05/10/2020 8:15  
Khẩu trang là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng nhanh trong giai đoạn dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu. (Ảnh: Tr. Hiếu).

Kinh tế tăng trưởng dương dù dịch Covid-19 diễn biến khó lường

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho rằng, mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế - đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu sau chín tháng của năm 2020:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP): 2,12%
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): 2,4%
Số doanh nghiệp thành lập mới: 98954 doanh nghiệp
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: 0,7%
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện: 4,8%
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: 4,2%
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: -0,8%
Xuất siêu: 16,99 tỷ USD
Khách quốc tế đến Việt Nam: -70,6%
Chỉ số giá tiêu dùng: 3,85%
Lạm phát cơ bản: 2,59%

Ngoài ra, các chỉ số vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân đầu tư công cũng đạt trên 300.000 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch năm 2020 – mức cao nhất trong vòng năm năm qua – nhờ đồng loạt khởi công ba dự án lớn thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Còn ngành nông nghiệp nhiều khả năng đạt giá trị xuất khẩu lên tới 41 tỉ USD. Trong đó, nền kinh tế ghi nhận nhiều điểm sáng, gồm: Xuất siêu đạt kỷ lục 17 tỷ USD với 30 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và năm mặt hàng giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt mức tăng trưởng xuất khẩu trên 20%; Thu hút FDI cũng đạt trên 21 tỷ USD; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9-2020 – mức cao nhất trong số các quốc gia ASEAN.

“Nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý 2-2020 và đang phục hồi theo hình chữ V", ông Dũng chia sẻ tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2020.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp và xây dựng thuộc Tổng cục Thống kê, cho biết công nghiệp chế biến, chế tạo chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chín tháng của năm 2020.

Cụ thể, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp sau chín tháng của năm 2020 ước tính tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2019 - quý 1 tăng 5,1%, quý 2 tăng 1,1%, quý 3 tăng 2,34%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% là động lực của tăng trưởng kinh tế với mức đóng góp hơn một điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Ngoài ra, một số ngành có chỉ số sản xuất chín tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp, gồm: Sản xuất và phân phối điện; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; Khai thác quặng kim loại...

 

Lĩnh vực Tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 (%)
Sản xuất và phân phối điện 3,7
Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 34,4
Khai thác quặng kim loại 14,8
Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 8,6
Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy 8,1
Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 7,9
Khai thác than cứng và than non 4,9

 

Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, TS. Võ Trí Thành nêu ba nguyên nhân giúp Việt Nam duy trì mức tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh.

Thứ nhất, khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn tiếp tục đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam khi rơi vào khủng hoảng, và khu vực này cũng là chỗ dựa của lực lượng lao động phi chính thức và nhóm người dễ bị tổn thương.

Thứ hai, ngành du lịch Việt Nam dù chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch, nhưng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế.

Thứ ba, tầng lớp trung lưu mới nổi ở Việt Nam tiết kiệm nhiều hơn tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển. Đây là một bệ đỡ rất quan trọng giúp hạn chế tác động do đại dịch.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: baochinhphu.vn

Dự báo triển vọng kinh tế quý 4-2020, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết GDP của Việt Nam ước tăng trưởng 2,81% trong năm 2020 – nằm trong khoảng 2,5% - 3% theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings dự báo dự trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 1,9% trong năm 2020. Còn Báo cáo Cập nhật Triển vọng và Phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 1,8% trong năm nay.

Song theo cũng theo ông Dũng, Thủ tướng đánh giá rủi ro bất ổn tài chính, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường. Vì vậy ông nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng là không được chủ quan lơ là trước dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh khi mở các đường bay quốc tế.

Còn ông Phạm Đình Thúy cho rằng, một lượng lớn vốn đầu tư công được giải ngân vào các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa trong quý 4-2020 sẽ tạo ra sự đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Những điểm trừ

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) , nhận định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và du lịch – hai lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 – vẫn gặp nhiều khó khăn. Với doanh nghiệp lữ hành, thị trường khách quốc tế vẫn như đóng băng, nên doanh nghiệp liên quan còn rất nhiều khó khăn để hoạt động và nuôi bộ máy.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết tác động của dịch Covid-19 khiến ngành dệt may và da giày gặp nhiều khó khăn khi nhiều doanh nghiệp chỉ tính đơn hàng từng tháng, từng tuần.

"Chính phủ đã có chỉ đạo triển khai giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Tập trung tổ chức khai thác tận dụng tốt cơ hội FTA, tìm giải pháp tháo gỡ thị trường và tìm thị trường mới, cung cấp thông tin xúc tiến xuất khẩu, tăng cường công tác xúc tiến thương mại", ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất điều hành nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và cung cấp thêm nguồn vốn rẻ cho các doanh nghiệp, cá nhân – tạo điều kiện cho khác hàng vay vốn, tiếp cận tín dụng theo hướng tích cực hơn, nhưng vốn ngân hàng không phải là cho không – luôn có giá vốn và dựa vào nguyên tắc cung - cầu.

“Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay bởi phải giải quyết vấn đề mấu chốt là đầu ra của sản phẩm”, ông Phương nhận định.

Còn báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam chín tháng năm 2020 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng cho biết số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tính tới hết tháng 9-2020 lên tới 38.600 – tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2019 – thể hiện hoạt động của doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, kết quả khảo sát tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 lần hai do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện với 349 doanh nghiệp cũng cho thấy, 2% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã thực hiện giải thể, 20 % số doanh nghiệp đã dừng hoạt động, 76% số doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng không cân đối được thu - chi. Chỉ có 2% số doanh nghiệp nói rằng tạm thời chưa bị tác động.

Khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp là là dòng tiền khi trong số 76% doanh nghiệp không cân đối được thu - chi, có tới 54% doanh nghiệp cho biết dòng tiền vào chỉ đáp ứng được 50% chi phí, theo ban IV. Điều này có nghĩa doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề giảm doanh thu, thậm chí không có doanh thu do bị cắt đơn hàng, không có hợp đồng mới, từ đó dẫn tới không có khả năng thanh toán các khoản thuế, phải nộp và chi phí vận hành.

Kết quả, tình trạng cắt giảm lao động trở nên phổ biến hơn khi 47% số doanh nghiệp đã áp dụng giải pháp này.

 

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Khẩu trang   Tổng cục   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   khủng hoảng   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...