19/09/2022 16:26  
Kinh tế số là một trong ba trụ cột của chiến lược Quốc gia thông minh Singapore. Kinh tế số tận dụng lợi thế của công nghệ tối tân nhằm số hóa quy trình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.   

Môi trường kinh doanh thân thiện, hạ tầng công nghệ xuất sắc, vị trí gần gũi với các nền kinh tế Đông Nam Á lớn, cũng như vốn đầu tư sẵn có khiến Singapore có lợi thế để phát triển nền kinh tế số mạnh mẽ. Chính phủ Singapore xác định ba chiến lược chính trong Khung hành động Kinh tế số là: tăng tốc tăng trưởng kinh tế thông qua số hóa doanh nghiệp và ngành công nghiệp; phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh; chuyển đổi ngành công nghệ thông tin và truyền thông thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế số.

Khung hành động Kinh tế số Singapore

Mục tiêu của Singapore là trở thành nền kinh tế số hàng đầu thế giới. Các kế hoạch trọng điểm xoay quanh hợp tác được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông S. Iswaran thông báo vào ngày 21/5/2018. Ba ưu tiên chiến lược trong khung hành động và các chương trình của SG:D (Digital Singapore) cụ thể như dưới đây.

Với chiến lược tăng tốc số hóa doanh nghiệp và ngành công nghiệp, năm 2017, chính phủ triển khai 23 bản đồ chuyển đổi ngành (ITM). Đi cùng các ITM này là các kế hoạch kỹ thuật số ngành để tạo điều kiện số hóa mọi ngành nghề. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được hỗ trợ từng bước trong quá trình chuyển đổi số, còn những doanh nghiệp đã số hóa sẽ được tài trợ để thúc đẩy các ranh giới và khám phá lĩnh vực tăng trưởng mới. Đồng thời, các nền tảng số như hóa đơn điện tử sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ giao dịch, giảm sai sót. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh hơn trên thị trường thay đổi nhanh chóng.

Với chiến lược thứ hai, Singapore muốn mài dũa lợi thế cạnh tranh bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng công nghệ số. Số hóa mở ra các cơ hội tăng trưởng mới. Chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp trong nước phát triển mô hình kinh doanh và tìm kiếm cơ hội để mơ rộng quy mô trong và ngoài nước. Chính phủ cũng hoan nghênh các giải pháp mới và nhân tài mới để giải quyết những thách thức kinh doanh thực tế.

Chiến lược thứ ba là chuyển đổi ngành công nghệ thông tin, truyền thông (ICM) thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Singapore. Những công ty mang tư tưởng kỹ thuật số sẽ được tiếp cận kết nối, hạ tầng và tên tuổi uy tín của Singapore để vươn ra thị trường toàn cầu.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Theo Bộ trưởng S. Iswaran, Singapore cần chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của kinh tế số hậu Covid-19. Ông vạch ra chiến lược ba mũi nhọn, đó là: đặt nền móng vững chắc cho kinh tế số bằng cách đầu tư vào hạ tầng số; xây dựng các khuôn khổ quản trị quốc tế để có luồng thông tin tự do hơn và chống lại bất bình đẳng số thông qua trang bị kỹ năng số cho doanh nghiệp và người dân.

Ông cũng cho biết Singapore sẽ đầu tư phát triển mạng 5G bảo mật, ổn định. Năm 2019, Singapore cam kết chi 40 triệu USD để khởi động 5G. Hàng ngàn chuyên gia 5G ra đời từ cái bắt tay giữa Cơ quan Phát triển Truyền thông thông tin (IMDA) và các nhà mạng. Ngoài 5G, quốc đảo sư tử cũng chú trọng xây dựng năng lực trong các lĩnh vực tuyến đầu như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật kết nối (IoT). Bộ trưởng Iswaran cho rằng AI và IoT có tiềm năng quan trọng để nâng cao chất lượng sống, cải thiện hiệu suất và mở ra địa hạt tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, Singapore tạo điều kiện cho luồng dữ liệu lưu thông tự do để thương mại quốc tế tiếp tục phát triển và người dân được kết nối trên toàn cầu. Chẳng hạn, Singapore ủng hộ các thỏa thuận kinh tế số (DEA), thiết lập quy định thương mại kỹ thuật số và hợp tác kinh tế số giữa hai nền kinh tế. Nước này đã ký thỏa thuận DEA với New Zealand, Chile và Australia. 

Cuối cùng, khi tiến vào thế giới số, Singapore muốn đảm bảo “không ai bị bỏ lại phái sau trong cuộc chuyển đổi số kinh tế - xã hội”. Để đáp ứng mục tiêu, Văn phòng Kỹ thuật số Singapore đã được thành lập vào tháng 6/2020. Văn phòng bổ nhiệm hơn 1.000 đại sứ kỹ thuật số để giúp doanh nghiệp nhỏ ứng dụng các giải pháp thanh toán số và hướng dẫn người già kỹ năng số.

Chính phủ cũng hợp tác chặt chẽ với đối tác ngành để tăng tốc độ tạo công ăn việc làm công nghệ và liên quan đến công nghệ, trong khi đầu tư để nâng cao tay nghề cho mọi người qua các chương trình đào tạo. Doanh nghiệp vừa và nhỏ được phép tiếp cận nguồn vốn tài trợ khi ứng dụng giải pháp điện tử. Các chương trình hỗ trợ cũng áp dụng cho những đối tượng yếu thế trong xã hội như hộ gia đình thu nhập thấp.

“Chúng tôi muốn bảo đảm mọi doanh nghiệp – bất kể quy mô ra sao và mọi công dân – bất kể hoàn cảnh thế nào đều có thể tham gia một cách có ý nghĩa trong môi trường kinh tế, xã hội hậu Covid-19”, Bộ trưởng chia sẻ.

Du Lam

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Mục tiêu   chiến lược   chuyên gia   doanh nghiệp   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...