11/01/2021 20:10  
Sở hữu những ưu thế riêng về hàng hóa xuất khẩu, nguồn lao động và năng lực sản xuất, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để tạo nên những bứt phá mang tiếng vang toàn cầu thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

"Made in Vietnam" - Giá trị Việt giàu tiềm năng

Nhắc đến Việt Nam, người tiêu dùng quốc tế sẽ thường liên tưởng tới một "cường quốc" về nông nghiệp. Trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới, Việt Nam giữ thứ hạng rất cao, nổi bật nhờ những mặt hàng nông sản nhiệt đới phong phú và năng lực sản xuất sản phẩm với quy mô lớn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đầu năm đạt hơn 30,05 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành chỉ tiêu đem về 41 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm dấu ấn Việt như lụa, mây tre đan, gốm sứ,… cũng có sức hút đặc biệt trên thị trường quốc tế và hiện đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Không chỉ là những vật dụng thuần túy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam khai thác hiệu quả sự tài hoa của những người nghệ nhân lành nghề và xu thế tiêu dùng hướng tới yếu tố thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thời đại mới và qua đó đóng góp đáng kể vào tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tiềm lực "Made in Vietnam" còn đến từ đội ngũ lao động dồi dào với sức trẻ nổi trội: nhân lực trong độ tuổi lao động chiếm tới hơn 76% dân số, thuộc top 3 trong khối ASEAN. Để tận dụng cơ cấu dân số vàng hiện có, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được ưu tiên chú trọng và đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực, trong đó Chỉ số đào tạo nghề năm 2019 đã tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng trong Báo cáo cạnh tranh năng lực toàn cầu, gia tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với bạn bè quốc tế.

Một lợi thế khác đã và đang tạo đà cho các sản phẩm "Made in Vietnam" vươn tầm châu lục chính là năng lực sản xuất mạnh. Vào tháng 11/2018, chỉ số quản lý thu mua PMI của Việt Nam đã dẫn đầu các nước Đông Nam Á với số điểm thuyết phục 56,5. Việt Nam cũng là một trong những nước thuộc nhóm MITI-V bao gồm 5 nước châu Á Thái Bình Dương là Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và được kỳ vọng sẽ lọt top 15 quốc gia có mức cạnh tranh của ngành sản xuất cao nhất trong vòng 5 năm tới.

Bàn đạp vững chắc cho khát vọng "hàng Việt vươn ra thế giới"

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thương mại điện tử được coi là kênh xuất khẩu lý tưởng cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ "lấn sân" sang các thị trường nước ngoài, nâng cao vị thế thương hiệu sánh ngang cùng các "ông lớn" trong ngành với mức vốn đầu tư vô cùng hợp lý. Đặt trong bối cảnh hậu COVID-19, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành trạng thái "bình thường mới" của nền thương mại điện tử, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 431/QĐ-TTg nhằm đẩy mạnh phát triển ngành thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch và tăng tốc độ thông quan hàng hóa, giúp người bán hàng tối ưu hóa quy trình xuất khẩu so với mô hình truyền thống.

Là tập đoàn dẫn đầu lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu, với hơn 185 trung tâm hoàn thiện đơn hàng nhằm hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 200 quốc gia và khu vực, Amazon tạo bệ phóng cho các doanh nghiệp hiện thực hóa tham vọng "Go Global" - đưa thương hiệu vươn ra biển lớn.

Ra mắt tại Việt Nam vào tháng 10/2019, đội ngũ Amazon Global Selling (AGS) hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với hàng triệu khách hàng quốc tế, mở rộng quy mô kinh doanh ra thế giới, tăng cường khả năng cạnh tranh, phá vỡ các rào cản địa lý và bắt kịp các xu hướng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Với sự hỗ trợ chuyên nghiệp và nhanh chóng từ AGS, các doanh nghiệp tiềm năng tại Việt Nam được trau dồi kiến thức chuyên môn liên quan tới việc bán hàng trên trang Amazon và các giải pháp toàn diện về xuất khẩu, bao gồm công tác logistics, thanh toán trực tuyến quốc tế, đăng ký tài khoản, tạo danh sách mặt hàng, vận hành tài khoản, v.v.; từ đó tiếp cận trực tiếp hàng triệu tài khoản người mua trên nhiều thị trường khác nhau của Amazon, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản và mới đây là Singapore.

Thấu hiểu những khó khăn trong việc thành lập văn phòng tại nước ngoài và điều hành bộ máy nhân sự xuyên quốc gia khi tham gia thị trường thương mại quốc tế, dịch vụ Fulfillment by Amazon (FBA) đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lưu trữ hàng hóa tại kho hàng của Amazon trên toàn cầu. Người bán sẽ bớt gánh nặng cho các công đoạn đóng gói, vận chuyển và chăm sóc khách hàng. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể tập trung tuyệt đối vào công tác nghiên cứu nhu cầu khách hàng và phát triển chiến lược kinh doanh để gia tăng doanh số.

Chính thức đưa thương hiệu cà phê quốc dân lên Amazon từ tháng 6/2020, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, chia sẻ: "Việc đẩy mạnh kinh doanh trên Amazon đưa đến tiềm năng quảng bá thương hiệu Việt Nam trên quy mô toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở cơ hội tiếp cận nguồn khách hàng dồi dào tại các thị trường khác nhau, Amazon đã hỗ trợ chúng tôi mở rộng phạm vi kinh doanh, đáp ứng những nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng quốc tế. Rất nhiều công cụ đổi mới và dễ sử dụng trên Amazon như Đăng ký thương hiệu, Nội dung A+, Amazon Vine, đã giúp chúng tôi nhanh chóng quảng bá thương hiệu và nhận được sự công nhận của khách hàng.

Trường Thịnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Nhật Bản   Tập đoàn   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   doanh nghiệp   dịch vụ   logistics   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...