16/04/2021 16:11  
Bộ Luật 2019 quy định rõ về thời hạn của hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn...

Sáng 16/4, Hội nghị phổ biến về Bộ Luật lao động 2019 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TPHCM tiếp tục phần thảo luận. Nội dung chính trong buổi làm việc liên quan đến việc giải đáp những thắc mắc liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Trong buổi làm việc, ông Phùng Quốc Vương, Trưởng phòng quản lý lao động, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã cho biết những thay đổi, quy định mới của Bộ Luật lao động năm 2019 về những nội dung quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo ông Phùng Quốc Vương, Điều 151 của Bộ Luật Lao động 2019 quy định: Cụ thể, điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đầu tiên phải có quốc tịch nước ngoài, có độ tuổi từ 18 trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc, có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Lao động không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam. Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

"Trong lĩnh vực quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam, sửa đổi lớn nhất của Bộ Luật 2019 là quy định rõ về thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn", ông Vương nêu điểm mới của Bộ Luật lao động 2019.

Về nội dung điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ông Vương cho biết hầu hết đều giữ nguyên những đặc điểm nội dung so với Luật trước đây.

"Chỉ có một điểm mới là nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền", ông Vương nêu rõ.

Vấn đề trên được khá nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị. Đại diện Ban quản lý khu Kinh tế Bình Phước cho biết, đến thời điểm hiện tại, một số giấy phép lao động đã được cấp trước đây theo Nghị định cũ đã hết hạn hoặc chuẩn bị hết hạn thì theo Nghị định mới phải xử lý thế nào cho đúng quy định của pháp luật?

Giải đáp thắc mắc trên, đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, về vấn đề này có 2 ý kiến đã được thảo luận nhiều lần. Cục đã trình lãnh đạo Bộ để xem xét nhằm áp dụng vào tùy trường hợp cụ thể.

"Ý kiến thứ nhất là sẽ tiến hành cấp mới giấy phép lao động vì người lao động nước ngoài thừa hưởng những chính sách từ nghị định cũ nên khi hết hạn thì sẽ tiến hành cấp mới giấy phép. Ý kiến thứ hai, nếu người lao động nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện lao động tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì sẽ tiến hành gia hạn giấy phép lao động", đại diện Cục Việc làm chia sẻ.

Cũng tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP, vấn đề thu phí, lệ phí khi gia hạn lao động nước ngoài được nhiều đại biểu tại TPHCM thắc mắc. Khi cấp mới hoặc cấp lại giấy phép lao động, TPHCM có thu phí và lệ phí liên quan nhưng việc gia hạn vẫn chưa có quy định cụ thể.

"Tại TPHCM, chúng tôi đã có văn bản trình, đồng thời nhận được ý kiến của Sở Tư Pháp là "Căn cứ Thông tư 85 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu phí, lệ phí thì chúng ta chỉ có quyền cấp mới và cấp lại chứ chưa hề có thẩm quyền gia hạn.

Nếu như bây giờ chúng ta có thêm phần gia hạn thì phải có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn kịp thời về việc thu phí, lệ phí cho việc gia hạn. Nếu gia hạn giấy phép lao động mà không thu phí, lệ phí thì về nguyên tắc là đang thất thoát ngân sách nhà nước", đại diện Phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) đặt vấn đề.

Cũng theo vị đại diện này, Sở LĐ-TB&XH TPHCM tiến hành cấp lại khoảng 5.000 giấy phép cho lao động nước ngoài. Hiện tại số tiền quy định cấp mới là 600.000 đồng/hồ sơ, cấp lại là 450.000 đồng/hồ sơ thì nếu nhân lên với số lượng hồ sơ đó thì là một số tiền rất lớn. 

Về vấn đề này, đại diện Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã ghi nhận ý kiến và sẽ trao đổi thêm với Bộ Tài chính và đồng thời mong muốn đại diện của các sở cũng sẽ tham mưu cho UBND các tỉnh để có văn bản phản ánh đến Bộ Tài chính để có thể sửa đổi, bổ sung về điểm còn thiếu sót này.

 Xuân Hinh - Nam Thái

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bình Phước   HCM   Kinh tế   Nghị định   TPHCM   Tài chính   Việt Nam   chính sách   hành vi   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...