26/01/2021 18:45  

Tại hội thảo phổ biến Nghị định 153/2020 của Chính phủ ban hành cuối năm 2020, quy định về chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết kế hoạch trong năm nay sẽ hình thành thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện đang nghiên cứu xây dựng mô hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có sự tham khảo từ các quốc gia khác.

Sau khi có mô hình giao dịch, Bộ Tài chính sẽ xem xét và ban hành văn bản cụ thể để hướng dẫn thị trường. “Hi vọng trong năm nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ ra đời”, ông Dương cho biết.

Theo Bộ Tài chính, thiết lập thị trường giao dịch thứ cấp sẽ giúp tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đồng thời giúp thị trường có thông tin về giao dịch trái phiếu sau khi phát hành.

Trao đổi bên lề, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính, Ngân hàng Thế giới (WB), đánh giá thị trường Việt Nam thì “người chơi” chủ yếu vẫn là các ngân hàng, nên một trong những tiêu chí quan trọng giúp thị trường giao dịch thứ cấp đi vào hoạt động và năng động hơn là sự đa dạng của các nhà đầu tư, tức bên mua trái phiếu.

“Thị trường thứ cấp sẽ năng động hơn nếu đa dạng hóa được nhà đầu tư, những người có góc nhìn khác nhau trên thị trường và rất năng động giao dịch”, ông Ketut bình luận. Theo chuyên gia này, tiềm năng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn khi bên phát hành được đánh giá là rất năng động.

Quy định về việc tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ cũng nằm trong Nghị định 153. Đây là một trong ba Nghị định Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2020, triển khai dựa trên Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp mới.

Cụ thể là Nghị định số 153/2020/NĐ của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng) và Nghị định số 156/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nghị định 153 được đánh giá là giúp “cởi trói” cho thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sau khi Nghị định 81 có hiệu lực từ đầu tháng 9-2020, đã phần nào "siết" lại hoạt động của thị trường khi đó, khiến lượng phát hành giảm rõ rệt trong quí cuối năm.

Cần chú ý thêm, theo Nghị định 153, sân chơi cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, ngoài các tổ chức còn bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhưng phải có giá trị danh mục chứng khoán trên 2 tỉ đồng hoặc điều kiện khác.

Tuy nhiên, vì Nghị định mới được ban hành, các công ty tham gia thị trường đều có nhiều câu hỏi bên lề, thắc mắc với các cơ quan quản lý bao gồm Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết từ năm 2017 trở lại đây thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh đi cùng sự thay đổi của khung pháp lý.

Cụ thể, giai đoạn 2017-2020 quy mô TPDN tăng bình quân 48%. Năm 2020, lượng trái phiếu phát hành đạt 430.000 tỉ đồng, tăng 29%, trong đó riêng lẻ chiếm 93,4% (tăng 30,4%) và phát hành ra công chúng tăng 33%.

Còn báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết trong năm 2020, tổng giá trị phát hành thành công đạt 403.400 tỉ đồng, tăng 35,9% so với năm trước, chiếm 69% tổng giá trị đăng ký.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Nghị định   Việt Nam   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...