08/12/2020 9:05  

Khai hóa văn minh, thay đổi thiên mệnh

Trong cuốn Khuyến Học, nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi nhận định rằng “phần hồn” của văn minh chính là chí khí, tinh thần của nhân dân. Và trong thực cảnh Nước Nhật chỉ có người Nhật mà không có quốc dân Nhật thì khai hóa văn minh là điều cấp thiết để mở ra vận hội cho nước Nhật.
Từ thời đại cải cách Tokugawa - nửa sau thời kỳ Edo, Nhật Bản đã có sự chuyển biến sâu sắc về các giá trị văn hóa, định hình nên lối sống, hành vi cá nhân bằng các nguyên tắc đạo đức cộng đồng theo thang bậc, đẳng cấp. Đây là xung lực cho sự hình thành ý thức và tinh thần dân tộc, chuẩn bị cho con đường hưng thịnh của Nhật Bản.
Dưới thời này, Nhật Bản áp đặt chính sách bế quan tỏa cảng nghiêm ngặt cho thương mại và ngoại giao. Thế lực phương Tây duy nhất được phép giao thương với Nhật là Hà Lan. Tuy nhiên, họ bị giới hạn trên đảo Deijima ngoài khơi vịnh Nagasaki. Năm 1706, thương nhân Hà Lan mang cà phê đến Nhật Bản và sử dụng trong nghi thức ngoại giao. Nhiều nhà Hà Lan học và thầy thuốc người Nhật ấn tượng mạnh với cà phê. Thậm chí, thầy thuốc Yoshio Koushi (1724 - 1800) còn sử dụng cà phê trong đơn thuốc của mình và truyền bá cách thức sử dụng cho học trò. Nhờ vậy, người Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng cà phê như một loại dược liệu hơn là thức uống.
Cho đến năm 1826, bác sỹ Philipp Franz von Siebold mở lớp hướng dẫn người Nhật cách thưởng lãm cà phê, nhằm đưa văn hóa cà phê của phương Tây thâm nhập sâu vào Nhật. Bác sỹ Siebold mô tả “Cà phê là dược phẩm tốt cho sức khỏe và kéo dài tuổi thọ”. Ông hi vọng với cách truyền bá này, cà phê sẽ dễ dàng được chấp nhận ở một quốc gia Thần Đạo (Shinto). Năm 1897, Thiên Hoàng Minh Trị đã góp phần đẩy mạnh văn hóa cà phê phát triển tại Nhật khi báo chí đăng tải thông tin Thiên Hoàng sử dụng cà phê là thức uống hàng ngày.
Cà phê lan rộng toàn diện trên đất Nhật từ thời Minh Trị Duy Tân, các phái đoàn chuyên gia Nhật công du đến châu Âu trở về và khuyến khích phong trào học hỏi có chọn lọc văn minh phương Tây. Tiếp cận thế giới văn vật của phương Tây, giới tinh hoa Nhật càng nhận diện rõ vị thế thấp của quốc gia trên trường quốc tế. Nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi – người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản cho rằng, mở rộng ngoại giao là điều cần thiết, nhưng nếu người dân thiếu tinh thần tự chủ, thiếu ý chí độc lập thì sẽ dẫn đến bị chi phối hoặc chịu ảnh hưởng, thậm chí còn có nguy cơ trở thành thuộc địa của các cường quốc Âu Mỹ.
Nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi viết cuốn sách Khuyến Học (năm 1872 - 1876) thức tỉnh quốc dân Nhật Bản học tập, hun đúc chí khí để mỗi cá nhân, từng con người hiểu được trách nhiệm của mình với vận mệnh đất nước. Đặc biệt, giới trí thức phải đảm nhiệm vai trò mở mang nền học thuật, nền kinh tế, hệ thống luật pháp mới trong thời kỳ phôi thai nuôi dưỡng văn minh. Khuyến Học cũng là một trong 100 cuốn sách quý thuộc “Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời” do Nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn và trao tặng đến hàng chục triệu thanh niên khắp mọi miền Việt Nam thông qua “Hành trình Từ Trái Tim - Hành trình Lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu thanh niên Việt”, nhằm cung cấp nền tảng tri thức đúng đắn và hiểu biết toàn diện cho 30 triệu Thanh niên Việt.
Để khai hóa văn minh, nâng cao dân trí, Nhật Bản chủ trương xây dựng môi trường giáo dục công dân. Một hệ thống trường học được thành lập như Đại học Keio Gijuku (1868), Đại học Doshisha (1875), Đại học Tokyo (1877), Viện Học sĩ Tokyo (1879),… Vào năm 1888, nhà giáo dục Chung Yong-Kei mở quán cà phê đầu tiên ở Nhật Bản. Ban đầu, Chung Yong-Kei dự tính xây dựng trường học, tuy nhiên vì mong muốn cung cấp không gian học thuật tương tác, ông đã mở quán cà phê theo mô hình quán cà phê khai sáng của Pháp. Người Nhật vì thế đã biết đến quán cà phê như là nơi giao lưu trí tuệ đại chúng.
Năm 1911, tại Tokyo, liên tục 3 quán cà phê Cafe Printemps, Cafe Lion, Cafe Paulista được thành lập và sử dụng làm nơi tụ họp xã hội của giới trí thức. Phương thức tổ chức quán cà phê khuyến học đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nghiên cứu học thuật tại Nhật. Hầu như tất cả các nhà văn hóa thời đó như Junichiro Tanizaki, Ishii Hakutei, Kotaro Takamura, Haruo Sato, Mokutaro Kinoshita, Torahiko Terada… đều là nhân vật quen thuộc của quán cà phê. Một số nhà tư tưởng Tây học đã cùng nhau thành lập nhóm “Pan No Kai - hội những người yêu thích cà phê”. Họ tổ chức những buổi thảo luận về chiến lược cải cách và phục hồi nghệ thuật, văn học, sân khấu Nhật Bản tại các quán cà phê bên sông Sumida.
Làn sóng “học tập cái nhất” văn minh phương Tây đem lại linh hồn cho công cuộc Duy Tân của chính phủ Minh Trị, đóng vai trò lớn khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản. Điều này đã giúp Nhật nhanh chóng định hình định chế chính trị mới, trật tự xã hội mới, hệ thống kinh tế mới,… bắt kịp các nước phát triển nhất thế giới đương thời.

Cà phê Nhật, quốc dân Nhật

Nhật Bản là quốc gia có tinh thần học hỏi tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng tuyệt nhiên không bị đồng hóa. Người Nhật có niềm tin nhất quán trong hàng ngàn năm rằng họ là dân tộc đặc biệt, là con của Nữ thần Mặt Trời Amaterasu. Bất cứ người nào mang dòng máu Nhật đều phải tu dưỡng những phẩm tính tốt nhất để xứng đáng với cội nguồn dân tộc, chứng minh với thế giới sự vượt trội của mình. Mọi khía cạnh của lối sống từ cách ăn mặc ở đều được vinh thăng đến ngưỡng khác biệt và trở thành bản sắc quốc gia. Bởi thế mà Nhật có trà đạo, hoa đạo, thư đạo, kiếm đạo, võ sĩ đạo…
Đối với phong cách thưởng lãm cà phê, người Nhật cũng đã nỗ lực sáng tạo để khẳng định dấu ấn quốc gia. Năm 1899, nhà khoa học Satori Kato nghiên cứu tạo ra quy trình chiết xuất cà phê bằng cách sấy chân không để sản xuất cà phê hòa tan, khởi động làn sóng cà phê thứ nhất. Năm 1960, công ty UCC Ueshima Coffee ra mắt sản phẩm cà phê lon pha sẵn đáp ứng cho chuỗi cửa hàng bán lẻ và máy bán hàng tự động đang rất phổ biến. Cà phê lon Nhật Bản nhanh chóng chinh phục thị trường toàn cầu và đạt kỷ lục Guinness thế giới cho thương hiệu cà phê lon pha sẵn bán chạy nhất. Những năm 1990, kết hợp phương thức pha cà phê Drip-coffee và nghệ thuật gấp giấy Origami, người Nhật sáng tạo nên Drip-bag-coffee (cà phê phin giấy) thúc đẩy xu hướng thưởng thức cà phê hiện đại.
Trong cung cách phục vụ, người Nhật ứng dụng tinh thần Omotenashi, được hiểu là phục vụ với tất cả tấm lòng. Từ sự tiếp đón, chăm sóc đều tinh tế và đạt đến sự hoàn hảo nhất. Mặc dù vậy, Omotenashi không giống như dịch vụ. Xuất phát từ cảm xúc sâu lắng về sự vô thường của vạn vật - “Mono no aware”, mỗi khoảnh khắc sống là khoảnh khắc duy nhất. Trải nghiệm một tách cà phê cũng là khoảnh khắc duy nhất. Vì thế Brista sẽ “một lòng thành tâm” phục vụ vị khách của mình từ cách cúi đầu đến chọn nguyên liệu, công cụ dụng cụ và pha chế… Cho dù phục vụ hàng ngàn tách cà phê thì mỗi một lần phục vụ đều là trải nghiệm đặc biệt duy nhất của cả khách hàng lẫn Brista, như thể ngắm hoa anh đào của năm này không như trải nghiệm mùa hoa anh đào năm trước, dù là ở một nơi.
Nhật Bản từ khi mở cửa quan hệ với thế giới đã luôn khao khát khẳng định tinh thần quốc dân Nhật thông qua nỗ lực học hỏi và sáng tạo. Đối với người Nhật, sự cống hiến lớn nhất cho nhân loại chính là trở thành quốc gia có phẩm cách, mang trong mình những đặc tính quốc gia ưu việt. Trong bối cảnh thế giới bước vào ngành công nghiệp sáng tạo, các quốc gia đua tranh khẳng định vị thế bằng năng lực tỉnh thức sáng tạo, Nhật Bản cũng đã xem ngành công nghiệp sáng tạo là động lực và nguồn lực chủ chốt để phát triển quốc gia. Cà phê đối với người Nhật trong giai đoạn mới chính là năng lượng quan trọng. Hơn 70% người Nhật uống cà phê mỗi ngày, và hiện nay Việt Nam đang là quốc gia cung cấp cà phê lớn nhất vào thị trường Nhật Bản.
Vang danh về trà đạo nhưng Nhật Bản luôn trong top các quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới. Bởi đối với người Nhật, tinh thần, chí khí dân tộc là điểm xuất phát của mọi vận hội. Mà nền tảng chấn hưng chí khí dân tộc không gì bằng phát triển trí đức, học hỏi và sáng tạo. Cà phê vốn là năng lượng cho não sáng tạo là yếu tố cần thiết để hun đúc chí khí dân tộc, phẩm cách quốc gia.
Năm 2002, quán cà phê Trung Nguyên đã xuất hiện tại Roppongi - trung tâm ngoại giao, chính trị và tài chính của thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Quán cà phê Trung Nguyên được ví như “không gian thần thoại” cung ứng những tách cà phê thơm ngon tuyệt hảo đến từ cường quốc cà phê thế giới. Người Nhật sẵn lòng trả chi phí cao hơn gần gấp đôi so với các quán cà phê bản địa và các thương hiệu quốc tế khác, để được thưởng thức tách cà phê trong quán Trung Nguyên. Sự hiện diện này được trường Đại học Columbia (Mỹ) đánh giá “Một quán cà phê từ quốc gia đang phát triển, còn nghèo khó có thể xuất hiện ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới là bằng chứng về khát vọng toàn cầu của các thương hiệu Việt trong thời kỳ đổi mới kinh tế”.
Đón đọc kỳ sau: Cà phê tỉnh thức “Thế hệ đã mất”

Nguồn tin: thanhnien.vn


Cafe   Khởi nghiệp   Nhật Bản   Tập đoàn   Việt Nam   chinh phục   chiến lược   chuyên gia   chính sách   dịch vụ   hành vi   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...