04/11/2020 8:10  
Mở cửa khách sạn, quán cơm “0 đồng” hỗ trợ các đoàn từ thiện; dùng đò, xe tải chở miễn phí hàng cứu trợ... là cách nhiều người dân tại huyện Lệ Thủy đã và đang làm để hướng về đồng bào vùng lũ.

“Người vận chuyển” hàng cứu trợ miễn phí

Những ngày đồng hành cùng các đoàn từ thiện, hướng về người dân chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), chúng tôi đã may mắn được nghe câu chuyện về chàng trai chuyên chở hàng cứu trợ miễn phí. Nhiều đoàn thiện nguyện còn gọi anh với cái tên theo một bộ phim nổi tiếng “người vận chuyển”.

“Người vận chuyển” mà các đoàn cứu trợ nhắc đến là anh Hoàng Đình Thìn (SN 1988, trú tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ). Anh Thìn vốn là chủ của một sân bóng cho thuê trên địa bàn.

Trong những ngày lũ lịch sử đổ về, nhấn chìm quê hương, anh Thìn đã không màng hiểm nguy, dùng con đò nhỏ của mình để cứu và hỗ trợ được cho rất nhiều người dân chạy lũ.

Khi các đoàn cứu trợ về với huyện Lệ Thủy, nước ngập sâu, anh Thìn đã đưa đò ra Quốc lộ 1A, nơi các đoàn tập kết, để giúp chở hàng, đưa mì tôm, nước uống về tận các thôn, xã ngập sâu, kịp thời chống đói cho bà con.

“Đò của mình nó nhỏ quá, không chở được nhiều mà sợ lật nữa nên mình có nhờ một người hàng xóm đổi đò vì đò của anh ấy lớn hơn. Mình cũng đăng số điện thoại lên, ai cần chở hàng cứu trợ là mình chở hết, phát xong hàng cứu trợ thì đưa đoàn quay lại, hoàn toàn miễn phí”, anh Thìn kể lại.

Trong những ngày mưa lũ đó, anh Thìn cũng không nhớ rõ mình đã chở được bao nhiêu chuyến đò, vận chuyển được bao nhiêu hàng cứu trợ đến tận tay bà con, anh chỉ nhớ suốt 3, 4 ngày lũ, hôm nào anh cũng đi từ sáng sớm và khi trời tối mới trở về.

Anh Thìn cũng cho biết, điều anh lo nhất trong những ngày dùng đò chở các đoàn cứu trợ và thực phẩm, nước uống là nhiều nơi nước xoáy nên rất dễ lật. Thành viên các đoàn thiện nguyện lại không có kinh nghiệm sông nước, dù mặc áo phao nhưng cũng rất nguy hiểm.

Vào ngày 20/10, khi đưa một đoàn thiện nguyện tại TP Đà Nẵng đến thôn Xuân Hồi, xã Xuân Thủy, do sóng to, chiếc đò của anh Thìn suýt bị lật khiến anh và thành viên đoàn thiện nguyện một phen hoảng hốt. Rất may với kinh nghiệm và bình tĩnh xử lý, anh Thìn đã đưa đò vượt qua nguy hiểm.

Sau khi nước rút, hàng cứu trợ không còn phải đi bằng đò, “người vận chuyển”  Hoàng Đình Thìn lại đi mượn xe tải của người thân, bỏ tiền túi đổ xăng, chở hàng hóa và đoàn cứu trợ về cho bà con vùng lũ. Anh giúp các đơn vị tài trợ chở sách vở, đồ dùng học tập cho các trường, nhiệt tình bốc hàng giúp các đoàn. Nhiều đoàn thấy anh Thìn nhiệt tình, vất vả ngỏ ý hỗ trợ quà, thậm chí cả tiền nhưng anh nhất quyết từ chối.

“Các đoàn thiện nguyện họ đã vì bà con quê hương mình lặn lội đường xa, mang hàng cứu trợ về giúp đỡ thì một chút sức mọn của mình có là gì. Giúp các đoàn là giúp dân mình rồi, điều đó làm bản thân mình cũng rất vui”, anh Thìn chia sẻ.

Khách sạn, quán cơm “0 đồng”

Không chỉ anh Thìn, trong những ngày mưa lũ, tại huyện Lệ Thủy cũng xuất hiện rất nhiều tấm lòng nghĩa hiệp. Những mảnh ghép này đã tạo nên câu chuyện tình người trong lũ đầy nhân văn.

Anh Nguyễn Văn Năm, chủ một khách sạn tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy là một trong những điểm sáng đó. Những ngày nước lũ dâng cao, khách sạn và căn nhà ở của gia đình anh Năm chính là nơi trú ngụ an toàn của hàng trăm người dân.

“Bà con được ngư dân dùng thuyền đánh cá cứu khỏi nơi ngập sâu đã về đây ở. Tôi cũng mua gạo, đồ ăn rồi cùng bà con hỗ trợ nhau nấu, có gì ăn đó”, anh Năm nói.

Không chỉ giúp người dân chạy lũ, khách sạn của anh Năm cũng là nơi ở miễn phí cho các đoàn cứu trợ khi về với Quảng Bình; là nơi tập kết hàng hóa trước khi vận chuyển bằng thuyền vào vùng ngập sâu.

Chị Nguyễn Thị Thu Thanh, chủ quán Thanh BBQ tại thị trấn Kiến Giang, cũng chọn cách này làm thiện nguyện. Từ ngày 21/10, sau khi lũ bắt đầu rút đến nay, quán của chị luôn mở cửa và phục vụ đồ ăn miễn phí cho tất cả các đoàn cứu trợ về với huyện Lệ Thủy.

Chị Thanh cho biết, quán của chị đã hỗ trợ được hàng chục đoàn từ thiện. Những ngày cao điểm có từ 5 đến 10 đoàn đến ăn cơm tại quán của chị Thanh, tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Từ việc làm này, gia đình chị Thanh muốn hỗ trợ một phần nhỏ cho các đoàn thiện nguyện, tạo một hình ảnh đẹp về người dân xứ Lệ trong mắt các đoàn cứu trợ nói riêng cũng như người dân cả nước nói chung. Dù khó khăn, bão lũ triền miên nhưng người dân Lệ Thủy luôn đoàn kết, sống chan chứa tình người. Đó cũng là cách người Lệ Thủy nói lời cảm ơn tới các nhà hảo tâm trên cả nước.

Tiến Thành

Nguồn tin: dantri.com.vn


Lệ Thuỷ   hành vi   thực phẩm   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...