13/01/2021 11:10  
Nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài trong năm 2021, 2022 sẽ ảnh hưởng nặng nề đến vận tải đường sắt, nguy cơ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) sẽ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 3.200 tỷ đồng.

Theo ĐSVN cho biết, năm 2020, chịu tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 và bão lũ khu vực miền Trung khiến sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, việc triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng gói 7.000 tỷ từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải khi phát sinh hơn 50 điểm chạy chậm hoặc phải phong tỏa khu gian.

Số lượng hành khách đi tàu chỉ bằng 47,5% cùng kỳ, doanh thu vận tải hành khách giảm 51,7% cùng kỳ. Các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã phải giảm, bãi bỏ nhiều mác tàu khách Thống nhất và địa phương.

Năm 2020, hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt không liên quan trực tiếp đến chạy tàu gần như "đóng băng" đã ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) của Công ty Mẹ. Lí do vì đề án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia vẫn đang được các cấp có thẩm quyền xem xét.

Kết quả SXKD hợp cộng toàn ĐSVN năm 2020 đạt thấp. Sản lượng chỉ đạt 6.828,6 tỷ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ. Doanh thu 6.565,1 tỷ đồng, bằng 78,3% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân 8,27 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Cụ thể: Công ty Mẹ, tổng doanh thu đạt 1.713 tỷ đồng, đạt 81,6% so với kế hoạch và bằng 66,6% so với cùng kỳ, dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng. Các công ty vận tải, doanh thu trực tiếp từ vận tải thực hiện được 2.909,8 tỷ đồng, bằng 68,2% so với cùng kỳ và bằng 97,6% kế hoạch do các công ty xây dựng.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên ĐSVN - cho biết: Dự báo, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài trong năm 2021, 2022, ảnh hưởng nặng nề đến vận tải đường sắt, gây lỗ nặng, trong khi không có được cơ chế tháo gỡ, hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, ngành, thì hết năm 2022 cả 2 công ty vận tải mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu. Điều đó có nghĩa Tổng công ty sẽ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 3.200 tỷ đồng trong 3 năm.

Theo ông Minh, ngành đường sắt buộc phải tái cơ cấu, từ tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu nhân sự và mô hình tổ chức.

"Nếu không đánh giá đúng thực trạng sẽ không lựa chọn giải pháp tốt. Giai đoạn 2022, cần tái cơ cấu mạnh mẽ, có những thứ động chạm quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm" - ông Minh nói và nhấn mạnh: "Chúng ta không ở trong giai đoạn hành khách xếp hàng dài mua vé, nên cần giảm định biên, buộc tái cơ cấu ở tất cả các vị trí, sắp xếp các đơn vị phụ thuộc để quản lý các nguồn lực một cách tốt nhất". 

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho hay: Những khó khăn nội tại về hạ tầng là điểm nghẽn để phát triển đường sắt, không thể thay đổi một sớm một chiều trong thời gian ngắn mà cần thời gian dài để đầu tư, quản lý bảo trì. Mặt khác, tái cơ cấu bộ máy Tổng công ty chậm cũng tác động đến nhiều hoạt động quản lý khai thác kết cấu hạ tầng.

Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, Bộ GTVT đang triển khai quy hoạch đường sắt giai đoạn 2021-2030, trong đó có phân kỳ quy mô đầu tư, hoạch định đầu mối hàng hóa, đề xuất danh mục đầu tư ưu tiên.

Về phía đơn vị chủ quản, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - cho rằng ĐSVN đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách, trong khi nguồn lực hạn chế, tài sản được giao quản lý nhiều nhưng khai thác kinh doanh ra tiền gần như không có, nên chủ yếu dựa vào ngân sách; 10 năm qua huy động ngân sách tư nhân rất hạn hẹp.

Bà Hà đề nghị các cấp có thẩm quyền cần sớm phê duyệt Đề án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó nêu rõ Tổng công ty được giao tài sản gì để từ đó có các chính sách thu hút vốn tư nhân.

Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Lãnh đạo   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   quy hoạch   sản xuất   Đường sắt  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...