25/01/2021 5:05  
Đó là mục tiêu rất rõ ràng, nhưng cũng đầy thử thách. Mức thu nhập bình quân của chúng ta tới cận kề Đại hội XIII của Đảng là 2.750 USD - mức thu nhập trung bình thấp. So với 35 năm trước, khi chúng ta bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, khi thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chỉ là 100 USD, thì mức 2.750 USD là một bước tiến dài. Tuy vậy, để đạt mục tiêu trong vòng 25 năm tới, mức thu nhập tăng lên 4,5 lần, đạt đến ngưỡng “thu nhập cao” vẫn là một chặng đường rất xa.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, khi thông tin về những nội dung mới của Văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã khẳng định: “Không có lý do gì Việt Nam không thể lập nên những kỳ tích kiểu “thần kỳ Nhật Bản”, “kỳ tích sông Hàn”... được”. Trong lời hiệu triệu ở những dòng cuối của Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII cũng khẳng định, với hướng đi đúng, với khát vọng, quyết tâm, Việt Nam hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích phát triển mới.
Đúng là không có lý do gì để nghi ngờ về một “kỳ tích sông Hàn” hay “thần kỳ Nhật Bản” ở Việt Nam. Tuy vậy, trước mắt chúng ta là rất nhiều thử thách.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, Phó chủ nghiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, tại Nhà Quốc hội khi phân tích về nguyên nhân vì sao Việt Nam vẫn chưa thể “hóa rồng, hóa hổ” như mong đợi, đã cho rằng trong 35 năm qua, chúng ta đi được nhiều bước, song đó là những bước ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới - dù bước chậm nhưng lại đi được những bước dài hơn.
Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII lần này 12 định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 10 năm tới với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược. Trong đó, dù có nhiều nội hàm mới, cả 3 đột phá chiến lược, từ thể chế, nguồn nhân lực cho tới hạ tầng đều đã được xác định từ các văn kiện Đại hội XI, cách đây 10 năm.
Nhiều chuyên gia đều có chung một nhận định, rằng để tạo đột phá cần tập trung vào những điểm “nghẽn”, điểm “vướng” nhất. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người trăn trở với những cải cách thể chế nhà nước thì cho rằng giải pháp cho mọi điểm nghẽn thể chế nằm chính ở con người tài năng trong bộ máy công vụ.
Trong khi đó, GS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, cho rằng nguồn nhân lực của chúng ta trong suốt thời gian dài không tạo được đột phá vì từ việc lựa chọn, đãi ngộ cho tới sử dụng vẫn còn nhiều bất cập. Thay đổi tư duy sử dụng con người mới là cách để tạo sự đột phá...
Hẳn nhiên, còn rất nhiều điểm “nghẽn” cần phải nhận diện. Song, có một điều chắc chắn rằng, để Việt Nam có thể tạo nên kỳ tích, để Việt Nam có thể “hóa rồng, hóa hổ”, cần có tư duy thực sự đột phá, thực sự là “kỳ tích” để chúng ta có thể bước những bước dài hơn. Chỉ khi đó, mới có thể “cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc 5 châu”.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Nhật Bản   Tài chính   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...