18/12/2020 8:40  
Đầu tuần qua, sự kiện triển lãm - dự án với tên gọi Long Biên Art Fair được khai trương tại Trung tâm thương mại Mipec (Ngọc Thụy, Long Biên) đã đánh dấu một địa điểm tiếp cận mới của nghệ thuật với công chúng. Cùng với nhiều khu nghệ thuật khác mới hình thành tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội, công chúng đã dần quen trung tâm thương mại không chỉ để mua sắm, mà còn là nơi cho những sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật.
Nghệ thuật bên kia cầu Long Biên

Long Biên được coi là khu vực nghệ thuật của Hà Nội. Khu vực Ngọc Thụy, Ngọc Lâm… được gọi là làng nghệ sĩ. Nói như nghệ sĩ Bùi Việt Bằng – Trưởng Ban tổ chức Long Biên Art Fair: Các xưởng tranh, xưởng điêu khắc được các nghệ sĩ chủ nhân giới thiệu là “cứ qua cầu Long Biên là tới xưởng tôi”. Tuy vậy, người dân trong khu vực quận Long Biên không có nhiều cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật. Ngoài những dịp hãn hữu, nhiều năm trước, hòa với đám đông đi xem nghệ sĩ Đào Anh Khánh diễn Đáo Xuân, hoặc thỉnh thoảng có thấy các phương tiện chở tượng, chở tranh chạy qua chạy lại, không có không gian nào bày tác phẩm nghệ thuật đủ mở để người dân không ngần ngại tới xem. Tác phẩm nghệ thuật duy nhất mà họ được tiếp xúc ở khu vực này, ngày ngày đi trong nó, lại là một tác phẩm có lâu lắm rồi, từ thời Pháp thuộc - cây cầu Long Biên. “Chính vì vậy, cúng tôi nung nấu tổ chức một hội chợ triển lãm nghệ thuật để nghệ thuật đẳng cấp được đến với công chúng rộng rãi hơn. Sự kiện Long Biên Art Fair ở khu trung tâm thương mại của Long Biên là nhiệt huyết của các thành viên Ban tổ chức”- nghệ sĩ Bùi Việt Bằng bày tỏ.

Long Biên Art Fair trưng bày khoảng 100 tác phẩm bao gồm cả điêu khắc và hội họa của hơn 20 nghệ sĩ. Các nghệ sĩ đa phần sống và làm việc tại Hà Nội với biên độ tuổi rất rộng. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng năm nay đã 70 tuổi, trong khi điêu khắc gia Đào Tân mới ra trường được vài năm. Mục tiêu quan trọng nhất của Ban tổ chức là biến trong không gian gần 1.000 m2 tại tầng 2 của trung tâm thương mại Mipec thành một khu giao lưu nghệ thuật của đông đảo các đối tượng công chúng với nghệ sĩ.

Từng bước bắt kịp thế giới

Có thể nói, một triển lãm nghệ thuật nằm trong một trung tâm thương mại là điều không mới mẻ. Ở nước ngoài, xu thế đặt các không gian nghệ thuật, phòng tranh tại bất cứ nơi nào có lượng người qua lại cao. Các dự án thực hiện với tư duy hiện đại khi người ta dễ tìm đến với nghệ thuật, thì nghệ thuật mới nhanh đến với công chúng.

Ở Hà Nội, Long Biên Art Fair không phải dự án nghệ thuật khởi đầu tại các trung tâm thương mại, mà trước đó tại Times city, Royal city cũng đã có những dự án nghệ thuật lồng ghép trong đó. Cụ thể: Nằm trong khu đô thị cao cấp Royal city, Trung tâm nghệ thuật Vincom (VCCA) được đầu tư rất kỹ lưỡng và bài bản từ không gian đến các nội dung triển lãm. Từ năm 2017, VCCA đã có các triển lãm nổi tiếng như “Dế Mèn phiêu lưu ký – Chạm tới những thế giới”, “Tỏa 2”, triển lãm “Van Gogh”, và mới đây nhất là triển lãm “Hành tinh nhựa” với thông điệp về môi trường nhận được sự chú ý đông đảo từ những bạn trẻ sống xanh. Mỗi triển lãm kéo dài từ 3 - 6 tháng với các sản phẩm nghệ thuật đẹp mắt, giàu ý nghĩa từ nhiều nghệ sĩ tên tuổi nhất Việt Nam. Khi đến đây công chúng không chỉ được thưởng lãm nghệ thuật mà còn thỏa thích chụp hình với các tác phẩm ấy. Và đặc biệt, Ban tổ chức không thu tiền vé vào cửa. Nơi đây đã được công chúng bầu chọn là 1 trong 4 không gian nghệ thuật hàng đầu được giới trẻ yêu thích trong năm 2019. Sau VCCA nhiều trung tâm thương mại khác cũng đã dần dần hình thành các khu trưng bày triển lãm hoặc tổ chức các sự kiện giàu tính văn hóa, như sự kiện Ngày của Phở diễn ra tại Aeon mall (Hà Đông) vào đầu tháng 12/2020 là một ví dụ.

Theo thành viên các ban tổ chức, giai đoạn đầu khi đưa mô hình dự án nghệ thuật trong trung tâm thương mại thực hiện ở Việt Nam sẽ có những khó khăn nhất định, như cách thức truyền tải thông tin tác phẩm đến những người xem vốn thuộc nhiều nhóm xã hội khác nhau, làm thế nào đảm bảo rằng sự tương tác của đám đông với tác phẩm phải nằm trong khuôn khổ an toàn… Tuy nhiên, các trung tâm thương mại còn để tồn tại được phải vượt qua các khó khăn đó, để biến nơi đây không chỉ có thể là trung tâm mua sắm mà còn là trung tâm ăn uống, vui chơi và giải trí. Và mô hình với các không gian sáng tạo nghệ thuật cũng là một chủ đích cần hướng đến.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Hà Nội   Mục tiêu   Nghệ thuật   Vincom   Việt Nam   hành vi   sáng tạo   trung tâm thương mại   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...