29/10/2020 14:40  
Vậy với những quyết định đúng đắn, thể theo loạt chiến lược kinh doanh mang thương hiệu Lee Kun Hee, Tập đoàn Samsung đã biến hóa ra sao? Câu trả lời sẽ có trong bài cuối của loạt bài “Linh hồn của "Đế chế" Samsung”, cũng thay lời kết cho hành trình lý giải thành công của “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc, gắn liền với dấu ấn lãnh đạo của vị Chủ tịch đặc biệt.
Từ DN hạng 2 thành DN hàng đầu

“Tôi nguyện hiến dâng cả thân mình vì niềm vinh quang của Samsung, và vì một sự khởi đầu trong việc sáng tạo ra lịch sử mới cho Samsung. Đến những năm 1990, tôi sẽ phát triển Samsung thành DN hàng đầu thế giới bằng phương thức kinh doanh không ngại thử thách, hướng tới tương lai”, ông Lee Kun Hee đưa ra lời hứa trước các nhân viên của Tập đoàn tại Tòa nhà nghệ thuật Hoam, Seoul, vào ngày 1/12/1987, khi ông chính thức nhậm chức Chủ tịch Samsung ở tuổi còn rất trẻ - 46 tuổi.

Thực tế đã chứng minh, 1 năm sau Tuyên bố Frankfurt 1993, Samsung đã hoàn toàn đạt được mục tiêu từ công ty hạng 2 trở thành DN số 1. Kể từ đó, những thiết kế, chất lượng sản phẩm và chiến lược nhân sự mà ông đã chủ trương lần lượt đơm hoa kết trái (đọc thêm tại đây). Nhưng hơn cả, với sự trở lại của ông vào năm 2010, dẫn dắt Tập đoàn hồi sinh từ suy thoái tài chính toàn cầu, Samsung đã trở thành DN có tên tuổi trên toàn thế giới, với loạt con số không tưởng:

Năm 2010, doanh thu của Samsung đã tăng 13,4% và lợi nhuận trong kinh doanh tăng khoảng 60%, bất chấp hệ quả của suy thoái. Năm 2011 với cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu, dù lãi thực của Samsung có phần giảm sút nhưng doanh thu vẫn tăng thêm 10 nghìn tỷ won.

Cần lưu ý rằng, đó là những năm mà Samsung đã gặp phải loạt yếu tố bất lợi, bao gồm cuộc chiến pháp lý với Apple và sự đình trệ của nền kinh tế toàn cầu. Thành quả vượt bậc của Samsung lúc bấy giờ khiến mọi ánh mắt trên thế giới không khỏi đổ dồn vào vị Chủ tịch. Chẳng hạn, cuốn sách có tên “Nỗi khiếp sợ về tập đoàn lớn nhất thế giới Samsung”, do một tác giả Nhật Bản và Hiệp hội nghiên cứu kinh doanh Nhật Bản đồng chủ biên, đã đánh giá về ông Lee Kun Hee:

“Lee Kun Hee là một nhà kinh doanh thiên tài. Chỉ chưa đầy 10 năm sau tuyên bố "Quản lý mới’, vị trí số 1 đã nằm gọn trong tay Samsung và Lee Kun Hee. Họ sở hữu một tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Samsung thật sự là một tập đoàn hiếm có trên thế giới. Ở tuổi 46, Lee Kun Hee tiếp quản việc kinh doanh của Tập đoàn Samsung từ cha mình là Chủ tịch sáng lập tập đoàn Lee Byung Chul, để rồi mở ra thời kỳ hoàng kim với những đột phá ấn tượng của Samsung.

Công lao lớn nhất của Lee Kun Hee là dẫn dắt Samsung từ một công ty chế tạo hạng 2 của Hàn Quốc thành DN thuộc hàng top trên thế giới. Và tất cả cũng chỉ trong vòng 10 năm. Thật không biết phải dùng từ ngữ nào để miêu tả về Lee Kun Hee ngoài một từ duy nhất - Thiên tài”.

Một DN trách nhiệm xã hội vì sự thịnh vượng chung

“Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu tách rời xã hội, cũng giống như cá không thể sống nếu rời khỏi mặt nước”, Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee nói trong lời chúc mừng năm mới 1996, được xem như lời nhắc nhở về mối quan hệ sống - còn của DN và xã hội. Trong quá khứ, nếu như DN dẫn đầu chỉ nhằm mục đích nâng cao hình ảnh của DN thì giờ đây, kinh doanh được cho cần cùng tồn tại với hoạt động cống hiến xã hội, trở thành chiến lược thành công cần thiết.

Và với hình ảnh là một biểu tượng của quốc gia, ông Lee dường như hiểu rõ rằng trách nhiệm phải trở thành một tấm gương cho các DN khác của Samsung cũng rất nặng nề. Nếu đem so sánh với đại đa số các DN lớn tại Hàn Quốc vẫn đang dừng chân ở mức “hoạt động từ thiện”, Samsung được đánh giá đã đi trước một bước trong công cuộc thực hiện trách nhiệm xã hội.

Điển hình, Samsung Electronics dưới thời Chủ tịch Lee Kun Hee đã đưa ra khái niệm “trách nhiệm xã hội 3.0” - CSR 3.0 (Corporate Social Responsibility), trong đó đặt trọng tâm vào hoạt động cống hiến xã hội trên cơ sở năng lực thông minh, đồng thời theo đuổi các hoạt động cống hiến cho xã hội mang tính cải tiến và năng động.

CSR 3.0 của Samssung vượt ra khỏi ý nghĩa hẹp của CSR là hoạt động từ thiện của DN, để coi cống hiến xã hội là một loại hình chiến lược trong kinh doanh. Chẳng hạn, Samsung cho đến nay đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong dịch vụ hỗ trợ thiếu nhi, như dịch vụ chăm sóc giáo dục trẻ em, thông qua việc xây dựng nhà trẻ Samsung năm 1989 và dự án “Lớp học hy vọng” năm 2004 cho trẻ em nghèo.

Việc Samsung trở thành một DN có trách nhiệm xã hội được đánh giá là hoạt động tương đồng với mô hình “chủ nghĩa tư bản sáng tạo” mà tỷ phú sáng lập Microsoft Bill Gates từng giới thiệu: “Ưu đãi trong phát triển kỹ thuật chỉ dành cho những người có khả năng kinh tế để mua nó - đây chính là cái sai của chủ nghĩa tư bản đơn thuần… Hệ thống chủ nghĩa tư bản cần được điều chỉnh và thay đổi để trở thành hệ thống giúp ai đó tạo ra được lợi nhuận và dành ưu đãi cho những người không có gì trong tay và giúp cải thiện cuộc sống của họ. Có nghĩa là chủ nghĩa tư bản sáng tạo phải theo đuổi sự thừa nhận mang tính xã hội cùng với lợi ích cho DN - bao gồm việc tăng thêm và tập trung khách hàng, đồng thời giúp DN kêu gọi nhân tài”.

Từ “Samsung quản lý” thành “Samsung sáng tạo”

Ngày 3/1/2005, trong tiệc mừng năm mới, Chủ tịch Lee Kun Hee đặc biệt yêu cầu Tập đoàn hướng tới một nền kinh doanh sáng tạo: “Samsung trong thời gian qua đã vay mượn kỹ thuật, học cách quản lý, học cách kinh doanh từ các DN hàng đầu để trưởng thành, nhưng kể từ bây giờ sẽ không còn công ty nào cho chúng ta mượn và dạy cho chúng ta kỹ thuật nữa. Sau này chúng ta phải cạnh tranh với chính bản thân chúng ta, chúng ta phải tự thay đổi mình, không chỉ dừng lại ở phát triển kỹ thuật mà còn là hệ thống kinh doanh”.

Theo chỉ thị đó của ông Lee, “sáng tạo” đã trở thành từ khóa trong kinh doanh của Samsung những năm 2000. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong kinh doanh sáng tạo là “quản lý”. Giới chuyên gia từng đánh giá, Samsung của quá khứ đã từng được gọi là “Samsung quản lý”, khi là điển hình cho kiểu DN chỉ miệt mài tập trung vào việc quản lý và chỉ thị từ trên.

Do đó, tại Hội nghị Ban giám đốc Samsung ở New York vào tháng 9/2006, Chủ tịch Lee Kun Hee kêu gọi: “Sẽ không có việc đi sao chép cái của người khác và không chế độ độc tài nên tôi mong mọi người nhìn mọi thứ từ điểm xuất phát, hướng đến chiến lược kinh doanh sáng tạo tìm ra cái mới”.

Cũng như câu nói của “Doanh nhân được kính trọng nhất thế giới” do tờ Financial Times bình chọn - Jack Welch: “Nếu bạn muốn những điều tầm thường, bạn không cần công nhận nhân viên của mình và chỉ cần đối xử với họ như những người lao động”. Và nếu như Mỹ có Jack Welch - người đã đổi mới và dẫn dắt tập đoàn General Electric (GE) vươn lên vị trí hàng đầu thế giới, Hàn Quốc có Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee.

Nhưng nếu đem so sánh thành quả kinh doanh, có thể nói rằng vị tỷ phú châu Á đã vượt xa hơn rất nhiều. Bởi GE trong 20 năm dưới thời Chủ tịch Jack Welch đạt sự tăng trưởng gấp 40 lần, trong khi Samsung đã tăng trưởng gấp 300 lần trong 30 năm dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Lee Kun Hee.

Cũng liên quan đến vấn đề sáng tạo, cuộc cạnh tranh với iPhone của Apple được cho đã “vô tình” trở thành động lực mạnh mẽ với Samsung Electronics dưới thời Chủ tịch Lee Kun Hee. Sau một thời gian dài sử dụng chiến lược “kẻ bám sát nút” trong mảng điện thoại di động, Samsung dường như đã cảm thấy cần phải trở thành kẻ chạy nhanh hơn mới mong tồn tại, từ đó cho ra đời siêu phẩm Galaxy S từng chặn đứng “cơn bão” Iphone (đọc thêm tại đây). Nói cách khác, trở thành “Samsung sáng tạo” cũng là một yêu cầu tất yếu của thời đại.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Apple   Hiệp hội   Nhật Bản   Tập đoàn   chiến lược   chuyên gia   dịch vụ   iPhone   khủng hoảng   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...