17/04/2021 13:46  

TOContent"> Trên bình diện toàn cầu, các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, so với quí 4 năm ngoái, giá năng lượng thế giới quí 1 vừa qua đã tăng tới 35,1%, còn giá hàng phi năng lượng cũng tăng 11,8%, trong đó giá phân bón tăng kỷ lục 23,5%, kim loại và khoáng sản tăng 16%, còn khiêm tốn nhất là giá hàng nông sản cũng tăng 9,3%. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá năng lượng cũng đã tăng 25,9%, còn đối với giá hàng phi năng lượng, mức tăng còn cao hơn, với 27,8%...

Như vậy, sau cú sốc giá cả thế giới vào năm 2011 với giá hàng năng lượng tăng khủng 62,8% và giá hàng phi năng lượng cũng tăng khủng 50,1%, chuỗi sốt lạnh giá hàng năng lượng kéo dài nhiều năm qua với tổng mức giảm lên tới 59,7% sẽ bắt đầu kết thúc trong năm nay, còn đối với giá hàng phi năng lượng với tổng mức giảm cũng lên tới 31,7% thì nay cũng đang vọt lên theo giá năng lượng.

Trong bối cảnh giá cả thế giới như vậy, với một nền kinh tế mà hai nhóm hàng xuất khẩu là nhiên liệu, khoáng sản và nguyên, vật liệu trong 10 năm qua chỉ tăng bình quân 2,4%/năm và đạt quy mô rất khiêm tốn 13,6 tỉ đô la Mỹ, còn nhập khẩu tăng tới 8,6%/năm, cao gấp 3,6 lần nhịp tăng xuất khẩu và đạt tới 42,5 tỉ đô la, có nghĩa là nhập siêu của những nhóm hàng này lên tới 28,9 tỉ đô la và 212,5%, đã tác động rất rõ ràng đến kết quả của cả hai “cuộc chiến” kiềm chế nhập siêu và kiềm chế lạm phát vừa qua.

Ở thời điểm giá cả thế giới tăng sốc năm 2011, trong khi mục tiêu kiềm chế lạm phát tối đa là 10%, nhưng thực tế lên tới 18,6%, còn nhập siêu cũng lên tới 10,2%, tuy thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 18%, nhưng cũng rất cao so với mức 6,5% của năm liền kề trước đó.

Trong năm 2020 vừa qua, so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, chúng ta đã thành công mỹ mãn với chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 3,23%. Còn mục tiêu kiềm chế nhập siêu tuy đặt ra mức dưới 3% giống như hai năm liền kề trước đó, nhưng chúng ta đã đạt được tỷ lệ xuất siêu kỷ lục 7,6%.

Trong trạng thái giá cả thế giới tăng bùng nổ, tuy chúng ta cũng được lợi không ít trong xuất khẩu, nhưng cũng bị thiệt vô cùng lớn trong nhập khẩu, cho nên không những nhập siêu rất lớn, mà “rổ hàng hoá” của thị trường trong nước cùng bị thị trường đầu ra và thị trường đầu vào của nền kinh tế “gia nhiệt”.

Ngược lại, trong điều kiện giá cả thế giới liên tục giảm, tuy chúng ta cũng bị thua thiệt ngày càng lớn trong xuất khẩu, nhưng với quy mô nhập khẩu ngày càng lớn, chẳng những lợi ròng trong xuất, nhập khẩu ngày càng lớn, mà cả hai đầu ra và đầu vào ngày càng lớn so với quy mô của nền kinh tế nước ta có tác dụng “làm mát” thị trường trong nước càng mạnh.

Điều đó cho thấy, cho dù những thành tựu kiềm chế nhập siêu và kiềm chế lạm phát rất đáng mừng của chúng ta trong những năm gần đây là kết quả của những nỗ lực chủ quan, nhưng cũng không thể phủ nhận những điều kiện khách quan thuận lợi mà thị trường thế giới đã mang lại.

Với những động thái mới của thị trường thế giới trong quí 1 vừa qua, có vẻ như nền kinh tế nước ta đã phản ứng theo chiều hướng ngược lại.

Đó là, tuy giá cả tăng cũng đóng góp vào việc làm khuyếch đại rổ hàng hoá xuất khẩu và việc xuất khẩu tăng nóng 22,3% trong quí 1 là điều rất đáng mừng, vì cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhập khẩu có thể nói còn tăng “sốc” hơn, vì cao hơn tới 7,3 lần (26,6% so với chỉ ở mức 3,6%).

Cũng chính vì sự lệch tốc này, hệ quả đầu tiên rất rõ ràng là tỷ lệ xuất siêu hiện chỉ còn 2,7%, rất thấp so với kỷ lục 6,3% của cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, cho dù có lẽ cũng chưa đến mức báo động, nhưng chỉ số giá tiêu dùng quí 1 năm nay đã tăng 1,31%. Trong đó, ở đầu ra xuất khẩu, việc giá gạo xuất khẩu tăng mạnh khiến giá lương thực trong nước tăng tới 2,62%, còn ở phía đầu vào nhập khẩu, giá nhiên liệu thế giới tăng rất mạnh khiến giá của nhóm hàng giao thông trong nước tăng khủng 6,24% là những minh chứng rõ ràng nhất cho những tác động của giá cả thế giới đối với thị trường trong nước quí 1 vừa qua.

Đặc biệt không chỉ trong những tháng tới, mà còn cả trong tương lai xa, những điều kiện khách quan thuận lợi đó của thị trường thế giới đối với thị trường trong nước cũng sẽ không còn và có nhiều khả năng những động thái này sẽ còn mở ra một chu kỳ tăng giá mới. Vì nếu như những dự báo của WB là đúng thì xu thế tăng của giá cả thế giới hiện nay sẽ còn tiếp tục trong dài hạn.

Trong năm năm tới, tuy mức tăng nhìn chung có giảm dần, nhưng bình quân giá năng lượng thế giới sẽ tăng mạnh 10,9%/năm, còn giá hàng phi năng lượng cũng sẽ tăng 2,1%/năm. Nếu giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, cũng không thể loại trừ khả năng nhập siêu sẽ xuất hiện trở lại. Đến lượt nó, thay vì “làm mát” thị trường trong nước, những biến động đó của cả đầu vào lẫn đầu ra của nền kinh tế sẽ đều “gia nhiệt” thị trường hàng hóa và dịch vụ trong nước.

Nói tóm lại, thay vì giúp chúng ta đạt được những thành tựu rất quan trọng trong kiềm chế nhập siêu và lạm phát trong những năm gần đây, có nhiều khả năng thị trường thế giới sẽ gây khó khăn cho chúng ta trong thời gian tới, cho nên đây có lẽ sẽ phải là trọng tâm trong công tác điều tiết vĩ mô nền kinh tế của chúng ta trong những năm tới.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...