13/10/2020 17:15  

Loạt doanh nghiệp vào "tầm ngắm” của cơ quan điều tra

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới các vị đại biểu Quốc hội trước thềm kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV cho biết, cơ quan này đã chuyển hồ sơ năm vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới Cơ quan Cảnh sát điều tra trong chín tháng của năm 2020.

Cụ thể, cơ quan kiểm toán đã chuyển hồ sơ hai vụ việc đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an, gồm: Vụ việc về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL; Vụ việc về hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Còn hồ sơ hai vụ việc liên quan tới hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao Su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước được cơ quan này chuyển tới Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra.

Cuối cùng, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375 mét vuông đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng của doanh nghiệp Đa Phước cũng được Kiểm toán Nhà nước chuyển tới Công an thành phố Đà Nẵng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 97 bộ tài liệu – gồm báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan - cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát. Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Quốc hội và Đại biểu Quốc hội, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an lần lượt được cung cấp số lượng tài liệu là: 37, 31, 19.

Kiến nghị xử lý tài chính gần 53.000 tỉ đồng

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước, cho biết cơ quan kiểm toán đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 với kết quả xử lý tài chính lên tới 81.095 tỉ đồng. Còn trong chín tháng của năm 2020, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính 52.970 tỉ đồng, gồm: tăng thu ngân sách 3.074,5 tỉ đồng, giảm chi ngân sách 10.700 tỉ đồng, kiến nghị khác 39.195,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 64 văn bản - một Luật, một Nghị định, chín Thông tư, bốn quyết định và 49 văn bản khác - nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.

Lỗ hổng sử dụng ngân sách ở các địa phương

Qua kiểm toán ngân sách bộ, ngành và ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện công tác xây dựng dự toán cho một số đơn vị chưa sát với thực tế, không bám sát nhiệm vụ chi - dẫn tới cuối năm phải hủy dự toán hoặc không phân bổ, giữ lại ngân sách cấp trên - làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.

Ngoài ra, việc phân bổ kế hoạch vốn cho một số dự án tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bến Tre, Lạng Sơn, Ninh Bình, Gia Lai chưa thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư. Thậm chí, ở ba địa phương là: Đà Nẵng, Bến Tre, Lạng Sơn, cùng Bắc Ninh còn xuất hiện tình trạng phân bổ vốn cho dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đáng chú ý, hai địa phương là Đà Nẵng và Bến Tre tiếp tục được cơ quan kiểm toán nhắc tới do phân bổ vốn vượt tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn tại lần lượt 195 và 4 danh mục dự án được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Còn Cao Bằng có 17 dự án được phân bổ vốn đầu tư vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt.

Theo Kiểm toán Nhà nước, phần lớn các địa phương được kiểm toán đều chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên khi phân bổ kế hoạch vốn, bố trí vốn chưa phù hợp với thực tế dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung.

Về nợ đọng xây dựng cơ bản, một số địa phương còn phát sinh số nợ với giá trị lớn tính đến 31-12-2019 như Ninh Bình nợ 6.338 tỷ đồng, Bắc Ninh nợ 1.805 tỷ đồng, Lạng Sơn nợ 1.702 tỷ đồng, Phú Thọ nợ 1.075 tỷ đồng.

Riêng hai địa phương là Bắc Ninh và Phú Thọ còn tình trạng để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới với số tiền lần lượt là 670,9 tỉ đồng và 260,6 tỉ đồng. Ba địa phương khác cũng bị Kiểm toán Nhà nước nhắc tên vì để xảy ả tình trạng này là Hà Tĩnh và Dải Dương.

Về nợ đọng thuế, có chín trên tổng số 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa báo cáo đầy đủ nợ đọng thuế. Nhưng số nợ thuế được phát hiện qua kiểm toán tại một số địa phương như Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Lâm Đồng đã tăng thêm tới 1.923 tỉ đồng, trong đó số nợ thuế tăng thêm sau kiểm toán tại Đà Nẵng là 1.378 tỉ đồng.
 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Bến Tre   Cục Thuế   Nghị định   doanh nghiệp   dịch vụ   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...