18/10/2020 6:50  
Thừa Thiên - HuếMột ngày trước khi gặp nạn, ông Nguyễn Văn Bình đội mũ cối, mặc áo mưa dẫn đoàn Bộ tư lệnh Quân khu 4 về vùng lũ cứu trợ.

Những ngày qua, người thân, đồng nghiệp, hàng xóm tập trung về nhà Chủ tịch huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình, 42 tuổi, trú xã Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, để phụ giúp gia đình làm lễ tang. Ông Bình là một trong 13 người hy sinh tại Trạm Kiểm lâm 67, thi thể được tìm thấy hôm 15/10.

Là hàng xóm với ông Bình, ông Nguyễn Xuân Đức, 65 tuổi, nói "làm cán bộ lãnh đạo huyện mà anh Bình sống rất bình dân, đi làm bằng chiếc ôtô hiệu Suzuki cũ lắm rồi, bán mấy chục triệu chắc chẳng ai mua". Từ nhỏ đến lớn, ông Bình sống với mẹ trong căn nhà 3 gian xây từ những năm 1980.

Căn nhà nay đã cũ, bàn ghế, giường tủ đã mua sắm lâu năm, trên bàn là chiếc tivi thế hệ cũ. Phía trước nhà, con sông Bồ nước cuồn cuộn đục ngầu. Một tuần trước, nước lũ dâng tứ bề ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà ông Bình bị lũ tràn vào ngập 50 cm, vệt nước còn hằn trên bờ tường.

Đồ dùng trong nhà chưa kịp kê dọn, ông Bình chỉ kịp nói với vợ và hai con (một trai, một gái học lớp 8 và 9) mấy câu ngắn gọn rồi lên đường ứng cứu người dân trong lũ. "Xóm giềng khi hay tin ông Bình gặp nạn đã rất sốc, ai cũng mong phép màu sẽ đến người cán bộ sống tình cảm", ông Đức nói.

Trong ký ức của ông Trịnh Đức Hùng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Chủ tịch huyện Phong Điền là một cán bộ trẻ, năng động. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM loại giỏi, ông Bình có nhiều cơ hội việc làm, những đã về gắn bó với quê hương, được tuyển làm chuyên viên huyện Phong Điền.

Sau đó, ông Bình kinh qua nhiều vị trí như Phó ban đầu tư huyện Phong Điền, Bí thư Đảng ủy xã Phong An, Phó chủ tịch huyện phụ trách văn hóa, sau đó chuyển qua Phó chủ tịch huyện phụ trách kinh tế. Hai tháng trước, ông Bình được bầu giữ chức Chủ tịch huyện thay cho ông Hùng về hưu.

"Nhiều năm công tác với nhau, tôi quý Bình ở tác phong gần gũi, rất trách nhiệm với công việc. Trong đợt Covid-19, phòng làm việc của Bình luôn sáng đèn đến tối muộn, vì anh ở lại lo điều phối anh em chống dịch", ông Hùng chia sẻ.

Ông Hồ Đôn, Chánh văn phòng huyện Phong Điền, cho biết ông và Chủ tịch huyện thân nhau như anh em trong gia đình khi cả hai về công tác ở xã Phong An, ông Bình làm Bí thư Đảng ủy, còn ông Đôn là Chủ tịch xã.

"Tôi quý Bình bởi rất chịu khó, chu đáo. Mưa lũ vừa rồi, Bình vẫn lội về nhà dân xem người dân sống như thế nào trong khi nhà Bình vẫn ngập", ông Đôn nói. Gặp dân, ông Bình hỏi thăm cặn kẽ việc người dân có đủ ăn, đêm ngủ ở đâu, sinh hoạt, điều kiện sống thế nào trong lũ dữ.

Hôm 12/10, nghe tin ông Bình gặp nạn, không liên lạc được, ông Đôn ngồi chờ ở UBND huyện cả đêm. Đến sáng sau, ông Đôn lặng người tìm lên xã Phong Xuân với hy vọng nghe tin về đoàn cứu nạn. "Không biết từ đây, vợ con Bình và người mẹ già đang nằm viện sẽ sống ra sao", ông Đôn nói.

Mẹ ông Bình đang điều trị bệnh khớp ở Bệnh viện Trung ương Huế, được báo lại con trai duy nhất trực mưa lũ, chứ không ngờ rằng con mãi mãi không trở về. Những ngày qua, gia đình không dám báo tin vì lo bà bệnh nặng thêm.

Trước đó đêm 11/10, mưa lớn khiến cả nửa quả núi sạt xuống nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, vùi lấp nhiều công nhân. Trưa 12/10, đoàn công tác 21 người của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế hành quân vào hiện trường để xác minh thông tin và triển khai cứu hộ.

Đêm 12/10, đoàn công tác 21 người đến tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ và dừng nghỉ tại đây. Lúc 0h ngày 13/10, sau tiếng nổ lớn, núi đất đá sụt trùm lên các gian nhà đoàn đang nghỉ; 8 người thoát ra ngoài, 13 người mất tích.

Cuối ngày 15/10, nhà chức trách đã tìm thấy và đưa 13 người mất tích về Bệnh viện Quân y 268 ở TP Huế.

Hoàng Táo - Võ Thạnh

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Covid   Covid-19   HCM   Suzuki  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...