26/12/2020 14:15  
Khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn choáng váng vì những cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc thì đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 như một cú đấm "knock out", đẩy thế giới bước vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Dù vậy, nhìn về tương lai, giới phân tích vẫn kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ phục hồi khả quan trong năm 2021.

Những thiệt hại của năm 2020

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới gần đây nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức âm 4,4%, đánh dấu mức suy thoái tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ bị âm 4,3%, khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) âm 8,3% với nền kinh tế đầu tàu là Đức âm 6%. Riêng Trung Quốc dù vẫn giữ được tăng trưởng 1,9% nhưng đó cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Đại dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng khiến các chính phủ phải áp đặt lệnh đóng cửa biên giới, cách ly xã hội khiến thương mại, du lịch, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và niềm tin tiêu dùng lẫn đầu tư kinh doanh rớt về mức thấp nhất chưa từng có, tỷ lệ thất nghiệp vọt lên cao tạo ra những mầm mống khủng hoảng xã hội. Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng ngay ở các nền kinh tế phát triển, khiến xu hướng co cụm và rào cản thương mại càng làm suy yếu thương mại toàn cầu.

Trước tình hình ấy, giá các loại năng lượng và nhiên liệu lao dốc không phanh, với giá dầu có thời điểm rớt về mức âm gần 40 USD/thùng, điều chưa từng có trong lịch sử giao dịch hơn trăm năm của thị trường vàng đen này. Giá các loại tài sản khác cũng biến động thất thường, giá vàng sau khi tăng mạnh và đạt đỉnh trong tháng 8 lại giảm nhanh sau đó, trong khi thị trường chứng khoán tại nhiều nước lại liên tục lập đỉnh trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Trên thị trường tiền tệ, đồng USD vốn được xem là tài sản an toàn trong thời khủng hoảng lại bất ngờ giảm mạnh, trong khi đồng tiền số Bitcoin lên mức cao nhất. 

Điều ấy được cho là hệ quả tất yếu của chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng cách đây 12 năm. Lãi suất cực thấp và tiền rẻ bơm ra ồ ạt thông qua các gói kích thích tài khóa đã đẩy giá các loại tài sản tài chính tăng vọt, thậm chí một số chính phủ còn quyết định phát tiền cho dân để thúc đẩy tiêu dùng giúp nền kinh tế sớm thoát khỏi suy thoái và khủng hoảng. Thống kê cho thấy tổng quy mô của các gói hỗ trợ tài khóa trên toàn cầu lên mức hơn 12.000 tỷ USD.

Triển vọng năm 2021

Sau hàng loạt giải pháp mạnh tay của các chính phủ và ngân hàng trung ương, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ quý III/2020. Nền kinh tế Mỹ sau khi đạt mức âm 31,4% trong quý II đã bật tăng đến 33,1% trong quý III, trong khi kinh tế Nhật Bản trong quý III cũng tăng 5% so với quý trước và tăng 21,4% so với cùng kỳ 2019, mức tăng nhanh nhất trong lịch sử nền kinh tế nước này.

Đà hồi phục này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021, dù vẫn còn không ít yếu tố gây bất ổn và khó dự báo. Tuy nhiên, với triển vọng vắc xin sẽ sớm được sản xuất thương mại trong năm sau, niềm tin đại dịch chấm dứt sẽ giúp giao thương và sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh hơn, thậm chí ở cả lĩnh vực hàng không và du lịch.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 5,2% trong năm 2021 từ mức đáy của năm 2020, trong đó Trung Quốc sẽ là trụ cột chính khi có thể đạt mức tăng trưởng 8,2%, Mỹ 3,1% và Eurozone là 5,2% với Đức tăng trưởng 4,2%.

Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP quý IV/2020 của Mỹ là 5% và năm 2021 là 5,3% - mức tăng trưởng cao nhất đối với Mỹ kể từ 1984. Theo Goldman Sachs, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh hơn mong đợi, một phần do các lĩnh vực dễ bị tổn thương với sự lây lan virus Corona gần đây nhất không bị ảnh hưởng nặng nề.

Đáng lưu ý là sự hỗ trợ cho nền kinh tế các quốc gia không chỉ đến từ yếu tố dịch bệnh được kiểm soát và dần ngăn chặn sau khi có vắc xin, mà còn từ các chính sách mở rộng tài khóa và nới lỏng tiền tệ tiếp tục được duy trì, thậm chí còn tăng cường độ.

Ngày 19/12/2020, các thượng nghị sĩ Mỹ đã thỏa thuận về quyền cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), qua đó xóa bỏ chướng ngại vật cuối cùng đối với gói cứu trợ bởi Covid-19 trị giá 900 tỷ USD. Gói cứu trợ đang được đàm phán bao gồm 300 USD/tuần để hỗ trợ thất nghiệp, một đợt phát tiền thứ hai và nguồn tài trợ cho trường học, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phân bổ vắc xin  và doanh nghiệp nhỏ. 

Gần đây, cả ba tổ chức lớn là Citigroup, Goldman Sachs Group và Nomura Holdings đều tỏ ra lạc quan về thị trường châu Á, dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tại châu Á sẽ tăng hơn 20% trong năm tới. Đánh giá về thị trường chứng khoán, cả Citi, Nomura cùng với Societe Generale SA kỳ vọng chỉ số MSCI châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ tăng 5-7% trong năm 2021, trong khi Goldman Sachs dự báo tăng 9%.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Lãi suất   Nhật Bản   Trung Quốc   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...