14/10/2020 10:20  
Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy đa số người Mỹ tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố ngày 13/10, 4/5 chuyên gia về an ninh quốc gia và các lĩnh vực khác tại châu Á, châu Âu và Mỹ tin rằng Washington sẽ giành chiến thắng trong một cuộc xung đột với Trung Quốc ở thời điểm này.

Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm một nửa khi được hỏi về bên chiến thắng nếu xảy ra xung đột Mỹ - Trung trong một thập niên nữa. Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự, dù Mỹ vẫn là nước dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực. 

Cuộc khảo sát được thực hiện đối với công chúng Mỹ và chuyên gia từ các cộng đồng doanh nghiệp, học thuật, nhân quyền và an ninh quốc gia. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 8 trên 1.000 người thuộc công chúng Mỹ và 440 chuyên gia.

Theo SCMP, báo cáo của CSIS với tên gọi Định hình Tương lai Chính sách của Mỹ với Trung Quốc cũng cho thấy sự ủng hộ tương đối rộng rãi của các chuyên gia về việc cấm Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, tham gia mạng lưới 5G, ngay cả khi có nhiều khuyến nghị cho rằng nên tương tác có chọn lọc với Trung Quốc và không tuân theo chiến lược “cắt đứt” quan hệ với Bắc Kinh của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

“Người Mỹ và những nơi khác trên thế giới đã từ bỏ ý tưởng thay đổi Trung Quốc để nước này trở thành một nền kinh tế thị trường tự do. Thực tế, chúng tôi muốn Trung Quốc tuân thủ theo tinh thần của hệ thống quốc tế, bao gồm việc có đi có lại. Và mọi người không muốn Trung Quốc tiếp tục sử dụng hệ thống kinh tế chỉ có lợi cho họ”, Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại CSIS, cho biết.

Kết quả cuộc khảo sát của CSIS cho thấy 71% chuyên gia Mỹ và 42% công chúng Mỹ tin rằng việc chính quyền Trump phụ thuộc vào những lời đe dọa, thuế quan và các công cụ khác để đáp trả các chính sách kinh tế của Trung Quốc đã làm tổn hại đến chính lợi ích của Washington.

Khi được hỏi cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc như một mối đe dọa tới an ninh quốc gia, 4/5 chuyên gia Mỹ, 3/4 chuyên gia ở nước ngoài và 45% công chúng Mỹ cho biết họ tin rằng, hợp tác với các nước có cùng chí hướng là cách tiếp cận tốt nhất. Tuy nhiên, điều này trái ngược với sự mất niềm tin của Tổng thống Trump vào chủ nghĩa đa phương cũng như việc ưu tiên cho các chính sách "Nước Mỹ là trên hết".

Mặc dù nhiều người châu Á tin quân đội Mỹ sẽ giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc hơn người châu Âu, nhưng phần lớn cho rằng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang là rất thấp.

“Hầu hết người Mỹ và chuyên gia tại Mỹ, châu Á, và châu Âu cho rằng chiến tranh với Trung Quốc có thể xảy ra, nhưng khả năng thấp”, báo cáo của  CSIS nhận định.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự ủng hộ tương đối mạnh mẽ của công chúng Mỹ đối với việc bảo vệ các đối tác của Washington tại Biển Đông, Đài Loan trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Theo Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS, “ngày càng nhiều lo ngại tại Mỹ về Trung Quốc và những thách thức từ Trung Quốc” cũng như sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng Mỹ dành cho Đài Loan.

Căng thẳng trên nhiều mặt trận

Mặc dù khảo sát của CSIS cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ cả ở Mỹ và nước ngoài về việc các đồng minh nên phối hợp cùng nhau để đối phó Trung Quốc, song đây có thể là một thách thức.

“Đàm phán một cách tiếp cận mang tính liên minh vô cùng phức tạp”, Rush Doshi, giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc Brookings, nhận định.

Giới phân tích cảnh báo chính sách của Mỹ sẽ ngày càng mạnh tay hơn nếu Washington không thành công trong việc hợp tác với các đồng minh, bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ, cải tiến, bảo vệ an ninh quốc gia và đối phó với Trung Quốc ngay cả khi Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các chính sách cứng rắn.

Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng trong hàng loạt vấn đề, từ thương mại, dịch Covid-19, Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong cho tới các vấn đề an ninh. Hai nước cũng liên tục trả đũa nhau về thương mại, đóng cửa lãnh sự quán và công kích nhau về đại dịch Covid-19.

Giới phân tích nhận định mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong giai đoạn xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong khi các chính sách mang tính chủ nghĩa dân tộc của cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình khiến quan hệ song phương thêm căng thẳng, nhiều vấn đề về kinh tế và an ninh đã châm ngòi cho mâu thuẫn Mỹ - Trung trong suốt thập niên qua.

Theo Sputnik, trong báo cáo được công bố ngày 6/10, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết Washington coi Trung Quốc là một trong những đối tượng nằm trong các mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ, hồi tháng 9 cáo buộc Trung Quốc tìm cách làm suy yếu trật tự quốc tế và coi Bắc Kinh là “mối đe dọa chiến lược”. 

Hồi tháng 7, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray gọi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách vượt Mỹ để trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới bằng một chiến dịch “đánh cắp và gây ảnh hưởng”. Tổng thống Trump năm 2019 từng cáo buộc Trung Quốc là mối đe dọa với thế giới vì nước này đang phát triển lực lượng quân sự với tốc độ nhanh chóng. 

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley năm 2019 cũng cảnh báo Trung Quốc là mối đe dọa chính với Washington trong 50-100 năm nữa sau khi Bắc Kinh học được nhiều bài học từ các cuộc chiến của quân đội Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng trước tuyên bố không phải Nga mà Trung Quốc mới là thế lực nước ngoài gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ. Ông Pompeo cho biết ưu tiên lớn nhất của chính quyền Trump là giúp người Mỹ hiểu mối đe dọa Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Donald Trump   Huawei   Trump   Trung Quốc   Tương lai   Tổng thống   chiến lược   chuyên gia   chính quyền Trump   chính sách   căng thẳng   doanh nghiệp   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...