27/11/2020 8:15  
Trong khi lãi suất liên tục giảm thì giá trị tiền đồng vẫn giữ được sự ổn định, thậm chí còn có dấu hiệu mạnh lên so với đô la Mỹ. Yếu tố nào đã tác động đến xu hướng này và hệ quả có thể là gì?

Lãi suất thấp kỷ lục...

Tiếp nối các đợt giảm lãi suất trong tháng 10, từ đầu tháng 11 đến nay đã có thêm hàng loạt ngân hàng (NH) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, như Vietcombank, ACB, SHB, SCB... Ngay cả nhóm NH nhỏ đang trong quá trình tái cấu trúc, thường đối mặt với áp lực thanh khoản, cũng đã giảm mạnh lãi suất trong tháng này như Đại Dương, GPBank, Bảo Việt.

Hiện tại, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng bình quân của các NH chỉ còn 3,7%, thấp hơn 0,3% so với mức trần hiện nay và giảm hơn 1,2% so với thời điểm cuối năm 2019. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6-11 tháng bình quân 5,6%, giảm gần 1,2% so với năm 2019, trong khi các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên giảm xấp xỉ 1%.

Có thể nói, năm 2020 được xem là giai đoạn lãi suất giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua, đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp kỷ lục so với trước đây. Trong đó, quy định trần lãi suất ngắn hạn hiện nay chủ yếu chỉ mang tính tham khảo, khi hầu hết NH đều niêm yết thấp hơn nhiều so với mức quy định, trong khi các kỳ hạn dài cũng theo xu hướng giảm mạnh để tránh chênh lệch giữa kỳ hạn ngắn và dài mở rộng quá mức.

Trong bối cảnh cầu tín dụng suy yếu, nhưng cung tiền vẫn mở rộng và dòng vốn chạy mạnh vào NH một kênh an toàn, giúp thanh khoản hệ thống ngày càng dồi dào tạo điều kiện cho các nhà băng giảm mạnh lãi suất. Bên cạnh đó, các đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo xu hướng của các ngân hàng trung ương toàn cầu, trong khi các loại lãi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường vay mượn trên liên NH, do đó mặt bằng lãi suất trên thị trường dân cư giảm mạnh cũng là điều tất yếu.

... Nhưng tiền đồng vẫn tăng giá

Về cơ bản, khi lãi suất một đồng tiền giảm xuống mức thấp sẽ gây sức ép giảm giá tương ứng lên đồng tiền đó. Tuy nhiên, tiền đồng thời gian qua lại có dấu hiệu mạnh lên, ít nhất là so với đô la Mỹ, trái với nguyên lý thông thường. Cụ thể, tỷ giá trung tâm USD/VND sau khi đạt mức tăng cao nhất vào cuối tháng 5 là 106 đồng so với đầu năm, thì đến ngày 18/11/2020 chỉ còn tăng 9 đồng. Như vậy, trong vòng gần 5 tháng qua, tỷ giá trung tâm đã giảm trở lại 97 đồng.

Giá giao dịch tại các NH và trên thị trường tự do, tiền đồng cũng mạnh lên tương ứng so với đô la Mỹ, với mức giảm từ 40-60 đồng, tương ứng với chiều mua vào và bán ra so với đầu năm. Với nguồn cung ngoại tệ tiếp tục duy trì so với cầu ngoại tệ từ đầu năm đến nay, đặc biệt là từ đầu quý II đến nay, trong khi đồng USD suy yếu trên thị trường quốc tế, nên tỷ giá USD/VND đi xuống là có thể hiểu được.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 10 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 2,94 tỷ USD, cao nhất từ đầu năm đến nay, đưa mức xuất siêu 10 tháng lên gần 20 tỷ USD.  Con số này cao hơn nhiều so với mức 18,7 tỷ USD mà Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 10.

Trong khi đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng dịch chuyển và rót mạnh vào Việt Nam, nhằm tránh các cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc cũng như tận dụng những ưu đãi hàng rào thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mới được ký kết hôm 15/11/2020. 

Thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,5 tỷ USD trong 10 tháng qua, trong khi vốn FDI giải ngân đạt 15,8 tỷ USD. 

Hệ quả là NHNN thời gian qua tích cực mua ngoại tệ để vừa gia tăng dự trữ ngoại hối, vừa hạn chế sự mạnh lên của tiền đồng. Cập nhật mới đây cho thấy vào trung tuần tháng 11, NHNN tiếp tục mua kỳ hạn 1 tỷ USD trên thị trường mở nhưng mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng hơn 30.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường. Chính sách này cũng góp  phần khiến thanh khoản tiền đồng dư thừa, đẩy lãi suất giảm sâu trong thời gian quan.

Mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo tiền đồng có thể mạnh lên trong năm 2021. Các chuyên gia phân tích tại Citigroup cũng dự đoán rằng đồng USD có thể giảm 20% vào năm 2021 nếu vắc xin Covid-19 trở nên phổ biến, giúp khôi phục thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong khi lãi suất thấp có thể giúp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và thậm chí đẩy các tài sản tăng giá, không loại trừ bơm phồng bong bóng tài sản, thì tiền đồng mạnh lên có thể khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh. Dù vậy, điều này cũng mang lại một số lợi ích nhất định, như góp phần giữ lạm phát thấp, ổn định, thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài do rủi ro tỷ giá thấp, giảm gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài cũng như giảm chỉ tiêu nợ công/GDP.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   NHNN   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Tổng cục   Việt Nam   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...