17/04/2021 8:46  
Content_lblContentHtml">

Các định chế tài chính có tầm quan trọng trong hệ thống trên thế giới

Theo Ủy ban Ổn định tài chính, các định chế tài chính có tầm quan trọng trong hệ thống (SIFI) là các tổ chức tài chính mà sự sụp đổ của nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống tài chính và hoạt động kinh tế do quy mô, mức độ phức tạp và tính liên kết hệ thống của các định chế này.

Ở cấp độ quốc tế, Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng (BCBS) đã đưa ra phương pháp luận để định danh một dạng SIFI đặc biệt, gọi là ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống toàn cầu (G-SIB), và một bộ nguyên tắc để hướng dẫn các cơ quan chức năng của các quốc gia định danh ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống trong nước (D-SIB).

G-SIB được xác định dựa trên các tiêu chí chính: (1) phạm vi hoạt động giữa các quốc gia; (2) tính liên kết với nhau; (3) quy mô; (4) khả năng thay thế của sản phẩm, dịch vụ; và (5) mức độ phức tạp.

Các ngân hàng có thể được phân loại là D-SIB bởi các cơ quan giám sát tài chính quốc gia của ngân hàng, hoặc bởi cơ quan giám sát của quốc gia mà công ty con hoặc chi nhánh của ngân hàng đó hoạt động. Ngoài ra, ngân hàng được định danh là G-SIB cũng có thể được phân loại là D-SIB ở bất kỳ quốc gia nào mà ngân hàng đó hoạt động. Tuy nhiên, một ngân hàng có các hoạt động ở quy mô toàn cầu lớn nhưng không có hoạt động đáng kể ở bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào cũng có thể được phân loại là G-SIB, mà không phân loại là D-SIB.

Nhìn chung, các ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống (SIB) nắm giữ nhiều tài sản hơn, có quy mô vốn chủ sở hữu nhiều hơn, phải thực hiện stress test (kiểm tra sức chịu đựng) chuyên sâu hơn và có các kế hoạch dự phòng phức tạp để chuẩn bị cho khả năng sụp đổ. Ở góc độ quản lý, các SIB phải tuân thủ các tiêu chuẩn mới về vốn chủ sở hữu cũng như tính thanh khoản của tài sản có điều chỉnh theo rủi ro.

Riêng đối với các G-SIB thì còn chịu thêm một tiêu chuẩn thứ ba gọi là yêu cầu kèm thêm (G-SIB surcharge). Ý tưởng đằng sau yêu cầu kèm thêm này là các ngân hàng có quy mô “quá lớn để có thể sụp đổ” hoặc phải tích lũy thêm vốn (để giảm khả năng sụp đổ) hoặc giảm bớt tài sản (để thu hẹp quy mô). Chẳng hạn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) yêu cầu các G-SIB nắm giữ một lượng nợ nhất định như một tuyến phòng thủ thứ hai sau tấm đệm vốn chủ sở hữu được gọi là khả năng hấp thụ tổn thất toàn bộ (TLAC).

Ngoài ngân hàng, SIFI còn được định danh cho các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Nếu một SIFI sụp đổ thì các cơ quan quản lý sẽ sử dụng các công cụ được trao để xử lý những tổn thất của nó để không ảnh hưởng đến hệ thống.

Nhìn chung, không tổ chức tài chính nào muốn trở thành một SIFI bởi vì nó sẽ chịu nhiều quy định và phải đáp ứng nhiều yêu cầu hơn.

Một số nhận định về các SIB tại Việt Nam

Ngày 22-3-2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 397/QĐ-NHNN phê duyệt Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2021 bao gồm 17 ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng này sẽ chịu sự giám sát được hướng dẫn tại sổ tay giám sát ngân hàng do Thống đốc NHNN ban hành. Những nội dung trọng tâm giám sát trong sổ tay được quy định tại khoản 14 điều 3 Thông tư 08/2017/TT-NHNN. Như vậy, cơ quan thanh tra sẽ có các đánh giá riêng phục vụ cho công tác quản lý chứ không phải là cung cấp thông tin cho thị trường.

Xét về quy mô của nhóm SIB, bốn ngân hàng có quy mô tài sản trên 1 triệu tỉ đồng đều có vốn nhà nước và thấp nhất là MSB với quy mô tài sản hơn 176.000 tỉ đồng. Ngoài ra, có sự chênh lệch đáng kể về quy mô tài sản giữa các SIB, khi giá trị bình quân và giá trị trung vị tài sản của các SIB lần lượt là 615.488 tỉ đồng và 439.603 tỉ đồng.

Sau đây là một số nhận định của chúng tôi về các SIB tại Việt Nam qua một số chỉ tiêu tài chính chủ yếu(1).

Đối với tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tài sản, nhìn chung, các ngân hàng có xu hướng gia tăng vốn chủ sở hữu qua các năm nhằm tăng thêm đệm phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều trong nhóm SIB. SCB là ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tài sản thấp nhất và có chiều hướng sụt giảm qua các năm, đây là một vấn đề đáng lưu ý đối với khả năng đảm bảo an toàn vốn của SCB.

Tỷ lệ trích lập dự phòng nhìn chung ổn định và trung bình dưới 1,5% tổng cho vay khách hàng. Sự biến động giữa các năm không nhiều, duy chỉ có sự tăng vọt đáng kể của VCB trong năm 2020, chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nhóm SIB có xu hướng giảm qua các năm. Mặc dù trải qua năm 2020 nhiều biến động nhưng các ngân hàng nhóm SIB vẫn duy trì khả năng quản lý các khoản cho vay tốt, phần lớn tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nhóm SIB đều giảm.

Chi phí hoạt động của các ngân hàng nhóm SIB nhìn chung giảm qua các năm, thể hiện khả năng quản trị chi phí của nhóm SIB tốt hơn. Biên lãi ròng của các ngân hàng nhóm SIB tăng đều qua các năm. Trong năm 2020, biên lãi ròng của phần lớn các SIB đều tăng, chỉ có 6 SIB bị giảm chỉ tiêu này (BID, MBB, LPB, SEABANK, VPB, VCB).

Tuy nhiên, thanh khoản của nhóm SIB có chiều hướng giảm, thể hiện qua việc giảm các tài sản có độ thanh khoản cao. Điều này cho thấy các ngân hàng đang tập trung vào các nhóm tài sản khác mang lại khả năng sinh lợi cao hơn. Nhưng việc sụt giảm tài sản thanh khoản cũng sẽ khiến các ngân hàng gia tăng rủi ro, đặc biệt khi xảy ra các cú sốc.

Các tiêu chí để xếp 17 ngân hàng vào danh sách SIB không được công bố và NHNN chỉ cho biết các ngân hàng trên đang chiếm 70% hệ thống theo cách tính trong Thông tư 08/2017/TT-NHNN và sổ tay giám sát ngân hàng được Thống đốc NHNN ban hành. Theo chúng tôi, việc NHNN đưa ra danh sách các ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống là phù hợp với thông lệ thế giới, tuy nhiên, trong tương lai có lẽ các tiêu chí phân loại SIB cần được tiếp tục hoàn thiện. Các ngân hàng được đưa vào danh sách SIB sẽ được một số lợi thế nhất định cho bản thân ngân hàng như gia tăng sự nhận biết của khách hàng. Nhưng đồng thời, cũng đem đến các thách thức cho ngân hàng như: (1) gia tăng chi phí vốn; (2) đòi hỏi ngân hàng cần có những thay đổi cấu trúc và chiến lược hoạt động; (3) phải đáp ứng các vấn đề tuân thủ; và (4) vấn đề thanh khoản.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

(1) Số liệu Agribank tính đến hết quí 2-2020.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   Kinh tế   NHNN   TPHCM   Việt Nam   chiến lược   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...