. Tôi hy vọng rằng Thế vận hội Tokyo sẽ là cơ hội để phát triển hơn nữa giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Tôi tin rằng chuyến thăm của tôi lần này sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước trên nền tảng “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Nhật Bản và Việt Nam được bắt đầu từ năm 2014.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   Nhật Bản   Việt Nam   chiến lược   hợp tác   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...