18/01/2021 17:45  

Startup 5 tuổi đời ở Nhật Bản AI Inside này cũng nhắm tới các công ty Việt Nam đang có kế hoạch tự động hóa các công việc chân tay như chuyển các bản viết tay thành văn bản đánh máy, theo Nikkei Asia.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực để mở rộng trên phạm vi thị trường toàn cầu”, nhà sáng lập kiêm CEO Taku Toguchi phát biểu. Bên cạnh thị trường Việt Nam, AI Inside cũng lên kế hoạch thâm nhập thị trường Thái Lan và Đài Loan.

Dịch bệnh đã thúc đẩy quá trình số hóa ở Nhật Bản trong năm qua. Thành công trong nước đã thúc đẩy các công ty khởi nghiệp chuyên về phần mềm của Nhật Bản tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài.

Nhật Bản chi khoảng 38 tỉ đô la mỗi năm cho việc thuê ngoài (outsourcing), khoảng 5,5 tỉ đô la trong số này liên quan đến việc nhập dữ liệu, theo ông Toguchi. Ông tin rằng đây là thời điểm chín muồi để ngành công nghiệp này bước vào tự động hóa bởi khối lượng công việc ngày càng gia tăng, dân số lại già đi.

Số đơn hàng của AI Inside tăng vọt trong năm ngoái khi các công ty và chính quyền địa phương làm việc cật lực để xử lý các chứng từ như các đơn viết bằng tay, đặc biệt là vào tháng 4 khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc lần thứ nhất. Số đơn hàng đặt phần mềm nhận diện ký tự quang học (OCR) có thể chuyển các chữ viết tay sang văn bản đánh máy trong quí 2 đạt tới 12.700, cao gấp đôi so với quí sau đó. 

Khách hàng của AI Inside cần phần mềm OCR để xứ lý lượng giấy tờ kỷ lục trong đợt hỗ trợ tài chính 100.000 mỗi người ở Nhật Bản. AI Inside dự kiến sẽ đạt lợi nhuận 1,1 tỉ yen (10,6 triệu đô la) trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2021, tăng gần 3 lần so với năm trước đó. Giá cổ phiếu công ty tăng gấp 5 lần kể từ đợt niêm yết đầu tiên vào tháng 12-2019, giúp vốn hóa của công ty đạt 2,5 tỉ đô la vào giữa tháng 1-2021. Với mức vốn hóa này, AI Inside được xem là kỳ lân, công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỉ đô la.

AI Inside nói đang chiếm 64% thị trường các giải pháp AI ở Nhật Bản. Họ cũng gặp sự cạnh tranh của các đối thủ khác ở cả Nhật Bản và nước ngoài. Cinnamon, một startup AI cũng có phần mềm OCR đang thuê kỹ sư tại Việt Nam và Đài Loan. Cinnamon cũng gọi vốn thành công trong năm 2020 để mở rộng ra thị trường nước ngoài.

CEO Toguchi nói rằng kỳ lân AI Inside có tham vọng lớn. Hãng sẽ tích hợp thêm chức năng tạo bảng biểu, đơn từ trên mạng và phát triển phần mềm giúp khách hàng xây dựng hệ thống AI riêng, chẳng hạn như các sản phẩm phát hiện các vật phẩm độc hại tại nhà máy xử lý rác thải.

AI Inside nói rằng đang xem xét kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu bên ngoài Nhật Bản để đón bắt nhu cầu gia tăng trong lĩnh vực điện toán AI vốn đòi hỏi dữ liệu phải được xử lý càng gần nguồn càng tốt, chẳng hạn như lĩnh vự xe tự lái. “Chúng tôi không muốn chỉ là công ty bán phần mềm OCR. Mục tiêu của chúng tôi là bán cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghệ mới”, ông Toguchi khẳng định với Nikkei Asia.

Hệ sinh thái AI và mạng lưới các công ty AI khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh trong năm qua cùng với sự tăng trưởng vũ bão của ngành công nghệ tài chính (fintech). Hầu hết các công ty đang tập trung vào sản phẩm eKYC (định danh điện tử) giúp mở tài khoản ngân hàng trực tuyến mà không cần phải đến chi nhánh.

Các chuỗi khách sạn qui mô nhỏ ở Việt Nam cũng áp dụng eKYC trong việc thực hiện đăng ký cho khách trên mạng hay ứng dụng, xóa luôn khâu tiếp tân và bảo vệ để tiết kiệm chi phí. Công nghệ AI cũng được nhiều công ty Việt Nam sử dụng cho tiếp thị qua điện thoại (telemarketing).

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


CEO   Nhật Bản   OCR   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...