17/04/2021 19:07  
Đây cũng là dự án nằm trong chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững và hướng tới xuất khẩu của các tập đoàn này.
Tham dự có tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ của Vương quốc Hà Lan, Đại sứ Vương quốc Bỉ, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh khu vực phía nam… và lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao việc đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi Bel Gà cùng với Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty Koyu Unitek và đây là “hướng đi mới cho địa phương và toàn khu vực” trong thu hút đầu tư, áp dụng công nghệ cao, có chiến lược phát triển chăn nuôi tạo sản phẩm có giá trị. Đặc biệt, đầu tư hệ thống chuỗi sản xuất khép kín giúp nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm…
Ống Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND Tây Ninh nhấn mạnh, dự án là minh chứng cho nỗ lực tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, nông nghiệp là một trong “4 mặt trận” chủ lực để phát triển kinh tế của tỉnh. “Các nhà đầu tư đã chọn Tây Ninh để thực hiện dự án. Họ là những con người luôn nói thật, làm thật và chúng tôi tin rằng thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh Tây Ninh”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Đây là nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao thứ 2, sau nhà máy ở tỉnh Lâm Đồng, được Bel Gà xây dựng tại Việt Nam, tổng đầu tư 200 tỉ đồng trên khuôn viên rộng 15 ha. Trong giai đoạn 1, nhà máy ấp trứng gia cầm Bel Gà Tây Ninh có công suất 19 triệu con gà giống mỗi năm. Giai đoạn 2, nhà sẽ được mở rộng quy mô sản xuất lên 38,4 triệu con gà giống mỗi năm.
Ông Kris Van Daele, Tổng giám đốc Bel Gà Việt Nam và Campuchia cho biết: “Đến ngày 21.4 tới, lứa gà gống đầu tiên theo tiêu chuẩn châu Âu sẽ chào đời ở nhà máy này. Chúng tôi cam kết sản phẩm gà giống hướng trứng và hướng thịt tốt nhất để cung cấp cho thị trường. Nhà máy này giúp tăng chất lượng gà giống, giảm áp lực cho gà con do vận chuyển đường dài, bởi từ Tây Ninh thời gian vận chuyển gà giống đến các khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 4-5 giờ và đến Campuchia chỉ còn trong 1 giờ đồng hồ. Ngoài ra, khoảng cách từ Tây Ninh đến TP.HCM cũng rất ngắn nên có thể vận chuyển gà giống bằng đường hàng không nhanh nhất ra miền Bắc, đây là cơ sở tiền đề cho việc phát triển kinh doanh của Bel Gà ở khu vực phía bắc Việt Nam...”.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn thông tin, ngoài nhà máy ấp gà đặt trong Khu công nghiệp Thành Thành Công, tại tỉnh Tây Ninh, Công ty Bel Gà, Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn và các đối tác chiến lược đã lựa chọn được vị trí thuận lợi tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu và xã Phước Bình, huyện Trảng Bàng để tiếp tục đầu tư xây dựng 1 tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: 2 trang trại gà bố mẹ có công suất 25 triệu trứng/năm, 250 trang trại chăn nuôi gà thịt an toàn có công suất 25 triệu gà thịt/năm và một tổ hợp các nhà máy sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Tổng mức đầu tư cho các dự án dự kiến khoảng 141,5 triệu USD (tương đương khoảng 3,325 tỉ đồng).
Tại lễ khánh thành, các nhà đầu tư dự án Bel Gà cũng đã tặng 500 triệu đồng cho quỹ phòng chống Covid-19 tỉnh Tây Ninh, tặng 1 xe cứu thương trị giá 1 tỉ đồng cho Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Tây Ninh và tặng 300 triệu đồng cho Quỹ vì người nghèo của thị xã Trảng Bàng để xây nhà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng số giá trị tài trợ là 1,8 tỉ đồng.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Nông nghiệp   Tập đoàn   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...