20/01/2021 10:40  
Người dân chung cư Nơ 5, Khu đô thị (KĐT) Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) đều tự hào bởi đã cùng nhau chung tay làm thay đổi bộ mặt nơi mình đang sinh sống. Năm qua, đã có một sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của Ban quản trị và cả người dân về công tác xã hội hoá quản lý, vận hành chung cư.
Bài 1: Nhìn từ khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp
Cám cảnh chung cư
KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp rộng hơn 50ha là một quần thể bao gồm hơn 20 tòa nhà cao tầng, hơn 100 biệt thự có thiết kế đẹp mắt. Dự án đã khởi công xây dựng tháng 10/2002 và bắt đầu đi vào khai thác từ cuối năm 2004, đến nay đã gần 20 năm. KĐT có quy mô dân số 10.000 dân do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Tại đây, có các công trình tiện ích công cộng như trường học, nhà trẻ, siêu thị, nhà hàng, bệnh viện, công viên, vườn hoa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Trong đó, đất cây xanh, thể dục thể thao là 1,383ha (3,4%), tương đương với 1,53 m2/người.
Đến nay, sau gần 20 năm đưa vào sử dụng cùng với KĐT Linh Đàm thì Pháp Vân – Tứ Hiệp được coi là một trong những KĐT mới, dành cho người dân có thu nhập vừa và thấp ở Hà Nội có tuổi đời nhiều nhất. Vì thế, những người sống ở Hà Nội cũng phần nào hình dung được cảnh quan, môi trường và hạ tầng các khu đô thị kiểu này. Đó là khu vui chơi công cộng khá ít; sân chơi luôn đầy rác rưởi, thiếu ánh sáng, vườn hoa cằn cỗi, cỏ mọc tốt hơn hoa. Người lớn và trẻ con ngoài giờ làm việc ở cơ quan, đơn vị và trường học đều chỉ ru rú trên gác, hoạ hoằn mới có vài người già xuống đất đi tập thể dục. Vì thế tình cảm láng giềng khá nhạt, có khi ở chung một tầng vài năm mà vẫn không biết tên nhau, các cuộc vận động đóng góp công việc chung vì thế cũng khó khăn hơn rất nhiều. Sống lâu thành nếp, người dân chung cư an bài và đành chấp nhận với một thực trạng như thế.

Chia sẻ với phóng viên, người dân Nơ 5 (KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp) cho biết, sân chơi chung của toà nhà trước đây phần thì bị một đơn vị vận tải lấn chiếm, phần thì nhiều rác rưởi… nên người dân hầu như không sử dụng. Tối đến, khu vực sân chơi chung tối om, chỉ có nhà ai có việc gì mới đi qua. Vườn hoa cây cảnh chỉ tồn tại cho có, hoa mọc chen với cỏ, hầu như ít ai quan tâm đến. "Cứ tưởng được ở chung cư mới thì sẽ văn minh hơn, chất lượng sống được nâng lên, tương ứng với sự phát triển của xã hội, ai dè cám cảnh lắm. Nhưng mà nay, trật tự khu dân cư Nơ 5 chúng tôi đã khác rồi" - một người dân phấn khởi nói.

“Công viên các bà”

Tìm hiểu cái sự "khác" ở đây mới biết, năm 2020, do đại dịch Covid-19, người dân Hà Nội cũng như cả nước bị hạn chế đi lại, có những thời gian hầu như mọi người làm việc tại nhà. Cứ mỗi buổi chiều, các bà, các chị xuống chăm tỉa bồn hoa. Ban đầu cũng có vài ý kiến lời ra tiếng vào, thậm chí dè bỉu. Nhưng người làm cứ làm, người nói cứ nói. Thế là hơn 4 tháng nay, hàng ngày, người chăm, kẻ trồng, người lo nước tưới, nhộn nhịp cả chung cư, chiến dịch “đuổi rác, trồng hoa” do các bà khởi xướng được duy trì. Nhìn vườn hoa ngày càng đẹp dần trong mắt mình, các bà, các mẹ tự động bỏ tiền túi mua hoa về trồng. Các ông chồng xăng xái gánh nước tưới, rồi tiến tới lắp bơm nước cho cả mấy bồn hoa khu vực.

Sự hăng hái, tích cực ban đầu của các bà được Ban quản trị chung cư ghi nhận, đồng thời hô hào mọi người chung tay xây dựng “vườn hoa các bà”, những khung sắt để cho cây leo được lắp đặt, có thêm hàng rào bảo vệ. Khá nhiều quý ông hào phóng, đóng góp 500.000 - 2.000.000 đồng giúp cho các bà, các chị có thêm kinh phí để hình thành một vườn hoa đủ sắc màu. Bên cạnh vườn hoa xuất hiện thêm ghế đá do các DN, cá nhân tặng để phục vụ người dân ngồi ngắm hoa, thư giãn.

Đến nay, vào các buổi chiều, khu vực sân chơi công cộng nơi đây đông vui như một công viên mini, đủ các thành phần, già trẻ, thành niên, thiếu nhi. Các bà cũng “quy hoạch” đâu ra đấy, chỗ trồng hồng, chỗ trồng cánh bướm… lại có cả dàn cho cây leo cùng hệ thống tưới bán tự động. Hàng tháng, cũng phải cân đo, đong, đếm để mua loại hoa nào phù hợp, chi phí hợp lý để 4 mùa đều có hoa nở, còn phải tính việc cắt cử và lên phương án bảo vệ chống mất trộm.

Đã là hoa thì không thể nằm cạnh rác, thế là Ban quản trị quy định sáng Chủ nhật, 64 hộ dân đều cắt cử đại diện tham gia vệ sinh khu vực sân chơi công cộng. Tại đây, bà con còn nhẹ nhàng góp ý cho nhau về công tác giữ gìn vệ sinh chung ở hành lang, thang máy. Rồi những câu chuyện học hành, nuôi dạy con cái… cũng được người dân đem ra bàn thảo.

Đến giờ, nếu như người Pháp tự hào vì có sân vận động mang tên “các hoàng tử” thì người dân Nơ 5 KĐT Pháp Vân Tứ Hiệp tự hào có “công viên các bà”. Bà Nga, bà Hương, chị Hà… là những người tích cực, chiều nào rảnh việc là “xuống vườn”. Không chỉ dưới mặt đất, mà từ đó hành lang, cầu thang của toà nhà cũng được nhân viên quản lý toà nhà của HUD vệ sinh sạch sẽ hơn rất nhiều.

Có khu vực sinh hoạt công cộng sạch sẽ nên tổ dân phố mạnh dạn kết hợp với Ban quản trị toà nhà tổ chức đêm văn nghệ “cây nhà, lá vườn” đầu tiên nhân dịp Tết Trung thu kể từ khi cư dân đến đây sinh sống (2004), tạo được tiếng vang trong toàn KĐT. Một không khí đoàn kết, vui vẻ của dân cư khi mọi người thường xuyên có các buổi giao lưu, sinh hoạt chung đoàn kết và đầy nghĩa tình.q

(còn nữa)

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Covid-19   Hà Nội   Trung thu   quy hoạch   Đầu tư   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...