31/12/2020 11:05  

Số lỗ kỷ lục 

Từ 1.1.2021, ông Lê Hồng Hà, người từng giữ cương vị Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) 8 năm qua (từ 2012) sẽ chính thức đảm nhận cương vị Tổng giám đốc Vietnam Airlines. Đáng chú ý, sự thay đổi nhân sự theo xu hướng trẻ hoá đang diễn ra ở quy mô khá rộng với VNA khi dàn lãnh đạo cũ dày dạn kinh nghiệm đã và sắp đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ.
Ông Hà và ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT (được bổ nhiệm tháng 8.2020) đều 48 tuổi (sinh năm 1972). Ông Lê Hồng Hà đảm nhận vị trí Tổng giám đốc thay ông Dương Trí Thành, trong khi ông Đặng Ngọc Hoà thay vị trí của ông Phạm Ngọc Minh - đây đều là những lãnh đạo kỳ cựu đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng, đổi mới của VNA.
Tuy nhiên, thách thức với cả tân Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc VNA là rất lớn, gồm cả khó khăn chung của thị trường và thách thức riêng. Năm 2020, doanh thu hợp nhất của VNA vượt so với kế hoạch, song số lỗ hợp nhất dự kiến hơn 14.400 tỉ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử phát triển của VNA. Mức lỗ được kỳ vọng sẽ giảm khoảng 2.800 tỉ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Sắp tới, VNA sẽ sử dụng 8.000 tỉ đồng từ việc phát hành cổ phiếu (cổ đông nhà nước là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC thay mặt Chính phủ mua lại) để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng.
Tuy nhiên, để gỡ khó khăn, VNA vẫn đang tiếp tục kêu gọi các cổ đông khác ngoài nhà nước cho hãng vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản. Trước đó, hồi tháng 10.2020, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán của VNA cũng xác nhận, các khoản vay ngắn hạn đang tăng lên, nợ quá hạn được giãn hoãn cũng tăng tương ứng, gây khó khăn cho thanh khoản.
Cùng với việc phải xây dựng được kế hoạch, giải pháp giúp VNA thích nghi với bối cảnh “bình thường mới”, giảm lỗ, giảm nợ, tân lãnh đạo VNA cũng phải đối mặt với bài toán khôi phục dần thu nhập của người lao động vốn sụt giảm rất mạnh trong năm 2020.

Giữ thị phần, kinh doanh xanh

Cũng như các hãng hàng không khác, lãnh đạo VNA sẽ phải co kéo để giảm lỗ về mức thấp nhất trong năm 2021, để giảm thiểu nguy cơ mất thanh khoản dòng tiền. Dù vậy, với dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ vẫn ở thì tương lai xa. Doanh thu của VNA cũng như các hãng còn lại đều trông chờ vào thị trường nội địa, bởi vậy, cuộc cạnh tranh giành giật thị phần nội địa càng trở nên khốc liệt hơn.
Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) đặt mục tiêu giữ thị phần số 1 thị trường nội địa (trên 50% thị phần nội địa). Tuy nhiên, bên cạnh “đối thủ” truyền thống là Vietjet Air, thị phần nội địa cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi Bamboo Airways và tân binh Vietravel Airlines.
Vốn là một trong những khách hàng lớn khi cung ứng lượng khách du lịch, việc Vietravel tự thành lập hãng hàng không sẽ kéo đi một lượng khách đáng kể của các hãng hàng không còn lại, trong đó có cả Vietnam Airlines. Với Vietjet, hãng này vẫn luôn duy trì tốc độ gia tăng đáng kể trên thị phần nội địa với tỷ lệ trên 40% nhiều năm nay, nhờ chính sách giá phần lớn rẻ hơn các đối thủ trên cùng chặng bay.
Bamboo Airways cũng đang trên đà tăng tốc đầu tư đội máy bay, mở rộng mạng đường bay nội địa với tham vọng đạt 30% thị phần nội địa. Đặc biệt, việc hãng này mở đường bay thẳng Côn Đảo - Hà Nội không chỉ kích cầu du lịch cho Côn Đảo, mà còn lấy bớt đi một lượng khách đáng kể trên đường bay độc quyền nhiều năm nay của Vasco - công ty con của VNA.
Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giành giật miếng bánh nội địa trong khi quốc tế chưa thể khôi phục về bản chất là cuộc chạy đua giảm giá, mà các hãng không được hưởng lợi nhiều. Điều này đã xảy ra trong đợt kích cầu đi lại những tháng sau Covid-19, khiến lượng hành khách nội địa tăng kỷ lục tháng 6-7, song doanh thu thực tế của các hãng không tăng là bao.
Dù vậy, với những ưu thế sẵn có như đội ngũ phi công tiếp viên, đội máy bay hiện đại hơn 100 chiếc, mạng bay nội địa rất rộng..., khả năng duy trì thị phần số 1 thị trường nội địa của VNA Group trong năm 2021 là hoàn toàn có thể. Nhưng để giữ được thị phần nội địa hơn 50% trong nhiều năm tới lại cần đến nỗ lực rất lớn từ những lãnh đạo mới của Vietnam Airlines.
Xử lý lỗ, giữ thị phần và theo các chuyên gia để phát triển đột phá, bền vững hơn thì Vietnam Airlines phải định hướng chiến lược kinh doanh xanh, từ chuỗi cung ứng đến đường bay đều phải "xanh hoá". Tức chú trọng đầu tư đội máy bay thế hệ mới, được trang bị công nghệ hiện đại như: Boeing 787-9, Airbus A350-900, Airbus A321neo với khả năng tiết kiệm 20-25% nhiên liệu, giảm 20-30% lượng khí thải so với các tàu bay cùng chủng loại như Boeing 777-200ER, Airbus A330, Airbus A320/A321...
Xu hướng phát triển bền vững trong ngành hàng không đang được nhiều hãng bay trên thế giới hưởng ứng. Việc đầu tư khai thác đội máy bay hiện đại và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường là lộ trình phát triển bền vững cũa bất cứ hãng bay nào. 

Nguồn tin: thanhnien.vn


Airbus   Airlines   Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Tài chính   Xu hướng   chiến lược   chuyên gia   chính sách   du lịch   kế toán   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...