08/12/2020 9:10  
Trung bình 1.000 cây sương sâm hái được 100 kg lá, giúp gia đình anh Long thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ tháng. Đây là cũng là cây trồng mới trong thời điểm sản xuất cà phê, hồ tiêu gặp khó khăn.

Theo anh Trần Đức Long (26 tuổi, trú xã Đắk Som, huyện Đắk G'Long) hiện là chủ nhân của gần 5 sào trồng sương sâm (loại cây lấy lá để làm đồ uống giải khát) tại xã vùng cao Đắk Som.

Theo anh Long, khi các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu có giá cả biến động bất lợi, gia đình anh đã chuyển đổi sang trồng cây sương sâm. Đây là cây trồng mới, dù mới được trồng vài tháng nay nhưng đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Năm 2016, gia đình anh Long từ Đồng Nai đến xã Đắk Som lập nghiệp với hơn 4 ha đất sản xuất. Trên diện tích này, anh Long trồng cà phê và hồ tiêu tiêu, trồng xen cây ăn trái.

Sau nhiều năm chăm sóc, thấy cà phê, tiêu chỉ cho thu mỗi năm 1 lần, chi phí sản xuất lớn nhưng lợi nhuận thu về thấp. Ngoài ra, những năm gần đây giá hồ tiêu, cà phê liên tục xuống thấp khiến nguồn thu từ những cây trồng này không được đảm bảo.

Năm 2019, anh Long tìm hướng mới và chọn cây sương sâm để đầu tư sản xuất.

Anh Long về lại Đồng Nai tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và đem giống sương sâm về trồng thử nghiệm. Dù mới trồng thử nhưng cây sương sâm phát triển tốt, cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây.

Anh Long chia sẻ, ưu điểm lớn nhất là chi phí đầu tư chăm sóc ít, thời gian trồng chỉ sau 4 tháng đã có thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt thì tuổi thọ cây sương sâm từ 2 - 4 năm. Sương sâm cho thu hoạch mỗi tháng 1 lần, kéo dài 15 ngày giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

"Khi cây trưởng thành và cho thu hoạch thì không tốn nhiều công chăm sóc. Cây sương sâm ít sâu bệnh, nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện bệnh chết dây để kịp thời xử lý", chủ vườn sâm sâm rộng gần nửa hecta chia sẻ.

Nguyên tắc cơ bản để cây phát triển xanh tốt là đất trồng phải tơi xốp và nguồn nước tưới đầy đủ. Cây cần nhiều nước nhưng không chịu được úng nên phải bảo đảm thoát nước kịp thời vào mùa mưa. Vì là cây dây leo, trồng để lấy lá nên cần phải làm giàn cho cây leo và ngăn ngừa sâu ăn lá.

Trồng sương sâm tốn ít chi phí, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, không mất thời gian chăm sóc lại cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vì mới "khởi nghiệp" bằng loại cây này, nên thời gian đầu vì chưa có kinh nghiệm nên tỉ lệ cây chết nhiều.

Sau khi trồng 4 tháng, cây sương sâm bắt đầu cho thu hoạch lá. Loại cây trồng này cho thu hoạch quanh năm, chỉ cần bón phân và tưới nước hiệu quả, đặc biệt chăm sóc, bắt ngọn thời điểm cây leo lên giàn.

"Trung bình, 1000 cây cho thu hoạch khoảng 100 kg lá với giá khoảng 60.000-70.000 đồng/kg. Hiện tại toàn vườn có 7.000 gốc và gia đình đang nhân giống, mở rộng thêm. Với sương sâm hiện có, gia đình tôi có thu nhập tầm 30 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí", anh Long cho biết.

Hiện tại mô hình trồng cây sương sâm mang lại thu nhập ổn định cho hai vợ chồng. Chính vì thế, trong thời gian tới khi mở rộng diện tích, anh hy vọng sẽ tạo việc làm cho một số lao động địa phương, tiến xa hơn là trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật để thanh niên tại chỗ cùng phát triển kinh tế.

Được biết, mô hình được Huyện đoàn Đắk G'Long đánh giá là phù hợp với điều kiện của đoàn viên thanh niên địa phương, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số. Trước hiệu quả từ mô hình mới này, Đoàn xã Đắk Som đã nhiều lần tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham gia thăm quan, chuyển giao kỹ thuật mô hình trồng sương sâm.

Theo đánh giá của Huyện đoàn Đắk G'Long, vườn trồng sương sâm của anh Long giúp là mô hình thanh niên làm giàu trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Huyện đoàn Đắk G'Long đã tổ chức các đợt thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để chuyển giao kỹ thuật, liên kết nhân rộng, giúp nhiều thanh niên xây dựng mô hình kinh tế này.

Dương Phong

Nguồn tin: dantri.com.vn


Khởi nghiệp   làm giàu   sản xuất   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...