28/10/2020 6:15  
Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính... của khu vực Đông Nam Á, TP.HCM đặt mục tiêu lấy dân, doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, phát triển kinh tế.

Trung tâm kinh tế của cả nước

Trong 5 năm qua, TP.HCM đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, kinh tế TP.HCM tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, ước giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế Thành phố đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước. Quy mô kinh tế của TP.HCM còn lớn hơn của Việt Nam từ năm 2005 trở về trước, thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực.

Không chỉ vậy, mức thu ngân sách nhà nước luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất nước (năm 2019 chiếm 27%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2019 gần 1,5 triệu tỷ đồng, đạt 101,96% dự toán, tốc độ tăng thu bình quân là 9,83%. Riêng dự toán thu ngân sách TP.HCM năm 2020 là 405.828 tỷ đồng, lớn hơn tổng thu ngân sách của 52 tỉnh, thành trong cả nước có mức thu từ dưới lên trên (tổng là 401.334 tỷ đồng). 

TP.HCM là địa phương có năng suất lao động cao nhất, gấp 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 8,6% lao động cả nước nhưng nhờ năng suất lao động cao mà Thành phố đã đóng góp gần 1/4 kinh tế cả nước, có tỷ lệ chi ngân sách thấp nhất cả nước. TP.HCM cũng là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước... 

Trong 5 năm tới, TP.HCM đặt mục tiêu đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD/năm. Đến năm 2030 sẽ là thành phố du lịch, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. GRDP bình quân đầu người đạt 13.000 USD. Trong tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM xác định sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Để thực hiện những mục tiêu này, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị cho biết, TP.HCM đã khởi động chương trình đột phá về thể chế, đổi mới quản lý, nhân lực, khoa học công nghệ, đột phá hạ tầng giao thông, xử lý nước thải, nhân lực và phát tiển văn hóa, song song với các chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, sản phẩm chủ lực của Thành phố. "Thành phố phải giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế, đầu tàu trong đóng góp ngân sách, phát triển cùng cả nước, vì cả nước", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Cải cách toàn diện

Muốn đạt được mục tiêu đề ra, TP.HCM phải cải cách toàn diện. Theo các chuyên gia, trong những năm qua, chính quyền Thành phố luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Thành phố tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cũng chưa cao. Vì thế, Thành phố cần nâng cao hơn nữa chất lượng cung ứng các dịch vụ công và tạo những điều kiện tốt nhất cho người dân sống trong môi trường hiện đại, xanh, sạch và an toàn, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hành chính công. 

Bởi nói như Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân, "các chỉ số đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, hoạt động hiệu quả của bộ máy chính quyền, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đưa chính quyền đến gần người dân hơn, để người dân có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hành chính công bất kỳ thời điểm nào và ở đâu thuận lợi nhất. Đó là một mục tiêu quan trọng mà chính quyền Thành phố hướng đến, xây dựng thành phố thông minh, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân".

Theo đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, dù đạt được những kết quả khích lệ, nhưng nhìn tổng thể, TP.HCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Công cuộc chống tham nhũng, suy thoái đã có tiến bộ song chưa căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân và sự đòi hỏi phát triển kinh tế. Vì vậy, phải xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động. Trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Bên cạnh đó, phát huy tối đa nhân tố con người, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong mục tiêu phát triển.

Để xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử gần dân, theo ông Huỳnh Thanh Nhân, cần thực hiện 9 giải pháp. Trong đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Vì thực tế những năm qua, ở đơn vị nào, người đứng đầu sâu sát đến công việc thì công tác cải cách hành chính đơn vị đó đạt hiệu quả, chất lượng dịch vụ hành chính công được cải thiện.

Gỡ nút thắt cản trở phát triển

Để tiếp tục là đầu tàu cả nước về mọi mặt, Thủ thướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có 5 vấn đề trọng tâm trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành. Trong đó, cần quyết liệt tháo gỡ những nút thắt đang cản trở sự phát triển như hạ tầng giao thông, nhân lực chất lượng cao, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và hợp tác, liên kết vùng. Đặc biệt, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để tạo đột phá trong đầu tư phát triển. Sớm hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của Thành phố. Nhất là các dự án giao thông ứng phó biến đổi khí hậu và hạ tầng số, giải quyết cho được tình trạng ngập úng và ùn tắc giao thông hiện nay.

Thành phố Thủ Đức được xác định sẽ là một trong những động lực chính để phát triển TP.HCM trong 5-10 năm tới và xa hơn. Đây sẽ là một cực tăng trưởng để phát triển khu Đông, với các yếu tố chính như khu công nghệ cao, khu giáo dục đại học chất lượng cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm... Các yếu tố này sẽ tạo nên một đô thị thông minh, sáng tạo tương tác cao. Thế nhưng, hạ tầng giao thông cũng là vấn đề cần phải giải quyết ở khu vực này.

Những yếu kém, bất cập của khu vực này đã được Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã chỉ rõ là quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi, ùn tắc giao thông, ngập lụt... Tại khu vực này có đến 10 điểm ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường, nặng nhất là khu vực Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 5 năm tới, ngoài việc đẩy nhanh đề án thành lập thành phố Thủ Đức, TP.HCM còn phải lưu ý đến tiến độ các công trình trọng điểm, giải quyết ùn tắc và khép kín hệ thống giao thông đô thị khi kết nối với các tỉnh phía Nam. Xây dựng thành phố Thủ Đức thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế và hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP.HCM.

Muốn vậy, tất cả phải quyết liệt hành động và "đặc biệt là kiên quyết không để tình trạng chậm xử lý công việc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, "quyền anh, quyền tôi", "trên nóng, dưới lạnh" tiếp diễn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


HCM   Việt Nam   chuyên gia   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   hành vi   hợp tác   quy hoạch   sáng tạo   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...